Một năm sau khi ra mắt chiếc iPhone X có giá bán 1.000 USD, Apple tiếp tục ra mắt thêm hai chiếc iPhone Xs và iPhone Xs Max có giá bán từ 1.000 USD đến 1.449 USD. Bên cạnh đó, Apple cũng khai tử chiếc iPhone SE có giá bán thấp nhất của mình.
Những chiến lược này nhằm giúp Apple đạt được doanh thu và lợi nhuận cao, ngay cả khi doanh số bán hàng không tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, nó cũng biến Apple trở thành một thương hiệu xa xỉ. Có vẻ như Apple đang muốn trở thành Louis Vuitton của giới công nghệ.
Chiếc iPhone X giá 1.000 USD đã giúp Apple đạt được lợi nhuận kỷ lục, giúp giá trị công ty vượt mốc 1.000 tỷ USD lần đầu tiên trong lịch sử. Vì vậy, việc trở thành thương hiệu đồ xa xỉ có thể giúp Apple tiếp tục khẳng định vị thế của mình. Nhưng nó cũng có những tác động xấu về lâu dài, khi mà một lượng lớn khách hàng sẽ không thể tiếp cận với các sản phẩm của Apple.
Apple luôn gắn liền với thương hiệu cao cấp
Apple vẫn luôn là một thương hiệu cao cấp hàng đầu thị trường, với các sản phẩm công nghệ có giá bán cao hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh khác. Có một khoảng thời gian trước đây, khi mà iPhone là tượng trưng cho sự giàu có và sành điệu.
Tuy nhiên trong nhiều năm, đặc biệt là dưới thời Steve Jobs, Apple vẫn luôn quan tâm tới những người dùng tầm trung. Như khi iPod ra mắt, Apple đã bổ sung thêm các phiên bản Shuffle và Nano. Hay khi ra mắt những chiếc iPhone mới, Apple luôn giảm giá những mẫu iPhone cũ để giúp người tiêu dùng dễ tiếp cận hơn.
iPhone bắt đầu trở nên phổ biến hơn rất nhiều, mặc dù đây vẫn là dòng sản phẩm cao cấp. Nhưng chiến lược của Apple đang dần thay đổi, khi tập trung vào việc nâng giá bán và tăng lợi nhuận, để bù đắp lại việc doanh số bán hàng không tăng trưởng. Chiến lược mới của CEO Tim Cook đang khiến cho thời kỳ mà iPhone là tượng trưng cho sự giàu có và sành điệu quay trở lại.
Với mức giá 1.000 USD, không phải ai cũng có thể sở hữu một chiếc iPhone X. Và sau khi ra mắt iPhone Xs mới với giá bán tương đương, Apple chấp nhận khai tử luôn iPhone X thay vì giảm giá 100 USD như truyền thống trước đây.
Chiến lược này rất giống với các hãng bán đồ xa xỉ khác trên thế giới, nhằm tránh việc các sản phẩm cũ cạnh tranh với các sản phẩm mới. Bên cạnh đó, các hãng đồ xa xỉ không bao giờ kinh doanh đồng thời các sản phẩm bình dân. Cũng giống như việc Apple vừa khai tử iPhone SE, chiếc iPhone có giá bán 350 USD.
Chiếc lược của Apple có thể tác động xấu về lâu dài
Việc tăng giá bán sẽ giúp đem lại lợi ích trong thời gian ngắn hạn. Trong năm vừa qua, doanh thu từ việc bán iPhone của Apple tăng 13%, nhờ gần như hoàn toàn vào giá bán cao của iPhone X. Giá bán trung bình của iPhone cũng đã tăng lên 724 USD, so với hai năm trước là 600 USD.
Tuy nhiên về lâu dài, chiến lược này có thể gây ra những tác động xấu. Với những chiếc iPhone mới có giá bán rất cao, người tiêu dùng sẽ không thể nâng cấp thiết bị của họ thường xuyên. Việc bỏ ra tới 1.000 USD cho một chiếc smartphone không phải là điều dễ dàng, trong khi có rất nhiều lựa chọn khác hấp dẫn.
Trên thực tế, doanh số bán iPhone không thay đổi trong vòng 4 năm trở lại đây. Thậm chí doanh số bán iPhone 12 tháng kết thúc vào tháng 6 vừa qua, thấp hơn 2% so với cùng kỳ năm 2015. Thị trường đang bị đình trệ bởi suy thoái kinh tế và thất nghiệp, khiến cho người tiêu dùng tránh xa các mặt hàng xa xỉ.
100 USD có ý nghĩa vô cùng quan trọng
Sau khi khai tử iPhone SE có giá 350 USD, chiếc iPhone rẻ nhất hiện nay của Apple là iPhone 7 với giá bán 450 USD. Chênh lệch 100 USD có vẻ như không phải số tiền quá lớn, nhưng lại mang ý nghĩa rất quan trọng.
Các chuyên gia phân tích thị trường đã từng nhận định rằng, đối với các sản phẩm điện tử tiêu dùng, mối quan hệ giữa giá cả và doanh số bán hàng là theo cấp số mũ, không phải theo tỷ lệ thuận.
Nói cách khác, nếu giảm giá bán một thiết bị đi 2 lần, bạn sẽ thấy doanh số bán hàng của thiết bị đó tăng nhiều hơn 2 lần. Ngược lại, khi tăng giá bán lên 2 lần, doanh số bán hàng sẽ giảm nhiều hơn 2 lần.
Nói cách khác nữa, số lượng người tiêu dùng có thể mua một chiếc iPhone 450 USD là nhỏ hơn rất nhiều số lượng người tiêu dùng có thể mua một chiếc iPhone 350 USD. Với việc khai tử iPhone SE, Apple đã bỏ qua một phân khúc rất lớn những người dùng tiềm năng.
Các thị trường lớn như Mỹ hay Trung Quốc đã phát triển và ổn định, do đó tốc độ tăng trưởng không còn cao. Vì vậy các thị trường mới nổi như Ấn Độ với là đích ngắm của các hãng smartphone. Tuy nhiên tại đây, giá bán vẫn là yếu tố quan trọng nhất đối với người tiêu dùng.
Thương hiệu xa xỉ hay thương hiệu phổ biến?
Với việc công nghệ phát triển, các hãng smartphone đua nhau ra mắt các tính năng mới và đi kèm với giá bán cũng ngày càng tăng. Có thể việc một chiếc smartphone giá 1.000 USD sẽ sớm trở thành điều hiển nhiên và tất cả mọi người đều chấp nhận được.
Nhưng hiện tại thì iPhone Xs, Xs Max hay thậm chí iPhone Xr vẫn là một món đồ xa xỉ, đặc biệt là tại các thị trường như Ấn Độ. Bên cạnh đó việc khai tử iPhone SE giá rẻ, càng khiến cho Apple khó tiếp cận với một bộ phận lớn khách hàng tiềm năng.
Các thiết bị giá rẻ có thể không đem lại lợi nhuận khổng lồ, nhưng nó lại là cách giúp khách hàng tiếp cận vào hệ sinh thái. Chúng ta đều biết Apple còn kinh doanh các dịch vụ như Apple Music hay iCloud. Mảng dịch vụ chiếm tới 14% tổng doanh thu và có tốc độ tăng trưởng 31%.
Các nhà sản xuất smartphone khác như Xiaomi cũng sử dụng chiến lược thương hiệu phổ biến để có càng nhiều người sử dụng thiết bị của mình càng tốt, nhờ đó kiếm lợi nhuận từ các dịch vụ trên thiết bị.
Apple có thể sẽ tiếp tục đạt lợi nhuận khổng lồ trong quý tiếp theo. Nhưng về lâu dài, chiến lược kinh doanh này có thể sẽ khiến Apple phải trả giá.
Tham khảo: Business Insider