Emma Brooks là một TikToker có tầm ảnh hưởng, bản thân cô chưa từng suy nghĩ về tuổi già, thế nhưng khi vừa bước sang tuổi 20, cô đã bắt đầu lo lắng về điều này.
"Tôi dần cảm thấy hoảng sợ" Emma nói. "Tôi thấy mình trông khác đi so với hai năm trước… Tôi sẽ trông như thế nào sau 5 năm nữa?".
Thông thường, người ta sẽ chỉ nhận thấy các vấn đề về ngoại hình sau khi sinh nở hoặc bước qua tuổi 35. Thế nhưng, những người trẻ thuộc Gen-Z (thế hệ được sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến năm 2012), mặc dù lớp tuổi lớn nhất mới chỉ khoảng 26 tuổi nhưng đã có ý thức về việc bản thân trông già đi.
Ảnh minh họa.
"Phòng bệnh hơn chữa bệnh" đã trở thành phương châm sống, theo phân tích của Circana - một công ty nghiên cứu thị trường, Gen-Z đang ưu tiên lựa chọn các sản phẩm trang điểm giàu thành phần chống lão hóa như giảm nếp nhăn và chỉ số chống nắng SPF cao.
Trong số đó có đến 70% sử dụng huyết thanh chống lão hóa hàng ngày. Peachy, một công ty khởi nghiệp trong ngành Botox, cho biết Gen-Z là nhóm khách hàng tiềm năng nhất của họ.
Minh chứng cho xu hướng này, đầu năm nay, trên nền tảng TikTok đã có rất nhiều video cùng chủ đề: "Những điều tôi làm để làm chậm quá trình lão hóa khi còn là một đứa trẻ 14 tuổi" và được lan truyền rộng rãi trong giới trẻ.
Larissa Jensen, cố vấn làm đẹp tại Circana cho biết: "Thế hệ này bị ảnh hưởng và đang tiếp nối thói quen chăm sóc da của thế hệ đi trước".
Ngày nay, những người ở độ tuổi 20 mặc dù đến gặp bác sĩ da liễu vì những mối quan tâm khác như mụn hay viêm da, nhưng sau cùng, hầu hết trong số họ đều hướng cuộc trò chuyện về vấn đề lão hóa.
Ảnh minh họa.
Nhờ Instagram, TikTok và các trang mạng xã hội khác, mọi người đang dành nhiều thời gian hơn bao giờ hết để quan tâm đến khuôn mặt của mình. Họ thường chia sẻ các thói quen chăm sóc da nhằm "ngăn ngừa lão hóa và hình thành nếp nhăn", bao gồm mọi thứ từ bôi retinoids, vitamin C và kem chống nắng cho đến dán băng kéo căng da mặt vào ban đêm và tiêm "baby botox".
Nền tảng cung cấp thông tin bán lẻ Trendalytics cho biết số lượt tìm kiếm và các thông tin lan truyền trên mạng xã hội xung quanh botox, chất làm đầy da và retinol đã tăng 63% trong năm nay.
Jensen cho biết, Gen-Z có nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng và cũng có hiểu biết nhiều hơn về việc chăm sóc da, quá trình lão hóa và sự tác động của các tác nhân gây ô nhiễm môi trường hơn bất kỳ thế hệ nào trước đó.
Dylan Heberle, một thanh niên 26 tuổi, là một ví dụ. Dylan coi việc chăm sóc da của mình quan trọng như chăm sóc sức khỏe và luôn đề cao vai trò của kem chống nắng, trước hết để ngăn ngừa ung thư da, sau là lợi ích là ngăn ngừa nếp nhăn. Anh coi việc chăm sóc da hàng đêm của mình giống như thói quen tập thể dục hàng ngày.
Diala Haykal, một bác sĩ da liễu cho biết, những người trẻ bây giờ muốn tập trung vào việc làm chậm quá trình lão hóa hơn là phải đi khắc phục các vấn đề sau này. Vì thế, việc phổ biến phương pháp "trẻ hóa" là sự thay đổi đáng kể nhất trong lĩnh vực da liễu và thẩm mỹ trong hai thập kỷ qua ở nhóm tuổi này.
Rich Gersten, đồng sáng lập của True Beauty Ventures cho biết, nỗi lo lắng có phần thái quá của Gen-Z đối với sự lão hóa đã tạo cơ hội cho các thương hiệu chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe tiếp cận nhóm người tiêu dùng tiềm năng mà trước đây họ chưa từng nghĩ đến.
Hiệu quả nhanh chóng và chi phí là ưu tiên hàng đầu của nhóm thị trường này. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn cần phải phân tích liên tục thị hiếu của họ bởi đây cũng là nhóm có sự thay đổi nhanh chóng.
Trong những năm qua, các thương hiệu đã phải nghiên cứu và sản xuất nhiều sản phẩm hơn để đáp ứng nhu cầu.
Theo Trendalytics, số lượng sản phẩm chăm sóc da hoặc làm đẹp có thành phần chống lão hóa đã tăng 10% trong hai năm qua.
Số lượt tìm kiếm về kem chống nắng đã tăng hơn gấp ba lần và số lượng sản phẩm chống nắng trên thị trường hiện nay gần gấp ba lần so với ba năm trước. Hãng mỹ phẩm E.l.f Beauty nổi tiếng với kế hoạch tập trung vào Gen-Z đã ra mắt các dòng sản phẩm retinoid hồi năm ngoái.
Bubble, một hãng mỹ phẩm khác, cũng tung ra loại kem mắt dành riêng cho lứa tuổi này vào tháng 11.
Ảnh minh họa.
Các giải pháp như Frownies, miếng dán giúp làm mờ nếp nhăn; miếng silicon chống nhăn từ các thương hiệu như Dermaclara; dây đeo cằm nâng hàm; băng dán nâng cơ mặt; hay các thiết bị sóng vô tuyến (RF) như NuFace có mặt ở khắp mọi nơi.
Ngoài ra, hàng loạt các thương hiệu chuyên về chăm sóc và trẻ hóa da đang xuất hiện trên thị trường như Btwn, nhãn hiệu chăm sóc da hoạt động với ý tưởng làn da tuổi teen không giống làn da người lớn; hay Indu, thương hiệu trang điểm và mỹ phẩm dành cho tuổi teen của Aaron Chatterly và Richard Schiessl, hai người đồng sáng lập nên Feelunique, với danh sách các sản phẩm có thành phần chuyên biệt không thể bỏ qua.
Bên cạnh các sản phẩm bôi ngoài hay uống, Gen-Z cũng ưa chuộng các loại thuốc tiêm vì chúng mang lại kết quả tức thì, trong đó Botox là phương pháp vô cùng phổ biến. Một phương pháp khác cũng được các bạn trẻ tìm đến đó là lột da, điều trị da bằng tia laser.
Sự xuất hiện của TikTok bên cạnh các nền tảng sẵn có như Instagram hay Facebook chính là nguyên nhân lan tỏa nỗi lo lắng trong Gen-Z về sự già đi.
Theo thống kê, hashtag #antiageing có tới 7,4 tỷ lượt xem trên TikTok, hay sản phẩm bộ lọc "Aged filter" của nền tảng này được lan truyền một cách chóng mặt hồi đầu năm nay, thu hút tới 24,5 triệu bài đăng, bao gồm cả Kylie Jenner, một người mẫu và doanh nhân nổi tiếng.
Chính sự thẳng thắn và không e ngại của Gen-Z trên mạng xã hội đã đóng một vai trò lớn trong việc "giáo dục" và lan truyền các mối quan tâm về chăm sóc sắc đẹp, đồng thời cũng thu hút các bác sĩ da liễu, các chuyên gia chăm sóc sắc đẹp "vào cuộc" với hàng ngàn video, bài đăng đưa ra lời khuyên, cách điều trị và cả quảng cáo.
Tuy nhiên, cái gì cũng có 2 mặt của nó. Thông tin trên mạng dù rất nhiều, đa dạng nhưng không phải lúc nào hay không phải tất cả chúng đều chính xác. Việc tiếp cận quá nhiều thông tin có thể khiến một thế hệ vẫn còn chưa chắc chắn về mọi thứ cảm thấy khó hiểu và càng thêm lo lắng.
Nguồn: CNN