Cụ thể, tại buổi đối thoại của Chủ tịch UBND thành phố với đại diện công nhân lao động Thủ đô sáng 11/5, nhiều công nhân đặt vấn đề giá điện, giá xăng tăng cao, ảnh hưởng đến đời sống công nhân.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Ảnh: Trường Phong
Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết rất chia sẻ với anh chị em công nhân. Riêng về giá điện, ông Chung cho biết, Thủ tướng đã có chỉ đạo giao cho Bộ Công thương kiểm tra, thanh tra.
Về giá xăng, ông Chung cho biết, hiện không sử dụng quỹ bình ổn giá mà điều hành theo giá thị trường. Trong thời gian qua, do có biến động tại một số nước là nguồn cung dầu mỏ như Venezuela, Lybia, Iran nên giá dầu có tăng, cho nên bắt buộc ở trong nước cũng phải tăng.
Ông Chung cho biết, trong thời gian tới sẽ đưa ra mô hình những xe nhỏ từ 15 – 24 chỗ chạy kết nối các khu công nghiệp, khu dân cư để tháo gỡ khó khăn hiện nay về vận tải công cộng.
Ông Chung chia sẻ, hiện nay, ở châu Âu đã có chính sách đến năm 2022 nhiều thành phố không sử dụng xe ô tô dùng xăng. Nhiều thành phố ở Trung Quốc hiện nay không dùng xe máy nữa.
“Họ chuyển sang dùng xe điện, xe đạp. Tôi cũng rất mong muốn, trong phạm vi khoảng cách từ 1- 2km thì cũng nên tăng cường thói quen đi bộ”, ông Chung nói.
Với tư cách cá nhân và là Trưởng ban An toàn giao thông của thành phố, ông Chung đưa ra lời khuyên mọi người nên chuyển đổi đi xe đạp, vì vừa thân thiện với môi trường, mà đôi khi không nặng vấn đề nhanh, chậm.
Nhiều tiếng công nhân bàn tán. Ông Chung nói “tôi nói trên tinh thần khuyến khích thôi. Mọi người cứ lắng nghe và xem xét chuyển đổi. Tại sao tôi nêu ra. Ở nước ngoài, các hệ thống giao thông công cộng người ta để các nhà ga, từ tàu điện ngầm cho đến các xe buýt trong bán kính từ 500 – 700 mét đến 1km, gần như người ta đi bộ hết. Cho nên tôi đưa thông tin này ra để anh em công nhân tham khảo, để vận dụng sao cho thuận tiện cho mình nhất, cho hiệu quả nhất”.
Ông Chung cũng nói thêm: “Tôi hiểu anh chị em công nhân ngoài đi làm, Thứ bảy Chủ nhật còn về quê, đi nơi này nơi khác thì cũng đều có xe máy cả, và đều có thói quen đi xe máy. Nhưng mà trên tinh thần thành phố sẽ rất cương quyết trong vấn đề thực hiện đề án liên quan đến chống ùn tắc giao thông và đến 2030 nếu điều kiện phát triển giao thông công cộng tốt lên chúng tôi có thể sẽ đẩy nhanh tiến độ sẽ cấm xe máy sử dụng trong khu vực nội thành, hạn cuối cùng là đến năm 2030”.
Trước đó, tháng 7/2017, HĐND thành phố Hà Nội thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030.
Thời điểm thông qua đề án trên, thành phố Hà Nội dự kiến đến năm 2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ có khoảng 843 nghìn ô tô, hơn 6 triệu xe máy. Đến năm 2030 thành phố có hơn 1,9 triệu ô tô và 7,5 triệu xe máy.
Từ những vấn đề trên, đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố được HĐND thành phố Hà Nội thông quan nêu rõ sẽ phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, dừng hoạt động đối với xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030.
Đề án nêu rõ, trong thời gian tới Hà Nội cũng sẽ cấm ô tô hoạt động theo giờ, theo ngày trên một số tuyến phố. Thành phố cũng sẽ ban hành quy định hoạt động của xe taxi ngoại tỉnh.