HĐXX cũng bác bỏ quan điểm cho rằng đây là tình huống bất ngờ. Ảnh: TUYẾN PHAN
Ngày 9-11, thông tin từ phía các luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Ngọc Hoàng, tài xế container trong vụ án lùi xe trên cao tốc khiến bốn người chết, cho biết TAND tỉnh Thái Nguyên đã chính thức có bản án phúc thẩm.
Bản án của TAND tỉnh Thái Nguyên cho rằng tài xế container không oan. Ảnh: TUYẾN PHAN
Giảm tốc độ từ 62 km/giờ về 0 chỉ trong một giây?
Theo bản án, bị cáo Lê Ngọc Hoàng không thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Tại CQĐT, Hoàng khai khoảng 15 giờ 30 phút 19-11-2016, khi điều khiển xe ô tô đầu kéo theo rơ mooc với tốc độ khoảng 60-65km/h theo hướng Hà Nội - Thái Nguyên, đến gần lối rẽ nút giao Yên Bình cách khoảng 70 m thì nhìn thấy xe của Sơn nháy đèn đỏ.
Hoàng rà phanh và tiếp tục điều khiển xe, khi còn cách khoảng 30 m Hoàng phát hiện xe của Sơn đang lùi trên cùng làn đường xe của mình mà không có tín hiệu đèn cảnh báo.
Hoàng nhìn gương chiếu hậu để chuyển xe sang làn đường bên trái, mục đích để tránh xe Innova của Sơn nhưng vì làn đường bên trái có xe khác nên khi cách xe của Sơn khoảng 10 m Hoàng đã phanh chết xe để dừng lại.
Xe trượt trên đường rồi đâm vào phía sau xe của Sơn gây tai nạn và đẩy xe của Sơn về phía trước.
Hoàng xác định Hoàng điều khiển xe tốc độ 62 km/giờ là đúng quy định và đã giảm tốc độ nhưng do xe của Sơn đang lùi về phía xe của Hoàng nên không còn khoảng cách an toàn giữa hai xe.
Tại tòa phúc thẩm, Hoàng tiếp tục khai như trên, tại thời điểm phanh chết xe, Hoàng không biết khoảng cách giữa xe của mình và xe của Sơn bao nhiêu mét.
Hoàng cho rằng kết luận giám định vận tốc xe container xác định từ 62 km/giờ về 0 là không đúng. Bị cáo khẳng định không có lỗi mà lỗi gây ra vụ tai nạn là do Sơn, mình bị oan.
HĐXX thấy rằng để đánh giá hành vi của bị cáo Lê Ngọc Hoàng có vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ như bản án sơ thẩm đã quy kết hay không, cần phải xem xét, đánh giá một cách khách quan, toàn bộ diễn biến xảy ra vụ án TNGT.
Theo lời khai của bị cáo Sơn cùng một số bị hại, khi qua nút giao Yên Bình, Sơn dừng xe sát lề đường phía bên phải để một cháu bé trên xe xuống nôn.
Vì xe đã đi quá nút giao Yên Bình và trên đường cao tốc, Sơn đã bật đèn cảnh báo nguy hiểm, sau đó cho xe lùi lại mục đích để ra nút giao Yên Bình thì bị xe Hoàng đâm vào phần sau xe của Sơn gây tai nạn.
Tại tòa, giám định viên của Viện khoa học hình sự, Bộ Công an, trình bày kết luận giám định vận tốc xe ô tô đầu kéo do Hoàng điều khiển lúc 15 giờ 38 phút 59 giây là 62 km/giờ. Từ 15 giờ 39 phút 00 giây đến 23 giờ 59 phút 59 giây ngày 19-11-2016 vận tốc bằng 0 km/giờ.
“Điều đó càng thể hiện Hoàng đã không chú ý quan sát phía trước cùng chiều với xe của Hoàng có xe Innova Sơn đang điều khiển lùi trên đường, có đèn cảnh báo nguy hiểm để giữ khoảng cách an toàn đối với xe của Sơn và giảm tốc độ thấp hơn tốc độ tối đa cho phép (có thể dừng lại một cách an toàn) trong trường hợp có chướng ngại vật trên đường.
Cho nên khi xe của Hoàng còn cách xe của Sơn 30 m (lời khai của Hoàng tại CQĐT và tại phiên tòa sơ, phúc thẩm) thì Hoàng mới phát hiện xe của Sơn đang lùi”, bản án nêu.
Không phải sự kiện bất ngờ mà do quá tự tin?
Bản án cũng cho rằng theo Thông tư liên tịch số 91/2015/TT-BGTVT quy định khoảng cách an toàn giữa hai xe khi tham gia giao thông trên đường, Hoàng đã vi phạm về khoảng cách an toàn giữa hai xe và không giảm tốc độ tối đa cho phép để có thể dừng lại một cách an toàn khi gặp chướng ngại vật trên đường.
Việc Hoàng cho rằng cách xe của Sơn 60-70 m thì đã rà phanh giảm tốc độ là không có cơ sở.
HĐXX khẳng định Hoàng gây ra tại nạn không phải là sự kiện bất ngờ như bị cáo đã khai mà do Hoàng đã vô ý quá tự tin sẽ điều khiển được xe chuyển sang làn đường bên trái để tránh xe Innova của Sơn, khi không điều khiển xe chuyển làn đường được và chỉ còn cách xe của Sơn 10 m Hoàng mới phanh chết xe lết trên đường đâm vào phía sau xe của Sơn đẩy xe của Sơn đi hơn 10 mét thì mới dừng lại gây tai nạn dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Hành vi của Ngô Văn Sơn đã vi phạm khoản 8 Điều 8, khoản 2 Điều 16 và khoản 1 Điều 68 Luật Giao thông đường bộ. Khoản 3 Điều 8 quy định: Cấm người điều khiển ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Khoản 2 Điều 16 quy định: Không được lùi xe trên đường cao tốc. Điểm d khoản 1 Điều 68 quy định: Người lái xe không được chở vượt quá số người theo quy định.
Hành vi của Lê Ngọc Hoàng đã vi phạm Điều 12 Luật Giao thông đường bộ quy định về tốc độ xe và khoảng cách giữa các xe, khoản 1 Điều 5 Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định các trường hợp phải giảm tốc độ.
“Tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo Ngô Văn Sơn và Lê Ngọc Hoàng về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo khoản 3 Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999 là đúng người, đúng tội, không oan”, bản án nhấn mạnh.
Do đó, tòa tuyên phạt Sơn chín năm tù, buộc bồi thường gần 900 triệu đồng; Hoàng sáu năm tù, buộc bồi thường hơn 400 triệu đồng.