Chồng nằm trên bàn mổ, vợ chạy ngược xuôi mua kim luồn, ống xông.... vì bệnh viện hết

Khánh Chi, Theo Infonet 15:30 17/06/2022

Nhiều bệnh nhân than trời vì tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế như hiện nay, đặc biệt là người bệnh mãn tính, bệnh nhân ung thư.

Nhiều bệnh nhân ung thư than thở đây là thời kỳ đáng sợ nhất của họ vì đến đâu, bệnh viện nào cũng thiếu thuốc, vật tư y tế...

Chị Nguyễn Thị L. (Ba Vì, Hà Nội) bị ung thư điều trị được gần 1 năm nay. Hơn một tháng nay, mỗi lần đến lịch xạ trị nhưng bệnh viện báo hết thuốc phải chờ và không biết chờ đến khi nào. Nhưng có cách khác để xạ trị luôn là chuyển sang bên xạ trị theo yêu cầu.

Khi đó, bệnh nhân phải chi trả hết các chi phí đắt đỏ, thậm chí bản thân chị L. từ khi mắc bệnh không đi làm được, điều trị gần năm nay kinh tế đã kiệt quệ giờ càng khó khăn hơn. Có những bệnh nhân nhà ở xa đến ngày tái khám phải lặn lội lên bệnh viện tuyến trên điều trị.

Còn trường hợp chị Vũ Thị H. (Hà Nội) bị ung thư vú. Chị H. có bảo hiểm y tế 80%. Việc điều trị từ trước tới nay BHYT “đỡ” cho chị khá nhiều. Nhưng gần đây, đến thuốc hóa chất bệnh nhân cũng phải mua ngoài. Trước đó, thuốc mua ngoài chiếm khoảng 15% thì hiện tại thuốc mua ngoài lên tới 90%.

Anh Nguyễn Quốc H. (Thường Tín, Hà Nội) cho biết mẹ anh bị ung thư, điều trị tại BV K cơ sở Phan Chu Trinh, Hà Nội. Sau phẫu thuật, thiếu kim luồn, bác sĩ báo người nhà tự đi mua và phải ra đúng nhà thuốc ở Quán Sứ mới có còn các nhà thuốc khác xung quanh bệnh viện không có.

Bệnh nhân còn phải mua từ găng tay vô khuẩn cho tới kim luồn, xi lanh. Số tiền không nhiều nhưng lại dễ gây bức xúc nhất vì đó là những thứ đơn giản nhất trong quá trình điều trị bệnh cũng không có.

Tổng cộng, gia đình chị phải ra quầy thuốc ngoài bệnh viện mua 10 kim với giá 3.000 đồng/chiếc, một dây catheter, hết khoảng 800.000 đồng. Chi phí cho các vật dụng trên, trước đây đều do bảo hiểm chi trả.

Chồng nằm trên bàn mổ, vợ chạy ngược xuôi mua kim luồn, ống xông.... vì bệnh viện hết - Ảnh 1.

Một ca mổ tại Bệnh viện K Trung ương

Bà Nguyễn Thị H., (quê Hải Dương) đưa chồng bị ung thư đi mổ. Khi chồng đang nằm trên bàn mổ thì bà H., phải chạy ngược chạy xuôi mua vật tư thiếu, nào là kim luồn, ống xông, đủ các thứ bà rằng.

Bà H. bức xúc bởi không phải ra ngay nhà thuốc là có mà thuê xe ôm đi tìm đủ nơi, thậm chí có nhà thuốc cách bệnh viện cả chục km cũng phải cố đi mua cho đúng chủng loại mà bác sĩ đã yêu cầu.

Theo lãnh đạo Bệnh viện K, tình trạng thiếu kim luồn và một vài trang thiết bị khác diễn ra khoảng ba tuần nay do đơn vị chưa đấu thầu mua sắm. Việc mua sắm thông qua đấu thầu nên cần khoảng 1-2 tuần nữa, bệnh viện mới có kết quả đấu thầu và dự kiến đầu tháng 7 có nguồn vật tư y tế cung ứng trở lại để phục vụ người bệnh.

Tại TP.HCM, bệnh nhân ung thư rơi vào cảnh chạy lòng vòng đi tìm máy chụp PET/CT vì hệ thống chụp PET/CT có giá triệu đô của các bệnh viện như BV Ung bướu, Quân y 175 hay Nhân dân 115 đồng loạt "trùm mền", hoặc hoạt động cầm chừng vì thiếu thuốc phóng xạ.

Các bệnh nhân ung thư cần chụp PET/CT phải chờ đợi, hoặc bay ra tận Đà Nẵng, Hà Nội, thậm chí sang tận Singapore để chụp.

BS Nguyễn Triệu Vũ - Trưởng Khoa Ung bướu, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, chia sẻ tại khoa tình trạng thiếu thuốc, vật tư cũng xảy ra. Là bác sĩ điều trị, anh và các đồng nghiệp chỉ biết báo cáo lên trên, chờ thuốc và "cân não" điều chỉnh thuốc cho người bệnh.

Trong điều trị, bác sĩ tính toán xem thuốc nào nằm trong danh mục BHYT, bệnh viện còn có thể thay thế cho bệnh nhân thì cho bệnh nhân sử dụng. Bệnh nhân nào còn 1, 2 đợt điều trị thuốc cũ, bệnh viện hết mà thuốc không quá đắt thì tư vấn người bệnh ra ngoài mua cho nhanh.

Tuy nhiên, bác sĩ Vũ cho biết có những thuốc rất đắt, bác sĩ lại phải liên hệ các bệnh viện khác xem còn thuốc hay không cố gắng tạo điều kiện chuyển bệnh nhân sang đó điều trị để tiết kiệm cho bệnh nhân. Tuy nhiên, cách giải quyết này cũng hạn chế vì thiếu thuốc là cảnh chung.

"Tôi cũng không biết cái gốc của vấn đề từ đâu mà chỗ nào cũng đều thiếu. Là bác sĩ lâm sàng chúng tôi đứng ở giữa, chỉ biết giải thích cho người bệnh, cố gắng tìm thuốc thay thế. Bệnh nhân thì than thở sao lại không có thuốc", BS Vũ chia sẻ.

Một số thuốc bệnh nhân đi mua cũng không được, ngay cả vật tư y tế có tiền không mua được vì công ty phân phối hết thuốc.

Trong khả năng chuyên môn, bác sĩ Vũ cho rằng anh và các đồng nghiệp của mình chỉ biết xoay xở thuốc phù hợp, điều chỉnh phác đồ để đảm bảo hiệu quả điều trị cho bệnh nhân, kẹt quá mới cho bệnh nhân mua ngoài.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày