Qua một thử nghiệm mới đây, các chuyên gia từ ĐH North Carolina (Mỹ) dường như đã thêm một bước tiến rất dài đối với việc chế tạo thuốc tránh thai dành cho nam giới.
Mấu chốt của thí nghiệm xoay quanh một loại hóa chất mang tên EP055. Chất này sẽ gắn với EPPIN - một loại protein trên bề mặt tinh trùng. Trong thử nghiệm, các chuyên gia thử tiêm EP055 vào một số khỉ đực. Chỉ trong vòng 6h, khả năng bơi của tinh trùng đã giảm 20%.
Sắp đến ngày các anh phải uống thuốc rồi
Và sau khoảng 30h, toàn bộ tinh trùng của khỉ không thể di chuyển được nữa.
"Nói đơn giản, chất này có thể vô hiệu hóa khả năng bơi của tinh trùng, hay gần như hủy diệt khả năng thụ thai của số tinh trùng này" - trích lời tiến sĩ Michael O'Rand, chủ nhiệm nghiên cứu.
Nhưng điều quan trọng nhất là EP055 không gây tác dụng phụ lên hormone, ít nhất là với trường hợp nhóm khỉ trong thí nghiệm. Trong khi đó, thuốc tránh thai cho nữ là tổng hợp 2 loại hormone estrogen và progesterone, có thể làm tăng cân, thay đổi tâm trạng, chóng mặt buồn nôn.
Và đặc biệt, số tinh trùng này có thể hoạt động bình thường sau 3 tuần. Có nghĩa tác dụng của thuốc hoàn toàn có thể đảo ngược sau khi ngưng sử dụng.
"Sau 18 ngày, nhóm khỉ đã hồi phục khả năng làm bố, tức là EP055 có thể bị vô hiệu hóa khi cần." - tiến sĩ Mary Zelinski cho biết.
Hiện tại, các phương pháp tránh thai dành cho nam chủ yếu chỉ dựa vào bao cao su, hoặc thắt ống dẫn tinh. Tuy nhiên, bao cao su có đến 18% rủi ro nếu đeo không đúng cách, còn thắt ống thì tương đối đắt tiền, lại khó có thể khôi phục khả năng làm cha của các anh khi cần.
Dù vậy, nhóm nghiên cứu cũng chưa thể dự đoán được thời điểm loại thuốc này được ứng dụng trên con người. Muốn làm như vậy, cần phải có nhiều thử nghiệm hơn trên động vật trước đã.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLOS ONE.