Chồng sản phụ mất con vì trung tâm y tế cấp nhầm thuốc phá thai: “Tôi vô kêu cấp cứu cho vợ nhưng bác sĩ nói cứ nằm đợi tới sáng”

Hoàng Lê, Theo Thời đại 07:50 04/04/2018
Chia sẻ

Theo anh Nguyễn Văn Út E, khi thấy vợ ra huyết sau khi uống 2 viên Misoprostol, anh đã đưa vợ đến Trung tâm Y tế huyện Tân Phước yêu cầu cấp cứu nhưng bác sĩ không can thiệp ngay mà yêu cầu bệnh nhân nằm chờ theo dõi.

Liên quan đến vụ việc Trung tâm Y tế huyện Tân Phước (tỉnh Tiền Giang) cấp thuốc Misoprostol để "dưỡng thai" cho ba phụ nữ khiến một trong số này mất con , ngày 3/4, Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế cũng đã yêu cầu Sở Y tế tỉnh Tiền Giang khẩn cấp xác minh việc. Các cán bộ cấp liên quan cũng đã bị đình chỉ công tác.

Chồng sản phụ mất con vì trung tâm y tế cấp nhầm thuốc phá thai: “Tôi vô kêu cấp cứu cho vợ nhưng bác sĩ nói cứ nằm đợi tới sáng” - Ảnh 1.

Trung tâm y tế huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang.

"Tôi vô kêu cấp cứu cho vợ nhưng bác sĩ nói cứ nằm đợi tới sáng"

Anh Nguyễn Văn Út Em, chồng chị Huỳnh Thị Cúc (32 tuổi, thai phụ mất con trong vụ việc) nhớ lại, tối 9/3 sau khi uống thuốc "dưỡng thai" mà cán bộ tại Trung tâm Y tế huyện Tân Phước (Trung tâm) cấp (trong đó có hai viên Misoprostol), vợ anh bất ngờ ra huyết khá nhiều.

"Lúc đó tôi lo lắng nên đem thẳng vợ đến Trung tâm vô cấp cứu, nhưng bác sĩ không can thiệp mà kêu nằm đợi tới sáng luôn. Tôi nghe vậy mới chở thẳng vợ xuống Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang nhưng khi siêu âm thì con đã mất. Lúc đó vợ tôi khóc nhiều lắm. Từ bữa đó đến giờ nghỉ ở nhà cũng 20 ngày rồi" – Anh E kể.

Theo anh E sau khi sự việc xảy ra, phía Trung tâm có hỗ trợ hai vợ chồng số tiền 10 triệu đồng.

"Họ đến tận bệnh viện sản lẫn tới nhà năn nỉ xin lỗi. Mình thấy tội nghiệp quá nên bỏ qua. Chứ bắt bẻ làm gì nữa, chuyện đã rồi" – người chồng chia sẻ.

Ông Lê Văn Đức, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang thừa nhận đơn vị có sai sót trong quá trình cấp phát thuốc, dẫn đến nhầm lẫn. Khi phát hiện, đơn vị đã kịp thời thu hồi thuốc cho một trường hợp và xử lý cho một thai phụ phát triển thai bình thường, đã về sau 10 ngày.

Tuy nhiên có một trường hợp bị "lấn cấn" trong tiếp xúc khiến bệnh nhân không hài lòng mà đi thẳng đến Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang điều trị (tức thai phụ Huỳnh Thị Cúc). Sau đó thì người nhà đã đồng ý bỏ thai.

Chồng sản phụ mất con vì trung tâm y tế cấp nhầm thuốc phá thai: “Tôi vô kêu cấp cứu cho vợ nhưng bác sĩ nói cứ nằm đợi tới sáng” - Ảnh 2.

Chị Cúc và con gái lớn. (Ảnh: NVCC).

"Biết tin này, đơn vị đến tận bệnh viện và gia đình thăm hỏi, động viên tinh thần bệnh nhân. Ngoài ra, đơn vị cũng đã lo viện phí và chi trả tiền ngày công đã nghỉ của người chồng" – ông Đức thông tin.

Theo ông Đức, sự việc xảy ra cũng liên quan đến bất cập khi sử dụng phần mềm. Dù khi kê đơn có quy trình kê đơn, kiểm tra đối chiếu lúc phát thuốc nhưng khi chiếu trên phần mềm, toa thuốc lại không có phần chẩn đoán và không thể hiện được hàm lượng. Đồng thời do lượng bệnh nhân đông khiến các cán bộ không thể kiểm soát mới dẫn đến sai lầm.

"Chúng tôi đã báo cáo Sở Y tế và mặt chuyên môn, đang chờ Sở đánh giá vấn đề rồi mới tính chuyện kỷ luật. Trung tâm sẽ củng cố lại quy trình ra toa kê đơn, điều chỉnh lại phần mềm để bổ sung rõ ràng hàm lượng tên thuốc, những ngày đông bệnh đơn vị cũng yêu cầu bổ sung thêm cán bộ. Chúng tôi hết sức buồn phiền với sự việc xảy ra. Đơn vị sẽ nghiêm khắc với sai sót này" – ông Đức nói.

Thuốc phá thai và thuốc dưỡng thai khác nhau hoàn toàn, sao có thể nhầm lẫn?

Đến tìm hiểu rõ hơn về loại thuốc mà sản phụ Cúc uống khiến thai trong bụng mất đi chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ Nguyễn Hữu Trung, Giảng viên khoa Phụ sản, Đại học Y Dược TP.HCM.

Bác sĩ Trung cho biết, Misoprostol bản chất ban đầu là thuốc dùng trong nội khoa, điều trị viêm dạ dày. Tuy nhiên trong quá trình sử dụng, người ta nhận phụ nữ có thai khi uống Misoprostol sẽ bị sảy thai. Dần dần, loại thuốc này được áp dụng khá nhiều trong sản khoa.

"Misoprostol thường dùng khi thai có vấn đề, thai dị tật, thai chết lưu phải bỏ. Nó có tác dụng gây co thắt tử cung đẩy thai ra hay để cầm máu cho sản phụ trong trường hợp băng huyết sau sinh" – bác sĩ Trung phân tích.

Theo bác sĩ, Misoprostol là thuốc kê theo toa, bắt buộc phải có chỉ định của bác sĩ chứ không thể bán đại trà.

Chồng sản phụ mất con vì trung tâm y tế cấp nhầm thuốc phá thai: “Tôi vô kêu cấp cứu cho vợ nhưng bác sĩ nói cứ nằm đợi tới sáng” - Ảnh 3.

Thuốc Misoprostol 200 mcg.

Nếu bệnh nhân tự ý mua thuốc này mà không biết cách sử dụng, Misoprostol có thể gây sốt, tiêu chảy, gây băng huyết tại nhà và thậm chí dẫn đến tử vong.

Về sự việc đau lòng vừa xảy ra, bác sĩ Trung cho rằng chưa thể quy trách nhiệm cho một ai. Nhưng chắc chắn quy trình cấp phát thuốc và thậm chí lưu trữ thuốc có vấn đề. Bản thân người cho toa thuốc và cấp thuốc trực tiếp cho bệnh nhân phải hiểu rõ đang dùng thuốc gì, công năng thế nào chứ không thể chỉ dựa vào toa hay tên trên phần mềm.

Chồng sản phụ mất con vì trung tâm y tế cấp nhầm thuốc phá thai: “Tôi vô kêu cấp cứu cho vợ nhưng bác sĩ nói cứ nằm đợi tới sáng” - Ảnh 4.

Bác sĩ Trung khẳng định Misoprostol khác hoàn toàn với các loại thuốc dưỡng thai nên không thể nhầm lẫn.

Về ý kiến cho rằng phải chăng thuốc dưỡng thai và phá thai gần giống nhau nên nhân viên y tế xảy ra nhầm lẫn, bác sĩ Trung khẳng định điều này là không thể.

"Khi dưỡng thai, người ta thường dùng một số thuốc chứa progesterone thiên nhiên, dùng để hỗ trợ thai được giữ trong lòng tử cung. Các loại thuốc dưỡng thai khác nhau cả về thành phần, tên gọi lẫn hình dạng với Misoprostol nên không thể nhầm lẫn được" – bác sĩ Trung phân tích.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày