Đã từng thử áp dụng các phương pháp quản lý chi tiêu "kiểu mẫu" như 5 chiếc lọ, 50/30/20, 10/20/70,... nhưng đều không hiệu quả, 3 bạn trẻ này đã tự tìm ra công thức quản lý tiền nong của riêng mình, để thoát cảnh rỗng túi khi lương chưa về.
Ngọc Mai cho biết cô chẳng bao giờ ghi chép các khoản chi, nhưng cũng chưa có tháng nào bội chi, âm lương; còn chuyện nợ nần thì đương nhiên là càng không. Bí quyết của Ngọc Mai vô cùng đơn giản: Phân luồng và chọn điểm đến.
"Mỗi tháng, mình sẽ phân chia thu nhập thành các khoản với từng mục đích khác nhau. Phân chia xong thì từng khoản vào các nơi khác nhau chứ không để chung trong 1 tài khoản, thế mới dễ quản lý" - Ngọc Mai chia sẻ.
Cách Ngọc Mai phân luồng và chọn điểm đến cho từng khoản chi của mình
"Mình thường xuyên đặt đồ ăn trên app và thanh toán bằng ví Momo nên tiền ăn hàng tháng mình đều chuyển hết vào đó cho tiện quản lý. Việc mua sắm cũng vậy, mình mua đồ trên Shopee nên để toàn bộ ngân sách mua sắm trong tháng ở ví ShopeePay. Mình dùng 2 ví điện tử cho 2 mục đích khác nhau, cứ nhìn vào số dư trong ví để cân đối lại việc ăn uống, mua sắm thôi. Đây là 2 khoản mình hay bội chi nhất, nhưng từ khi tách biệt chúng ra thì trộm vía tình trạng bội đi đã không còn nữa" - Ngọc Mai khẳng định.
Thanh Hằng cho biết thu nhập hàng tháng của cô rơi vào khoảng 16,5 triệu đồng. Ngay khi nhận lương, Thanh Hằng sẽ trích 5 triệu đồng để gửi tiết kiệm. Với khoản tiền 11,5 triệu đồng còn lại, Thanh Hằng đem chia cho số ngày trong tháng, để tính ra được ngân sách chi tiêu trong 1 ngày. Con số này xấp xỉ 383.000 đồng.
"Sau khi trừ đi tiền tiết kiệm, một ngày mình chỉ có khoảng 383.000 đồng để chi tiêu. Khoản tiền này bao gồm tất cả các chi phí như tiền thuê nhà, phí dịch vụ, đi lại, ăn uống, mua sắm. Làm gì thì làm, tổng số tiền không được vượt quá 383.000 đồng/ngày là được. Sở dĩ mình phải làm thế này là vì mình rất hay mua sắm linh tinh, phải tính ra được ngân sách mua sắm trong 1 ngày thì mình mới không bội chi khoản này" - Thanh Hằng giải thích.
Cách Thanh Hằng lập ngân sách chi tiêu theo ngày để kiểm soát “cơn nghiện mua sắm” của mình
Thanh Hằng cũng cho biết thêm ngay vào ngày nhận lương, cô sẽ ngó 1 lượt các sản phẩm thiết yếu trong nhà như sữa tắm, dầu gội/xả, kem đánh răng, nước giặt/nước xả,... nếu có món nào sắp hết, cô sẽ mua trước vì đó là các sản phẩm thiết yếu.
"Sắm sửa hết đồ dùng thiết yếu rồi, mình tiếp tục đem số tiền còn lại trong quỹ mua sắm chia cho số ngày trong tháng để biết được ngân sách mua quần áo, giày dép trong 1 ngày.
Giả sử tháng này, mình sắm đồ trong danh sách ưu tiên hết 1.000.000đ rồi, thì nghĩa là mỗi ngày mình chỉ được phép tiêu khoảng 78.000đ cho việc mua sắm những thứ khác thôi, chứ không còn là 112.000đ/ngày nữa.
Chỉ được tiêu 78.000đ/ngày mà hôm nay lỡ đặt đôi giày 1.200.000đ thì nghĩa là 16 ngày tiếp theo, mình không được mua gì nữa. Bám vào lối tư duy như vậy nên mình hạn chế được việc tiêu lố tiền vì ham mua sắm" - Thanh Hằng chia sẻ.
Khác với Thanh Hằng và Ngọc Mai, Phương Trúc không nghiện mua sắm, thứ cô "nghiện" chính là đi siêu thị. Buồn, đi siêu thị; vui, cũng đi siêu thị. Thế nên có những tháng, Trúc tiêu hết 10 triệu đồng - quá nửa tiền lương cho việc đi siêu thị.
Ảnh minh họa
Cứ mỗi lần đi siêu thị, Trúc lại rước về nhà rất nhiều đồ ăn vặt, thịt thà, rau củ,... và cũng quá nửa số đó phải bỏ đi do hết hạn hoặc bị hỏng.
"10 triệu/tháng để mua quần áo hay giày dép, phấn son, nghe nó còn đỡ tiếc vì ít nhất mình còn sử dụng được. Còn mình thì tiêu tiền cứ như vứt tiền đi, lãng phí kinh khủng. Thế nên mình đặt ra ngân sách 1,5 triệu đồng/tuần cho việc đi siêu thị. Muốn mua gì thì mua, không quá 1,5 triệu đồng/tuần là được".
Phương Trúc chia sẻ và cho biết thêm cô dùng tiền mặt để tiện quản lý việc "đốt tiền trong siêu thị".
"Cứ thứ 2 hàng tuần là mình ra cây ATM, rút 1 triệu rưỡi tiền mặt. Đây là khoản duy nhất mình dùng tiền mặt, còn lại mình đều thanh toán chuyển khoản hết. Cứ đi siêu thị là mình bỏ hết thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng ở nhà, chỉ cầm tiền mặt đi thôi. Thế mới cai được việc đốt tiền trong siêu thị đấy" - Phương Trúc vừa cười vừa kể.