Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2, từ ngày 2 – 4/8 trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã xảy ra mưa lớn, sạt lở đất, gây thiệt hại tại các huyện Bát Xát, Sa Pa, đặc biệt đợt mưa kéo dài tối ngày 4/8 khiến ít nhất 12 người thương vong (trong đó, thiệt hại nặng nhất là huyện Bát Xát có 9 người chết và mất tích, địa bàn Sa Pa có 2 người mất tích và 1 người bị thương).
Trước tình hình trên, hôm nay (5/8), ông Đặng Xuân Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã có Công điện khẩn yêu cầu các cơ quan, ban, ngành và các địa phương chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống mưa, lũ.
Người dân khẩn cấp di chuyển đồ đạc khỏi nơi xảy ra lũ. Ảnh Báo Lào Cai
Công điện yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tạm dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết, chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn; các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) huyện/thành phố khẩn trương xuống cơ sở xã, thôn kiểm tra thực tế tình hình, chỉ đạo di chuyển ngay các hộ dân nằm trong khu vực nguy hiểm, nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp từ mưa lũ, sạt lở đất; chỉ đạo các lực lượng hỗ trợ, ứng cứu kịp thời giải tỏa khu vực đang bị cô lập, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng, tài sản của Nhân dân; chỉ đạo vận chuyển lương thực, thực phẩm, thuốc y tế, nước uống… và các nhu yếu phẩm cần thiết tiếp tế cho Nhân dân vùng thiên tai mưa lũ, đảm bảo sinh hoạt, sức khỏe cho nhân dân.
Tổ chức trực ban 24/24 giờ trong ngày, theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của thời tiết, mưa lũ, thiệt hại để chỉ đạo, xử lý; kịp thời báo cáo về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
Chủ tịch tỉnh Lào Cai chỉ đạo tập trung phòng chống lũ. Ảnh Báo Lào Cai
Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, phân công cụ thể nhiệm vụ kiểm soát giao thông tại các khu vực đường bị ngập, bến đò, đường ngầm; triển khai lực lượng thi công đối với tuyến đường bị sạt lở, đảm bảo giao thông, có phương án phân luồng, cảnh báo từ xa, không để ùn tắc.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan Thường trực công tác phòng, chống thiên tai) chỉ đạo các cơ quan trực thuộc phối hợp với UBND các huyện, thành phố, các ngành liên quan tổng hợp tình hình thiệt hại do mưa lũ trên địa bàn tỉnh, các khu vực bị thiệt hại, ảnh hưởng trực tiếp do mưa lũ trong những ngày qua để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh biện pháp chỉ đạo, huy động lực lượng, khẩn trương khắc phục hậu quả kịp thời, hiệu quả.
Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Lào Cai tạm dừng các cuộc họp không cần thiết, khẩn trương xuống các địa bàn được phân công đi kiểm tra thực tế, chỉ đạo công tác khắc phục, phòng, chống thiên tai.
Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh tập trung theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, tổ chức dự báo, cảnh báo, cung cấp thông tin cho Báo Lào Cai, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh kịp thời thông tin đến người dân và phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó của UBND, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN cấp tỉnh.
Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Lào Cai tăng cường tần suất, thời lượng phát sóng, đưa tin kịp thời về diễn biến thời tiết trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2, cảnh báo, chỉ đạo ứng phó để chính quyền, Nhân dân theo dõi, cập nhật thường xuyên, tránh tư tưởng chủ quan.
Viễn Thông Lào Cai, Công ty Điện lực Lào Cai, Công ty Cổ phần cấp thoát nước Lào Cai tổ chức thực hiện phương án phòng chống thiên tai và khắc phục hậu quả của ngành mình, đảm bảo thông tin liên lạc, cung cấp điện, nước cho Nhân dân.
Sở Y tế chỉ đạo các Bệnh viện đa khoa tỉnh, huyện/thành phố, các cơ sở y tế ứng cứu, chữa trị kịp thời các người bị nạn do thiên tai.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (cơ quan Thường trực công tác tìm kiếm cứu nạn) chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực xung yếu, sẵn sàng hỗ trợ các huyện, thành phố triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, tổ chức sơ tán khi có yêu cầu.
Trưa 5/8, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết, trận lũ lớn xảy ra rạng sáng nay theo thống kê ban đầu con số thương vong đã lên đến 12 người trong đó, địa bàn thiệt hại nặng nhất là huyện Bát Xát có 9 người mất và mất tích, địa bàn Sa Pa có 2 người chết, mất tích và 1 người bị thương.
Theo thống kê đến thời điểm hiện tại đã có 22 ngôi nhà sập đổ hoàn toàn, hàng trăm ngôi nhà ngập nước, gần 10.000ha lúa xuân mới cấy bị ảnh hưởng. Cầu cống, cầu treo bị trôi, tràn bị ngập đứt 6,7 cái.
"Các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ giao thông nông thôn bị sạt lở rất nhiều điểm. Hiện nay tuyến đường 4D đi Sa Pa chưa thông xe do bị sạt núi và hiện lực lượng chức năng đang nỗ lực giải quyết trong chiều tối nay may ra mới thông xe được tuyến đường lên Sa Pa", ông Tuấn nói.
Trước tình trạng bị sạt núi chia cắt đường rất nhiều du khách lên Sa Pa bị mắc kẹt và hiện tại vẫn chưa thể di chuyển. Nhiều người đành chờ đợi cho đến khi thông đường. Dự kiến sớm nhất tối nay mới có thể thông xe.
Ngoài ra, trận lũ lớn khiến hơn 1000 ha nuôi trồng thủy sản bị mất trắng .... Theo ông Tuấn, thiệt hại ban đầu ước tính lên đến hơn 200 tỷ đồng. Thiệt hại lần này được xem là lớn nhất trong năm nay.