Chủ lò mổ lợn sản xuất khẩu trang y tế giả đối diện khung hình phạt nào?

Đại Phong, Theo Gia đình & xã hội 08:20 27/02/2020

Vì lợi nhuận, ông Bùi Văn Đại đã biến lò mổ heo thành cơ sở sản xuất khẩu trang y tế giả và sắp tuồn ra thị trường 30.000 chiếc.

Trước đó, theo thông tin từ Công an thị xã Thái Hòa (tỉnh Nghệ An), khoảng 10h sáng 25/2, Phòng cảnh sát môi trường Công an tỉnh Nghệ An, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với công an địa phương kiểm tra cơ sở sản xuất khẩu trang y tế của ông Bùi Văn Đại (trú phường Quang Tiến, thị xã Thái Hòa).

Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện trên 30.000 chiếc khẩu trang nhái mẫu mã của khẩu trang y tế 4 lớp nhưng không có lớp kháng khuẩn. Tại thời điểm kiểm tra, ông Đại không xuất trình được chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của toàn bộ số nguyên liệu đầu vào để sản xuất khẩu trang.

Tại CQCA, ông Đại khai nhận nguyên liệu đầu vào được nhập từ một người đàn ông ở huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa. Trước đó, cơ sở của ông Đại là lò mổ heo. Thấy nhu cầu về khẩu trang y tế của người dân phòng chống dịch COVID-19 tăng cao, ông Đại đã sắm máy móc, thuê người để làm khẩu trang y tế giả từ ngày 20/2.

Khi cơ sở sản xuất được hơn 30.000 chiếc khẩu trang giả chuẩn bị "tuồn" ra thị trường thì bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản và tạm giữ số khẩu trang kém chất lượng của đợt sản xuất đầu tiên và 5 máy may để điều tra.

 Chủ lò mổ lợn sản xuất khẩu trang y tế giả đối diện khung hình phạt nào?  - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở sản xuất khẩu trang giả. Ảnh: Báo Nghệ An

Liên quan tới vụ việc trên, trao đổi với PV, Luật gia Nguyễn Gia Hải (Hội Luật gia Việt Nam) bày tỏ quan điểm: Giữa lúc toàn bộ hệ thống các cơ quan từ trung ương tới địa phương đang chung tay, nỗ lực phòng chống dịch bệnh COVID-19, thì hành vi gia công, sản xuất khẩu trang giả là cực kỳ nguy hiểm, đáng lên án.

Dưới góc độ pháp lý, chìa khóa để cơ quan chức năng quyết định xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ cơ sở nêu trên nằm ở giá trị của 30.000 chiếc khẩu trang giả so với giá trị tương đương của hàng thật.

Theo quy định của pháp luật thì, hàng giả có thể là: "Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại hoặc tên thương phẩm hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác" (quy định tại điểm đ, khoản 8, điều 3 của nghị định 185/2013 quy định xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng)

Nếu bị xử phạt hành chính thì chủ cơ sở sản xuất này có thể sẽ bị phạt tiền lên đến 120 triệu đồng (phụ thuộc vào giá trị của 30.000 chiếc khẩu trang giả) theo quy định tại khoản 2 của điều 12, nghị định 185/2013 của chính phủ.

Ngoài ra, chủ cơ sở sản xuất khẩu trang giả trên còn bị áp dụng các hình phạt bổ sung và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại khoản 3 và khoản 4 điều 12, nghị định 185/2013 của chính phủ.

Về mặt hình sự, vì hành vi sản xuất khẩu trang giả không thuộc các trường hợp được quy định tại điều 193, 194 và 195 của Bộ luật hình sự 2015 nên chủ của cơ sở này có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất hàng giả theo điều 192 của bộ luật nêu trên với hình phạt cao nhất lên tới 15 năm tù (tùy thuộc vào kết quả định giá 30.000 chiếc khẩu trang giả theo luật định). Bên cạnh đó người phạm tội còn bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Hiện vụ việc đang được CQCA tiếp tục điều tra, làm rõ.

 Chủ lò mổ lợn sản xuất khẩu trang y tế giả đối diện khung hình phạt nào?  - Ảnh 3.