Tối 24/7, cộng đồng mạng xôn xao trước lùm xùm showbiz giữa diễn viên Trương Thế Vinh và một nhãn hàng thời trang. Câu chuyện bắt đầu khi Trương Thế Vinh tố nhãn hàng này tự ý sử dụng hình ảnh của anh để quảng cáo thương hiệu mà không xin phép. Để đòi quyền lợi cho bản thân, Trương Thế Vinh đã trực tiếp nhắn tin cho thương hiệu này để yêu cầu gỡ ảnh và đồng thời bồi thường chi phí tổn thất về mặt hình ảnh cho riêng anh, con số được nam diễn viên đưa ra là 25 triệu đồng.
Khi được phía thương hiệu xin lỗi và đồng ý tháo hình ảnh, nhưng vẫn khẳng định việc đăng ảnh quảng cáo là không sai vì hình lấy từ báo mạng, Trương Thế Vinh đã không chấp nhận lời xin lỗi, yêu cầu nói chuyện với ai có trách nhiệm, trình độ 12/12. Khi 2 bên còn đang đăng đàn tố nhau qua lại thì cư dân mạng đã nhanh tay đánh rate 1 sao khiến nhãn hàng phải vội khóa phần đánh giá và phản hồi của khách hàng.
Bên cạnh nhiều quan điểm bảo vệ Trương Thế Vinh và cho rằng vấn đề sử dụng hình ảnh cá nhân trước giờ vốn đã rất nhập nhằng tại Việt Nam, thì một số khác lại bày tỏ, cách hành xử của nam diễn viên khá gay gắt và nóng vội, thể hiện sự thiếu tôn trọng với người khác. Vụ việc đáng nhẽ ra sẽ được giải quyết một cách gọn gàng và nhẹ nhàng hơn, nếu như cả 2 bên cùng gặp gỡ trực tiếp, thay vì đấu tố nhau trên mạng xã hội.
Hình ảnh Trương Thế Vinh bị phía thương hiệu sử dụng để quảng cáo.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, cho biết, việc sử dụng hình ảnh ca sĩ, diễn viên Trương Thế Vinh dù trước đó được đăng tải lên bất cứ phương tiện truyền thông nào khác, để đăng tải lên mạng xã hội nhằm mục địch thương mại nhưng chưa được sự đồng ý là hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể, tại Khoản 1, Điều 32, Bộ luật dân sự 2015 quy định: "Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý".
Với hành vi quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, theo Điểm b, Khoản 3, Điều 51, Nghị định 158/2013/NĐ- CP, chủ nhãn hàng thời trang có thể bị xử phạt từ 20.000.000 đến 30.000.000 đồng.
Ngoài ra, theo quy định tại Bộ luật Dân sự, việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho hình ảnh đó. Như vậy, việc Trương Thế Vinh yêu cầu nhãn hàng phải trả thù lao là điều hoàn toàn hợp lý và mức thù lao đó có thể dựa trên lợi nhuận mà nhãn hàng thu được sau khi đăng tải hình ảnh.
Nếu muốn khởi kiện, Trương Thế Vinh có thể gửi đơn đến tòa án nơi đặt trụ sở công ty của nhãn hàng. Hoặc nếu nhãn hàng tồn tại dưới dạng hộ kinh doanh thì cũng là tòa án nơi đăng ký hộ kinh doanh. Sau 8 ngày, nếu đơn khởi kiện đủ điều kiện theo pháp luật, tòa án sẽ chính thức thụ lý vụ việc.
Toàn bộ tin nhắn của Trương Thế Vinh và phía thương hiệu được công bố.
Trao đổi thêm, luật sư Trần Xuân Tiền cho rằng, việc toàn bộ tin nhắn của Trương Thế Vinh bị phía thương hiệu công bố, dù chưa được sự cho phép của nam diễn viên, không được xem là tự ý đăng tải thông tin cá nhân. Trường hợp hai bên không thể tự thỏa thuận thì ca sĩ, diễn viên Trương Thế Vinh có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định pháp luật.
"Qua vụ việc này, chúng ta cần có nhận thức đúng đắn hơn về quyền hình ảnh của người khác theo quy định của pháp luật, tránh việc phải chịu những hậu quả pháp lý cũng như trở thành tiêu điểm cho công đồng mạng lên án. Mỗi cá nhân cần có ý thức tìm hiểu các quy định pháp luật về quyền hình ảnh để tự bảo vệ bản thân và ngay trong bộ luật của chúng ta đã quy định rất rõ về quyền này cùng với các chế tài xử lý" - luật sư Trần Xuân Tiền nói.
Điều 32 - Bộ luật dân sự 2015. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh
1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:
a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;
b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Điều 51 - Nghị Định 158/2013/NĐ-CP. Vi phạm quy định về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định;
b) Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.