Thi nhau gửi giấy báo trúng tuyển
Theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT đã ban hành, thi tốt nghiệp THPT vào ngày 9 và 10-8, việc xét tuyển ĐH phải đến khi các trường cập nhật vào cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT kết quả sơ tuyển, kết quả thi đánh giá năng lực chuyên biệt, kết quả thi các môn năng khiếu (nếu có). Sau đó, Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn cho khối ngành sức khỏe, sư phạm (dự kiến trước ngày 7-9).
Tiếp theo, các trường khác công bố điểm xét tuyển. Sau khi các trường công bố điểm xét tuyển, thí sinh sẽ điều chỉnh nguyện vọng từ ngày 9 đến 16-9 (trực tuyến) và đến ngày 18-9 (trực tiếp tại điểm nhận hồ sơ). Từ ngày 24 đến 26-9, các trường thực hiện xét tuyển (lọc ảo) và ngày 27-9 công bố điểm trúng tuyển.
Thế nhưng, hiện rất nhiều thí sinh đã nhận được thông báo trúng tuyển của các trường. Tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp (GDTX-HN) Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), rất nhiều thí sinh nhận được thông báo trúng tuyển của Trường ĐH Công nghệ TPHCM.
Cụ thể, học sinh H.T.P.T., chưa tốt nghiệp THPT, nhận thông báo trúng tuyển vào 2 ngành Tài chính - Ngân hàng và Công nghệ thông tin với mức điểm là 21,95. Thời gian làm thủ tục nhập học từ ngày nhận giấy báo nhập học đến ngày 10-9.
Tại Trường THPT Bình Khánh, huyện Cần Giờ, TPHCM, em N.Đ.K.M. nhận được email thông báo trúng tuyển và nhập học của Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM với nội dung: “Hội đồng tuyển sinh chương trình liên kết quốc tế Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM xin chúc mừng sinh viên N.Đ.K.M. đã trúng tuyển… Nhà trường trân trọng mời tân sinh viên hoàn tất các thủ tục nhập học trước ngày 15-9. Thời gian hoàn tất nộp học phí đợt 1 đến hết ngày 15-8… Vui lòng xem thông báo trúng tuyển đính kèm theo email…”.
Phải tuân thủ quy chế tuyển sinh
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho biết: “Tôi nghe và biết rất nhiều thông tin các trường đã thi nhau gửi giấy báo trúng tuyển cho học sinh từ tháng 5. Việc làm này không khác gì chèo kéo và tranh giành, làm cho thí sinh thêm phân tâm, lo lắng, trong khi đây là thời điểm các em tập trung học để thi. Các trường làm như vậy là không thể chấp nhận và Bộ GD-ĐT phải xử lý ngay”.
TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, cho rằng: “Những giấy báo trúng tuyển khi thí sinh chưa đạt điều kiện cần (phải tốt nghiệp THPT) thì đó không phải là giấy báo trúng tuyển hợp pháp. Việc làm như vậy sẽ ảnh hưởng rất xấu đến hình ảnh của nhà trường, xã hội nhìn vào, hoặc chính thí sinh cũng vậy, sẽ đánh giá trường không tốt”.
TS Hoàng Ngọc Vinh, thành viên Tổ tư vấn Ủy ban Đổi mới giáo dục và đào tạo quốc gia, cho biết: Năm nào Bộ GD-ĐT cũng ban hành quy chế, thông tư hướng dẫn công tác tuyển sinh và nhắc nhở các trường tuân thủ nhằm đảm bảo công bằng trong tuyển sinh, tránh gây tâm lý hoang mang cho thí sinh. Nhưng các trường vẫn cố tình làm như vậy, dẫn đến hệ lụy là làm cho học sinh ở phổ thông cảm thấy không cần phải cố gắng học và rèn luyện vẫn có thể “đậu” đại học, hoặc vô tình khuyến khích hành động gian dối ở bậc học phổ thông qua việc làm đẹp hồ sơ học bạ. Mặt khác, những trường nghiêm chỉnh thực hiện quy chế cảm thấy bị thiệt thòi. Một hệ lụy lớn nữa là những trường tuyển gọi thí sinh mà không căn cứ vào học lực thì dĩ nhiên uy tín của trường đó xuống rất thấp.