Bà Trình chìm đắm trong những cuốn sách, mặc cho dòng người, xe phía trước cứ hối hả ngược xuôi. Chẳng biết bà làm cách nào đó để có thể tách hẳn mình ra khỏi cái thế giới xô bồ ngoài kia và chuyên tâm vào từng con chữ, nhưng hẳn là chẳng dễ dàng tí nào. Hoặc đơn giản là bà có một thế giới riêng và chẳng ai có thể làm phiền được.
Bà Trình đắm chìm trong thế giới của riêng bà giữa phố thị.
Đã 50 năm nay bà Trình vẫn ngồi đó, góc đường thân quen trước con hẻm 176 đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 10 để bán những cuốn sách cũ. Nếu gọi là tiệm sách thì cũng không hẳn, vì bà Trình không treo biển hiệu, không bày biện sách trong tủ, kệ. Đơn giản bà xếp những cuốn sách quanh gốc cây, lặng lẽ ngồi bên cạnh, ai đi ngang cần mua sách thì ghé lại.
"Tiệm" sách cũ của bà trình trên đường Cách Mạng Tháng 8.
Bà Trình tên thật là Nguyễn Thị Bông, có một sự thật là lần đầu gặp người phụ nữ này tôi có chút không thiện cảm. Bà Trình chỉ mới 64 tuổi nhưng mái tóc đã bạc trắng, gương mặt thì khắc khổ lúc nào cũng nhăn nhó. Bà nói chuyện cộc lốc, thẳng thừng chẳng nể nang điều gì.
Bà Trình có vẻ ngoài khó gần nhưng lại là một người rất cởi mở.
Thế nhưng tiếp xúc lâu với bà Trình tôi mới hiểu thật ra bà rất yêu đời và luôn mang lại tiếng cười cho mọi người. Bà kể: "Hồi đó đi học chủ yếu là để biết chữ. Biết chữ là để đọc sách. Ba má cho bao nhiêu tiền cũng dành để mua sách hết. Giờ ra chơi là lôi sách ra đọc, đọc say sưa, mê dữ lắm!".
Bà bảo sách là một kho tàng kiến thức vô cùng quý giá. Các tác giả đã phải trải nghiệm bao nhiêu năm trời, đắn đo cân nhắc rất lâu mới viết lên được bao nhiêu trang sách đó, còn mình chỉ cần ngồi ở nhà là có thể biết được những thứ hay ho đó, vậy không phải là quá sung sướng hay sao. Thời đi học, hầu như nhà sách lớn nào ở Sài Gòn bà Trình cũng tìm đến để xem sách, cuốn nào hay thì bà mua về.
Với bà Trình sách là người thầy vĩ đại nhất.
"Nhưng mà mình đâu có nhiều tiền mà mua được hết, nhiều bữa coi sách xong đi ra bị người bán sách liếc. Tui về nhà nghĩ phải tìm cách nào đó để vừa được đọc sách, mà không bị người ta khó chịu. Thế là tui nghĩ ra việc đi bán sách. Trời ơi lúc đó tui vỗ trán tự hào tại sao mình lại thông minh như vậy, nghĩ ra cách vừa được đọc sách mỗi ngày không tốn tiền mà còn có lời nữa chứ" - bà Trình cười tít mắt đầy tự hào. Năm đó bà Trình mới 14 tuổi, bà xin ba má cho nghỉ học để ra vỉa hè bán sách.
Thấm thoắt mà đã 50 năm trôi qua, có những thời điểm "cửa tiệm" của bà buôn may bán đắt, khách đến nườm nượp. Sách chất thành từng chồng lớn khắp nhà, hễ ai muốn mua nhiều thì bà dẫn vào nhà để chọn sách. Bà kể thời điểm cao điểm nhất là nhà bà chứa khoảng 4000 cuốn sách và lúc đó chỉ có thể ngủ ngồi.
Dù vắng khách hơn xưa nhưng vẫn còn nhiều bạn trẻ ghé lại tiệm sách của bà Trình để tìm những cuốn sách quý.
Thế rồi thời thế cũng qua, nghề bán sách cũ của bà Trình cũng lụi tàn, để có thể sống với nghề, để được đọc sách mỗi ngày bà phải đi chạy xe ôm, bán thêm áo mưa... để trang trải cuộc sống. Trải qua 50 năm thăng trầm với nghề, bà mỉm cười ngâm nga câu thơ về cuộc đời mình: "Tìm chi cho đến mấy mươi năm. Trang sách nghĩa ý quá thâm trầm. Mua bán muốn làm giàu nâng kiến thức. Ngờ đâu thời thế vẫn cơ hàn".
Khi tôi hỏi mỗi ngày bà đọc bao nhiêu cuốn sách, bà nhăn mặt nói: "Không gọi là đọc sách mà gọi là xem sách. Vì không ai cầm sách lên đọc to thành từng chữ, mà người ta nghiền ngẫm từng con chữ, thả mình vào từng trang sách tưởng tượng ra những khung cảnh, nhân vật mà quyển sách mô tả".
Sách là phải xem chứ không phải đọc, phải thả mình vào từng con chữ để đặt chân đến nơi mà tác giả đang tả, gặp nhân vật mà tác giả giới thiệu...
Hồi đó đọc được chỗ nào hay ho, lý thú là bà Trình đạp xe tới tận nơi để tìm hiểu. Lúc thì bà đạp xe xuống Bình Dương, khi thì đạp cả ngày để đi Tây Ninh, sau này bà rút kinh nghiệm mướn xe máy đi cho tiện. Cuộc sống cứ thế mà trở nên thú vị. Mỗi trang sách mở ra một thế giới đầy mới lạ, đưa bà Trình đi khắp nơi, biết vô vàn những kiến thức. Thế nên bà cứ đắm chìm say sưa vào những trang sách. Bà bảo khi đọc sách có thể quên được cơn đói hay những phiền muộn của cuộc sống.
Bà Trình vẫn ở vậy một mình từ đó đến giờ, không lập gia đình. Với bà chẳng có tình yêu nào lớn hơn tình yêu với những trang sách. "Mình mua một cái máy hát về, một thời gian cũng phải thay pin cho nó, rồi còn phải lo giữ cho kỹ không thôi bị ăn trộm. Chi cho mệt vậy, không mua thì sẽ không sợ bị mất. Không có chồng cũng không lo bị mất chồng. Cứ sống độc thân, tự do tự tại, thích làm gì thì làm, thích ăn gì thì ăn, có tiền thì để dành mua sách về đọc".
Sống độc thân, bà Trình dành toàn bộ thời gian của mình cho những quyển sách.
Ai cũng tìm cho mình một người bạn đời và tôi tin là bà Trình đã tìm được bạn đời của riêng mình - những cuốn sách. Bà Trình bảo sách thì không có tuổi, dù bao năm trôi qua thì những nhân vật đó vẫn ở đó, những phong cảnh đó vẫn vẹn nguyên,và bà cũng vậy cứ mãi yêu đời như cái thời còn trốn học ra sân trường đọc sách.
"Người ta 60 thì gọi là già. Còn tui trăm tuổi vẫn là thanh niên".