Tuy sinh ra trong gia đình có truyền thống làm gốm hơn 40 năm tại Bát Tràng, Hà Nội nhưng mới đây Vũ Tuấn Long (26 tuổi) mới học làm gốm và quyết tâm theo nghiệp gia đình.
“Trước đây, tôi học kế toán tại Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải. Hồi đó tôi cứ học các ngành kinh tế theo trào lưu chứ không biết được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân. Giờ đây, khi đã hiểu mình hơn, tôi quyết định theo đuổi nghiệp gốm của gia đình” , Long chia sẻ.
Là thanh niên gen Z - thế hệ luôn tạo ra xu hướng mới nhờ tư duy đa dạng, sự mới lạ trong cách suy nghĩ và hành động, Long biết rõ thế mạnh của mình là sáng tạo và biết cách nắm bắt thị hiếu của giới trẻ để kinh doanh. Điều này cộng với niềm yêu thích có từ thời thơ ấu đối với các mô hình đồ chơi khiến anh quyết định sản xuất các mô hình gốm độc đáo dựa trên những nhân vật hoạt hình nổi tiếng như vô diện, Totoro, Luffy…
Ý tưởng mới lạ này của Long được các bạn trẻ đón nhận nhiệt tình trên TikTok.
Cuối tháng 5, Vũ Tuấn Long ngừng công việc kinh doanh bên ngoài và nói chuyện với phụ huynh về dự định làm gốm. Thấy con muốn theo nghiệp nhà, bố mẹ đồng ý ngay. Ngày nào Long cũng ra xưởng để mẹ chỉ dạy cách biến những cục đất sét thành sản phẩm thủ công tinh xảo. Công việc của Long thường bắt đầu lúc 8h và kết thúc lúc 20h. Anh quyết tâm học nghề nhanh nhất có thể nên khâu nào, công đoạn nào cũng bắt tay vào làm thử.
Sản phẩm gốm phá cách đầu tiên Long làm là nhân vật quả dưa hấu có mắt và môi, một nhân vật hoạt hình tạo xu hướng trên mạng xã hội vào dịp đầu tháng 6. Làm xong, anh đăng tải clip giới thiệu lên mạng xã hội TikTok và ngạc nhiên khi sản phẩm được nhiều bạn trẻ yêu thích. Tiếp đà, anh dần hoàn thiện kỹ năng làm gốm, đa dạng hóa mẫu mã và nhận đặt hàng của khách, chủ yếu là những mẫu độc lạ. Anh gọi tiệm gốm của mình là "Tiệm Gớm Long Bình".
“Mình rất nhớ một bình luận của khách từ những ngày mới làm rằng 'mẫu gốm này trông xấu mà nhìn lâu lâu lại thành đẹp'. Từ đó, mình coi đây là slogan không chính thức của tiệm”, Long chia sẻ về kỷ niệm khi mới bắt đầu công việc.
Với mỗi sản phẩm, Long lên ý tưởng và vẽ phác thảo rồi bắt tay vào nặn, vuốt đất khoảng 1 tiếng đồng hồ. Sau quá trình sấy khô khoảng 8-9 tiếng là khâu vẽ, phun màu. Ông chủ trẻ cho biết anh thích nhất là khâu nặn, biến những cục đất sét thành sản phẩm có hình hài; để làm được vậy cần có tư duy đa chiều và sắp xếp khoa học làm phần nào trước, phần nào sau.
Các sản phẩm của Long rất được khách hàng ưa thích nhờ thiết kế độc đáo, khác lạ và độ khan hiếm nhất định. Những khách hàng trẻ tuổi đến tìm mua đều là người thích hàng thủ công được làm với số lượng ít, thể hiện được cá tính.
“Từ trước đến giờ trong việc kinh doanh, khâu đầu ra là khó nhất. Làng nghề Bát Tràng của mình ai cũng rất giỏi và khéo tay, nhưng việc buôn bán ngày càng khó khăn, một mặt do tình hình kinh tế chung, mặt khác do gốm Trung Quốc và gốm Nhật có rất nhiều trên thị trường với mọi mức giá, mẫu mã. Mình dùng sự sáng tạo mới có thể cạnh tranh được”, Long nói thêm.
Các mô hình bằng gốm đã thịnh hành ở nước ngoài từ lâu, đặc biệt là tại Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Khách hàng dễ dàng mua được sản phẩm gốm Trung, Nhật với tạo hình chó, mèo và các loại vật nuôi đáng yêu. Gốm Việt chưa có tạo hình mẫu mã đa dạng như vậy; các sản phẩm truyền thống như lọ, bình, bát, đĩa vẫn là thế mạnh. Trong khi đó, khách hàng trẻ thường yêu cầu sự khác lạ, do đó Long thu được thành công bước đầu nhờ sự phá cách và sáng tạo của mình.
“Mình xin mẹ làm gốm và hứa sẽ truyền thông bán hàng cho mẹ, tuy nhiên đến nay mình vẫn chưa bán hộ mẹ được cái nào qua mạng xã hội. Mình chỉ bán được cho mình là nhiều”, Long cười.