Là ngọn núi cao thứ 7 ở Việt Nam, Tà Chì Nhù (thuộc xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái) được đánh giá là nơi có hệ sinh thái rừng đa dạng và cảnh quan hùng vĩ. Dãy núi này là một phần của khối núi Pú Luông, thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, có độ cao 2.979m so với mực nước biển. Với điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý đặc biệt, Tà Chì Nhù đã trở thành một điểm đến lý tưởng cho những người đam mê du lịch trekking trong những năm gần đây.
Bình minh rực rỡ trên đỉnh núi.
Những đàn gia súc của người dân chăn thả.
Theo hướng Trạm Tấu, cung đường chinh phục “nóc nhà Yên Bái” dài khoảng 18km cả đi lẫn về. Nhưng với địa hình nhiều núi đá và những con dốc nối tiếp nhau, đỉnh Tà Chì Nhù là một thử thách với tất cả các trekker. Bạn Tú Uyên, 22 tuổi chia sẻ: “Mình đã từng đi Tà Xùa và Tà Chì Nhù. Nhưng dốc ở Tà Xùa thoải hơn, còn dốc ở Tà Chì Nhù thì đứng hơn, khó đi hơn. Mình đã mất hai ngày để vượt qua những hẻm vực, vách núi và đoạn đường cheo leo rồi mới đến được đỉnh Tà Chì Nhù”. Dù là đường mòn nhưng đoạn đường từ chân núi lên đỉnh núi rất dốc. Vào ngày mưa, đất và sỏi hòa với nước, tạo thành một cung đường toàn bùn nhão, gây khó khăn cho việc di chuyển.
Cung đường dốc thách thức cả người mới hay đã có kinh nghiệm leo núi.
Điểm độc đáo của Tà Chì Nhù là cảnh quan phong phú, thay đổi theo từng độ cao. Ở đây, có lúc phải đi giữa rừng già nguyên sinh, có khi lại phải vượt qua một con suối, cũng có đoạn phải băng xuyên qua rừng tán thấp, rừng trúc, nương chè... nhưng gần đỉnh lại là đồi trọc. Bạn Hoàng Long, 25 tuổi chia sẻ về hành trình này: “Mình rất bất ngờ về sự đổi thay của thiên nhiên và cảnh sắc nơi đây. Đoạn đường đầu tiên khá dễ đi, nhưng càng về sau càng khó. Từ chân núi lên lán nghỉ cao 2.400m không có nhiều chỗ đặc biệt, nhưng từ lán lên đỉnh đúng hướng bình minh, lại nhiều gốc cây khô nên ngắm cảnh và chụp ảnh tuyệt lắm”.
Chinh phục thiên nhiên và khám phá chính mình.
Ở gần đỉnh Tà Chì Nhù bạt ngàn một loại hoa màu trắng, khi nở có màu tím nhạt. Người ta gọi đó là hoa Chi Pâu. Cái tên Chi Pâu bắt nguồn từ câu trả lời của người Mông khi du khách hỏi về loài hoa này. “Tsi Pau” theo ngôn ngữ của tộc người Mông có nghĩa là “không biết”. Nhưng theo nhiều người kể lại, du khách hiểu đó là “Chi Pâu” nên đã truyền nhau tên gọi đó.
Hoa chi pâu tím thơ mộng phủ khắp triền đồi.
Trước đây, khi nhắc đến du lịch mạo hiểm, nhiều người chỉ nghĩ đến những chuyến đi dành cho một vài đối tượng nhất định - có “gan” dấn thân. Nhưng hiện nay, trekking được thiết kế với những cung đường, điểm nghỉ cụ thể, tránh những rủi ro của du lịch mạo hiểm thuần tuý. Đây không những là động lực thúc đẩy tinh thần xê dịch của người trẻ, mà còn là điều kiện để phát triển du lịch bền vững, gắn liền với tự nhiên nguyên thuỷ và hoang sơ.
Lưu ý khi trekking đỉnh Tà Chì Nhù: - Nếu lần đầu leo núi, hãy rèn luyện thể lực bằng cách đi bộ vài kilomet mỗi ngày trong vòng một tháng trước khi leo. - Kiểm tra dự báo thời tiết trước khi đi và mang theo áo mưa, áo ấm nếu cần. - Chuẩn bị một đôi giày leo núi đế gai, rộng hơn một size so với cỡ chân bình thường; một chiếc ba lô trợ lực loại 15 - 20 lít; hai chiếc gậy leo núi cùng đôi găng tay mỏng loại bám dính tốt. - Mang theo nước, thức ăn nhẹ và giữ điện thoại đầy pin để liên lạc khi cần thiết. - Chuẩn bị chai xịt chống căng cơ và các loại thuốc cơ bản. - Nếu ngủ lại ban đêm trên lán, hãy mang theo một chiếc đèn pin. Trước khi ngủ nên dùng miếng dán ở đùi và bắp chân, chống căng mỏi cơ cho ngày hôm sau xuống núi. |