Khi mà nhiều người vẫn còn đang loay hoay làm sao kiếm đủ tiền mua căn nhà đầu tiên thì vợ chồng Mai Lan (nhân viên Marketing, Hà Nội) đã đứng tên 2 bất động sản ở tuổi 36. Đáng nói, cặp đôi chốt mua căn nhà thứ hai chỉ sau một lần tình cờ đến thăm nhà bạn.
Cùng nghe Mai Lan chia sẻ về hai “tổ ấm", cũng như cách gia đình cô quản lý chi tiêu để đạt được thành tựu đáng nể như vậy nhé!
Vợ chồng Mai Lan mua căn nhà thứ hai ở ngoại thành Hà Nội vào tháng 3 năm nay. Cô chọn căn hộ “cắt lỗ", đã được bàn giao và đưa vào sử dụng khoảng 6 tháng nên có giá thành rẻ hơn so với giá của chủ đầu tư.
Mai Lan nhớ lại cơ duyên mua nhà: “Việc sở hữu căn hộ cũng khá tình cờ. Mình đến thăm nhà một người bạn, sau đó vì yêu không gian nhiều cây xanh ở vùng ngoại ô nên quyết định mua căn chung cư thuộc dự án. Mình tính tậu ‘căn nhà thứ hai' làm địa điểm cho dịp cuối tuần hay kỳ nghỉ của gia đình".
Để có kinh phí mua nhà, Mai Lan đã rút gần hết tiền tiết kiệm và vay thêm từ ngân hàng. Lý giải tại sao không đầu tư toàn bộ tiền bạc cho căn nhà thứ hai, Mai Lan chia sẻ: “Mình muốn có một khoản tiền mặt dự phòng. Mặt khác, mình cũng muốn mỗi tháng phải ‘tiết kiệm’ thêm một khoản trả gốc và lãi ngân hàng. Điều này sẽ tạo áp lực nhỏ cho gia đình quản lý chi tiêu tốt hơn - điều chúng mình đã làm khá vô tổ chức trước đó".
Căn hộ ngập tràn màu xanh mướt của cây cối
Yêu thiên nhiên nên gia chủ còn sắm thêm nhiều đồ nội thất màu xanh lá cây
Từng sở hữu một căn hộ, do đó Mai Lan có những “gạch đầu dòng” khá rõ ràng trước khi đặt bút ký vào hợp đồng bất động sản.
“Tiêu chí của mình là căn hộ có hạ tầng tiện ích, mật độ xây dựng thấp, nhiều không gian cây xanh và có hồ nước. Dịch vụ chất lượng ở mức trung cấp trở lên. Cùng với đó, mình muốn mua căn hộ 2 phòng ngủ với chi phí nằm trong khoảng mà gia đình đã đặt ra. Với các tiêu chí này, căn hộ hiện tại của mình đáp ứng được tương đối", Mai Lan nói.
Căn nhà thứ hai của Mai Lan có diện tích khoảng 56m2. Cô nàng không thay đổi kiến trúc của nhà ở mà chỉ sắm nội thất và đồ điện tử mới, tốn khoảng 200 triệu đồng. Mai Lan ưu tiên chọn nội thất màu trắng, gọn nhẹ để khiến tổng thể nhà sáng, vừa tinh tế mà không đem lại cảm giác chật chội.
“Ngay từ đầu mình đã thích một không gian sống nhẹ nhàng và tối giản, và rất may khi hoàn thành thì căn hộ cũng như mình hình dung. Căn hộ này nhỏ, vả lại mình chọn thiết kế nội thất đơn giản nên tiết kiệm tương đối chi phí.
Mình thuê một đơn vị thiết kế và thi công trọn gói, tập trung chủ yếu vào nội thất liền tường. Còn nội thất rời như sofa, giường, bàn, ghế… cùng thiết bị bếp, mình tự đặt mua”, Mai Lan nhớ lại.
Từ kinh nghiệm cá nhân, Mai Lan đúc rút ra vài kinh nghiệm cho những người trẻ đang có ý định cải tạo nhà cửa:
- Thứ nhất, bạn nên đầu tư và kiểm tra kỹ bản vẽ 2D và bản thiết kế 3D. Bởi chúng sẽ giúp bạn có cái nhìn đúng về không gian, cách bài trí đồ đạc, tính tổng thể, cũng như sự kết nối giữa các khu vực trong căn hộ.
- Thứ hai, với căn hộ có diện tích khiêm tốn, để tối ưu không gian thì có thể áp dụng nguyên tắc “bớt là thêm". Theo đó, nguyên tắc bao gồm bớt đồ nội thất để thêm không gian, bớt chút kích thước của đồ vật (chẳng hạn giường, tủ, bàn, ghế, kệ bếp...) để nhà có vẻ rộng và gọn gàng hơn. Mặt khác, việc tối giản nội thất cũng giúp bạn tiết kiệm được chi phí bỏ ra.
“Như ở nhà mình, mình đã chọn bếp từ đôi dạng domino để khiến không gian bếp rộng rãi hơn. Thay vì mua một chiếc tủ lạnh to, mình chọn tủ lạnh mini có thiết kế vintage để hợp với tổng thể thiết kế và khắc phục tình trạng thiếu không gian ‘lưu giữ’ thức ăn mà nhiều gia đình đang đối mặt. Hoặc với máy rửa bát, mình cũng chọn đồ nội địa Trung Quốc vì thiết kế nhỏ nhắn nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu sử dụng cho gia đình nhỏ 3-4 người”, Mai Lan chia sẻ.
Cách đây 9 năm, vợ chồng Mai Lan đứng tên bất động sản đầu tiên ở quận Hà Đông. Thời điểm đó, vợ chồng cô chốt mua nhà khi trong tay chỉ có 30% giá trị căn hộ. Số tiền còn thiếu họ đi vay ngân hàng, với thời hạn trả 20 năm và được hỗ trợ lãi suất trong 2 năm đầu.
Chỉ sau đó vài năm, họ đã đổi được sang một căn hộ tiện nghi khác ở gần trung tâm Hà Nội hơn. Với vợ chồng Mai Lan, việc vay nợ mua nhà không chỉ tạo áp lực mà còn là “đòn bẩy” giúp vợ chồng tự thắt chặt chi tiêu, chăm chỉ làm việc để gia tăng thu nhập.
“Một số bạn trẻ nghĩ rằng mình nhiều tuổi hơn các bạn, đi làm lâu năm và đã tích lũy được tương đối nên có điều kiện tốt hơn các bạn. Nhưng chia sẻ thêm là căn hộ đầu tiên mình mua là năm 27 tuổi, với mức thu nhập chỉ bằng nửa thu nhập hiện nay. Vậy nên nếu bạn muốn mua nhà thì hãy lập kế hoạch và bắt đầu từ hôm nay!”, Mai Lan nói.
Nói về cách kiểm soát tài chính để mua được nhà, Mai Lan cho biết: “Lương và thu nhập định kỳ hàng tháng mình dùng để chi tiêu sinh hoạt hàng ngày. Còn với các khoản thưởng thêm, thu nhập gia tăng bất thường mình sẽ để lại thành khoản tiết kiệm.
Khi có ý định mua nhà, vợ chồng mình cắt giảm các chuyến du lịch, ít đi ăn hàng, ít mua sắm hơn. Việc mua nhà mình dựa vào tiền tiết kiệm và có sử dụng đòn bẩy tài chính khoảng 30%. Sau khi mua nhà, mình nghĩ không cần thay đổi các khoản chi tiêu. Thay vào đó, vợ chồng mình sẽ cố gắng kiếm thêm”.
Về vấn đề lo ngại lãng phí khi sở hữu cùng lúc hai căn hộ, vợ chồng Mai Lan cũng có những tính toán riêng.
“Trước mắt mình tính có thể chọn khai thác căn hộ này theo kiểu homestay, hoặc nếu thu nhập vợ chồng eo hẹp quá, chúng mình sẽ cho thuê một trong hai căn hộ.
Hiện tại việc di chuyển từ căn hộ mới tới nơi làm việc của mình còn khá xa, cỡ 25-30km tuỳ cung đường, và cũng hay bị ùn tắc giao thông. Do đó mình vẫn chưa có kế hoạch chuyển về đây sinh sống mà chỉ sử dụng làm ‘căn nhà thứ 2’. Hy vọng sắp tới giao thông thuận lợi hơn, việc mở thêm tuyến đường và thông cầu sẽ giảm tình trạng ùn tắc, mình có thể chuyển sang căn hộ này và cho thuê nhà hiện nay để có thêm thu nhập”, Mai Lan nói về dự định tương lai.