Chiếc bồn cầu kỳ lạ của người Đức khiến mọi du khách phải sợ hãi và đây là lý do thực sự đằng sau

J.D, Theo Helino 00:35 05/01/2019

Hỏi 10 người thì có lẽ đến quá nửa cho rằng mối lo lớn nhất của họ khi đi du lịch là... chuyện đi cầu.

"Đi cầu" vốn là một trong những nhu cầu căn bản của loài người. Nhưng khổ nỗi nhiều người chỉ có thể "đi" được trên chiếc bồn cầu quen thuộc nhà mình, còn khi đi xa thì lại không thể. Việc này có căn cứ khoa học hẳn hoi: do hệ vi sinh trong người bị loạn nhịp vì những căng thẳng chuyến đi gây ra.

Nêu vậy để thấy rằng cái nhu cầu cơ bản này bị chi phối bởi nhiều yếu tố, trong đó tâm lý chiếm vai trò quan trọng. Và đó cũng chính là lý do vì sao chiếc bồn cầu của người Đức lại khiến cho mọi khách du lịch phải sợ hãi.

Tại sao ư? Vì hình dạng của nó như thế này cơ mà...

Chiếc bồn cầu kỳ lạ của người Đức khiến mọi du khách phải sợ hãi và đây là lý do thực sự đằng sau - Ảnh 1.

Phàm là người sau khi giải quyết, chẳng ai muốn quay lại nhìn những gì mình đã thải ra. Đến đây thì chắc bạn cũng hiểu tôi đang nói gì rồi chứ? Không giống những chiếc bồn cầu thông thường, một số bồn cầu tại Đức được thiết kế với cái gọi là "bệ đỡ phân".

Và với kiểu thiết kế như vậy thì trừ phi... ngồi ngược lại, bạn sẽ buộc phải nhìn thấy những phần cặn bã nằm chễm chệ trên phần sứ của bồn cầu, đồng thời chắc chắn phải chịu rủi ro giật nước cũng không trôi được hết. Trôi thứ gì thì... tự hiểu.

Thực ra thì không chỉ ở Đức, mà chiếc bồn cầu loại này có thể được tìm thấy tại Áo và Hà Lan nữa. Tuy nhiên, thiết kế này là do người Đức nghĩ ra (gọi là Flachspüler hoặc Hochspüler), nên "giang hồ" còn đặt cho nó một tên gọi khác là "bồn cầu kiểu Đức".

Nhưng tại sao lại có kiểu thiết kế bồn cầu quá "dị" thế này?

Mọi chuyện hoàn toàn có lý do. Tại châu Âu trước kia, việc nhiễm giun sán là cực kỳ phổ biến, do các cộng đồng sống đặt hệ thống nước thải ra sông, rồi cũng dùng chính nguồn nước ấy để sinh hoạt. Mãi cho đến cuối thế kỷ 19, người ta mới nhận ra điều đó, và mọi chuyện mới dần trở nên khá hơn.

Thiết kế bồn cầu kiểu Flachspüler ra đời trong giai đoạn này. Phần bệ đỡ sẽ đóng vai trò như đĩa khám nghiệm, cho phép người sử dụng tự kiểm tra phân của mình để xem có bị nhiễm giun sán không. Ngoài ra, tình trạng sức khỏe của cũng được thể hiện của tình trạng của phân - màu sắc, kết cấu... Nhờ vậy, người Đức mới trở thành một trong những quốc gia có tình trạng sức khỏe tốt nhất.

Tuy nhiên cũng không cần quá lo lắng nếu đến Đức du lịch đâu. Sau này, y học dần tiến bộ đã khiến chiếc bồn cầu này mất dần giá trị. Hiện tại, chỉ một vài nơi là vẫn còn sử dụng bồn cầu có thiết kế như vậy thôi.

Tham khảo: Quora, Toilet Historic