"Nữ thành hoàng" phố sách Đinh Lễ đã về trời nhưng ký ức vẫn vẹn nguyên trong tâm trí người ở lại

Thu Hường, Theo Trí Thức Trẻ 07:00 28/05/2017

Phố sách Đinh Lễ từ đây sẽ vắng đi "nữ thành hoàng" - người phụ nữ đã dành cả đời mình gắn bó với sách vở. Chuyến đi xa của bà Mão có lẽ vì thế sẽ để lại tiếc nhớ trong lòng nhiều người yêu sách ở Hà Nội.

Đối với thế hệ 8X, 9X đời đầu sống ở Hà Nội, gác 2 khu tập thể số 5 Đinh Lễ dường như là nơi lưu giữ bao kỉ niệm tuổi thơ. Ai đã từng chìm ngập trong sách hàng tiếng đồng hồ ở những gian nhà nhỏ yên tĩnh tại đây sẽ không bao giờ quên bà Phạm Thị Mão - người được ví như "nữ thành hoàng" khai sinh ra phố sách lâu đời nhất Thủ đô.

Nữ thành hoàng phố sách Đinh Lễ đã về trời nhưng ký ức vẫn vẹn nguyên trong tâm trí người ở lại - Ảnh 1.

Bà Phạm Thị Mão (SN 1951), chủ hiệu sách Mão trên phố Đinh Lễ (Hà Nội).

Hành trình của "nữ thành hoàng" đã khép lại sau 41 năm tận tụy

Trong những ngày tang gia bối rối, ông Lê Luy (SN 1943), chồng bà Mão vẫn cố gắng tỏ ra thật bình tĩnh dù đôi tay liên tục run lẩy bẩy vì xúc động mỗi khi nhắc đến vợ. Chuyến đi xa của bà Mão không bất ngờ. Ông Luy kể, từ năm 2003, bà Mão đã phải nhập viện điều trị, bao lần thập tử nhất sinh nhưng cuối cùng đều vượt qua nhờ nghị lực mạnh mẽ.

Nữ thành hoàng phố sách Đinh Lễ đã về trời nhưng ký ức vẫn vẹn nguyên trong tâm trí người ở lại - Ảnh 2.

Nhờ có cuốn sách "thần" Almanach, tên tuổi, sự nghiệp của bà Mão như bước sang một trang khác. Ảnh: FB chị Thúy Hoa.

Năm 1996, nhờ quyết định sáng suốt của mình, bà Mão xuất bản thành công cuốn sách "thần" Almanach - những nền văn minh thế giới, thu về số tiền lãi "siêu khủng" lên tới 500 cây vàng. Thắng đậm trong một chuyến làm ăn, nhiều người khuyên bà nên dùng số tiền đó để tích lũy nghỉ ngơi, giữ gìn sức khỏe nhưng bà Mão không nghe. Trong suốt hơn 10 năm chiến đấu với bệnh tật, 2 lần bị tai biến nặng phải nhập viện điều trị cả tháng trời, bà Mão vẫn kiên quyết không từ bỏ nghề buôn sách. 

"Gần 30 năm làm nghề, ngày nào vợ chồng tôi cũng làm việc 14-15 tiếng. Chúng tôi mua được 6 gian nhà thì 5 gian dành để bán sách, một gian để ở nhưng ngay cả ở gian nhà ấy, sách cũng chất kín, thậm chí trên chiếc giường 2 vợ chồng nằm cũng ngập sách".

Ông Luy khá xúc động khi nhắc đến những kỉ niệm liên quan đến vợ mình.

Ông Luy bảo, bà Mão là người phụ nữ có tính cách mạnh mẽ, quyết liệt, đã làm việc gì thì sẽ theo đuổi tới cùng. Trở ngược lại năm 1990, ông vẫn nhớ như in cuộc sống khốn khó của 2 vợ chồng lúc đó. Với số tiền ít ỏi, chỉ đủ tạm sống qua ngày nhưng ông bà lại vay lãi ngân hàng 1.000 USD để mua mặt bằng trên gác 2 Đinh Lễ mở hiệu sách.

Nhiều người nói đó là quyết định liều lĩnh vì căn phòng chật hẹp 18m2 trên gác 2 khu tập thể cũ không phải địa điểm hợp lý để kinh doanh. "Chỉ có tôi và bà Mão tin rằng đó là vị trí đắc địa, yên tĩnh, râm mát nhưng lại nằm ngay phố cổ, gần khu dân trí cao"

Năm 1996, khi bà Mão khẳng định, cuốn Almanach sẽ sinh lợi lớn, nhiều người cười khẩy, tỏ ý không tin. Thêm một lần nữa, chỉ có ông Luy tin bà Mão cùng nhau "liều" thành công. Họ dám thế chấp cả nhà cửa, vay lãi ngân hàng số tiền lớn để in sách và thắng lợi rực rỡ với 5 lần tái bản, tiêu thụ 25.000 cuốn.

Phát hành cuốn sách ấy, lãi lớn nhưng ông bà không nghĩ đến chuyện tích cóp, hưởng thụ. Họ bàn nhau mở rộng hiệu sách bằng cách mua đứt các căn hộ kế bên. "Có người bảo vợ chồng tôi dở hơi, có tiền rồi sao không mua nhà dưới mặt phố nhưng chỉ có tôi và vợ đồng lòng, cho rằng hướng đi như vậy là đúng đắn"

Khu tập thể số 5 Đinh Lễ vẫn vậy nhưng hiệu sách Mão thì đang tạm thời đóng cửa và từ nay, nó sẽ mãi mãi thiếu đi một người phụ nữ tận tâm với nghiệp buôn sách.

Gần 30 năm bán sách, vợ chồng bà Mão đã xuất bản độc quyền hơn 400 đầu sách của các tác giả trong và ngoài nước. Không giống như cuốn Almanach có giá trị kinh tế, nhiều đầu sách ông bà nhận in ấn chỉ vì nhìn ra đó là một cuốn sách hay, giàu giá trị tri thức.

Ông Luy vẫn còn nhớ khi quyết định xuất bản cuốn "Từ điển văn hóa cổ truyền Trung Hoa", bà Mão đã đắn đo rất nhiều. Bà hiểu, nếu xuất bản cuốn này, chắc chắn sẽ lỗ vì ít người mua.  "Nhưng vợ chồng tôi thực sự tâm đắc với nó, thấy rằng đây là một cuốn sách quý nên cuối cùng, chúng tôi vẫn xuất bản".

Ông Luy bảo khi còn sống, bà Mão rất ngại lên báo. Vì thế, ông thường là người đứng ra trả lời câu hỏi của các phóng viên. "Nhưng tôi hay nói vui với bà rằng: "Đấy là em nói đó, chẳng qua phóng viên đề nhầm sang tên anh thôi".

Cứ như thế, trong căn nhà nhỏ ở khu tập thể cũ đến nỗi mùa mưa, mái ngói còn dột nước vào bên trong, tường nhà hoen ố vì rêu xanh, ông bà đã bên nhau trọn vẹn 41 năm. Hơn 2 thập kỷ bền lòng sắt son, họ đã chung tay đưa ra bao quyết định táo bạo - những quyết định lớn đã thay đổi cả cuộc đời họ và cũng làm thay đổi cuộc đời của rất nhiều người khác nữa.

Những ký ức vẹn nguyên trong tâm trí người ở lại

Những người được bà Mão thay đổi cuộc đời, có lẽ chính là chủ các hiệu sách khác trên phố Đinh Lễ. Từ khi bà Mão thành công với nghề buôn sách trên gác 2 khu tập thể số 5, nhiều người bắt đầu học theo, mở hiệu sách và dần dần, hình thành nên phố sách Đinh Lễ độc đáo nhất Thủ đô.

Chị Bùi Hồng Nguyệt (chủ một hiệu sách trên gác 2, khu tập thể số 5 Đinh Lễ) chia sẻ: "Trước đây tôi cũng không định mở hiệu sách nhưng nhờ bà Mão động viên, thấy bà thành công nên cũng làm theo và có được cơ ngơi, công việc ổn định như bây giờ".

Nữ thành hoàng phố sách Đinh Lễ đã về trời nhưng ký ức vẫn vẹn nguyên trong tâm trí người ở lại - Ảnh 6.

Chị Nguyệt kể lại những kỉ niệm ấn tượng với bà Mão.

Nhiều năm làm hàng xóm với bà Mão, trong ký ức chị Nguyệt, bà là người dám nghĩ, dám làm và đặc biệt rất yêu sách. Lần nào chị Nguyệt nhìn thấy bà Mão cũng là lúc người phụ nữ ấy cầm trên tay một cuốn sách hay đang căng mắt để đọc báo, tạp chí.

Chị Nguyệt nói bà Mão là một người phụ nữ thông minh, nhạy bén. Hầu hết các hiệu sách ở Đinh Lễ chỉ chuyên buôn sách nhưng riêng hiệu sách Mão lại dám nhận in ấn, xuất bản những đầu sách lạ. "Tôi biết nhiều cuốn ông bà làm không có lãi nhưng vì tâm huyết với nghề nên họ vẫn theo đuổi. Điều ấy làm tôi ngưỡng mộ và cảm thấy như được truyền lửa để yêu thêm công việc mình đang làm".

Những góc nhỏ của hiệu sách Mão.

Chị Thúy Hoa (chủ một hiệu sách trên phố Đinh Lễ) cũng chia sẻ, bà Mão là một người rất tận tâm với nghề làm sách. Gần 30 năm, dù khi ốm, khi đau, hiệu sách Mão vẫn mở liên tục. "Tôi hay nói vui với ông bà rằng giá mà ông bà đi thuê nhà để mở hiệu sách thì chắc sạt nghiệp lâu rồi, thế là họ chỉ cười. Lãi 500 cây vàng nghe to đấy nhưng bao nhiêu tiền, ông bà đều đầu tư mua mặt bằng làm sách rồi xuất bản nhiều cuốn quý về tri thức nhưng lại kém giá trị kinh tế".

Chị Hoa bảo, nhiều người cứ nói bà Mão tham công tiếc việc, bệnh tật không lo chạy chữa chỉ lo chuyện bán sách nhưng phải là người trong nghề mới hiểu. Nhiều năm quen biết với bà Mão, chị Hoa biết sách là niềm yêu thích duy nhất của bà. Cả đời bà ăn cùng sách, ngủ trên sách, trong giấc mơ cũng gọi tên sách và đi du lịch nước ngoài, vali cũng chất đầy những sách là sách.

Nữ thành hoàng phố sách Đinh Lễ đã về trời nhưng ký ức vẫn vẹn nguyên trong tâm trí người ở lại - Ảnh 8.

Năm 1990, bà Mão là người đầu tiên mở hiệu sách trên Đinh Lễ. Bây giờ, nơi đây đã là phố sách nhộn nhịp nhất Hà Nội.

Từ sáng 26/5, trên facebook, tôi đọc được không biết bao nhiêu chia sẻ của mọi người về kỉ niệm tuổi thơ gắn liền với bà Mão và gác 2 khu tập thể số 5 Đinh Lễ. Tất cả đều là những kí ức vụn vặt nhưng rất đẹp đẽ, bình dị.

Anh Đức, một khách hàng hay mua sách của bà Mão kể lại, ngày còn nhỏ, mỗi khi rảnh rỗi đều trốn bố mẹ, chui lên gác 2 khu tập thể số 5 Đinh Lễ để đọc sách. Hôm nào lên sớm, chiếm được chỗ ngồi đẹp thì hí ha hí hửng, không nỡ rời đi. Có sáng quên cả việc đi học chỉ vì mải đọc sách.

Độc giả yêu sách ở Hà Nội, rất nhiều người chia sẻ niềm tiếc thương trước sự ra đi của bà Mão.

"Cũng không phải lúc nào mình cũng có tiền mua sách nhưng cứ lên đọc. Lên nhiều đến nỗi quen mặt, bà Mão biết nhưng chẳng bao giờ nói gì, có lúc sợ mình ngại bà còn lơ đi như không hề để ý. Nhiều người bảo thế là lạnh lùng nhưng mình lại rất thích cái vẻ nghiêm túc, từ tốn ấy của bà".

Chị Hồng, một khách hàng khác cũng tâm sự, từ hồi cấp 2, chị đã quen với việc leo lên mấy bậc cầu thang sắt mòn chênh vênh, vứt balo sang một bên rồi vùi mình trong căn phòng tập thể của bà Mão để mò sách. "Cảm giác được vùi lấp trong cả một nhà sách để mò mẫm, moi trong ngóc ngách ra những quyển sách cũ giá rẻ lại hay ho thực sự rất tuyệt vời"

Ký ức như vẫn đâu đây nhưng từ nay, khi lên gác 2 đọc sách, chị Hồng sẽ chẳng bao giờ còn thấy bà Mão nói cười. Nghĩ đến đó, không chỉ chị Hồng mà nhiều người khác đều cảm thấy có chút chạnh lòng, tiếc nuối.

Nữ thành hoàng phố sách Đinh Lễ đã về trời nhưng ký ức vẫn vẹn nguyên trong tâm trí người ở lại - Ảnh 10.

Chưa đến ngày cử hành tang lễ nhưng rất nhiều người tìm đến chia buồn cùng gia đình bà Mão.

"Tối nay nghe tin Bờ Hồ lại vắng thêm bà Mão. Có những người mình cứ tưởng như họ sẽ chẳng bao giờ chết. Rồi cuối cùng họ lẳng lặng đi. Cảm thấy như bức tranh ghép hình bị bóc ra một miếng chỉ còn khoảng trống", trích chia sẻ của facebooker N.Đ.H trên trang cá nhân.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày