Hơn 200 người được giải cứu khỏi các trung tâm lừa đảo ở Myanmar vẫn mắc kẹt tại biên giới Thái Lan

An Khê, Theo vtv.vn 08:21 01/07/2025
Chia sẻ

Sau nhiều đợt truy quét các trung tâm lừa đảo ở miền Đông Myanmar, hơn 200 người nước ngoài được giải cứu vẫn đang mắc kẹt tại khu vực biên giới giáp Thái Lan, trong khi chờ được hồi hương.

Các nạn nhân được giải cứu khỏi các trung tâm lừa đảo ở Myanmar. (Ảnh: AP)

Các nạn nhân được giải cứu khỏi các trung tâm lừa đảo ở Myanmar. (Ảnh: AP)

Nhóm phiến quân Karen National Army (KNA), lực lượng kiểm soát khu vực Myawaddy và đứng ra bảo trợ quá trình giải cứu, cho biết họ hiện đang chăm sóc 216 người, trong đó có công dân Trung Quốc, Philippines và Indonesia...

Trong thời gian qua, các mạng lưới tội phạm đã lôi kéo và buôn người quy mô lớn từ khắp nơi trên thế giới vào những "trung tâm làm việc" trá hình ở Myanmar hay Campuchia. Theo Liên hợp quốc, hàng trăm ngàn người đã bị ép buộc làm việc trong các mô hình lừa đảo trực tuyến như đầu tư giả, tình yêu ảo hay cờ bạc phi pháp…

Những nạn nhân, phần lớn bị lừa sang làm việc, sau đó bị giữ giấy tờ tùy thân và cưỡng ép lao động. Họ sống trong điều kiện tồi tệ, bị đe dọa, chích điện, hành hung… nếu không tuân theo mệnh lệnh của tổ chức.

Theo thông báo của quân đội Thái Lan ngày 20/6, khoảng 260 người thuộc hơn 20 quốc tịch khác nhau đã được đưa từ Myanmar về tỉnh Tak - nơi giáp ranh với khu vực Myawaddy. Những người này phần lớn đến từ Ethiopia, Kenya, Philippines, Malaysia, Pakistan, Trung Quốc, Indonesia, Nepal, Đài Loan (Trung Quốc), Uganda, Lào, Brazil, Burundi, Tanzania, Bangladesh, Campuchia, Sri Lanka, Nigeria, Ghana và Ấn Độ.

Truyền thông Thái Lan cho biết, lực lượng KNA - một nhóm vũ trang sắc tộc đang kiểm soát khu vực này ở Myanmar - là đơn vị đã tổ chức giải cứu và bàn giao các nạn nhân cho phía Thái Lan. Myanmar hiện nay có nhiều khu vực biên giới gần như nằm ngoài quyền kiểm soát của chính phủ quân sự, do các nhóm vũ trang thiểu số chiếm giữ. Trong đó, một số nhóm vũ trang bị nghi ngờ tham gia vào các hoạt động tội phạm, bao gồm cả việc bảo vệ các đường dây lừa đảo và buôn bán ma túy.

Hơn 200 người được giải cứu khỏi các trung tâm lừa đảo ở Myanmar vẫn mắc kẹt tại biên giới Thái Lan- Ảnh 2.

Các nạn nhân Indonesia được giải cứu và hồi hương hồi tháng 2/2025. (Ảnh: AP)

Các cuộc truy quét từ đầu năm 2025 là một phần trong chiến dịch lớn hơn đang được nhiều nước trong khu vực phối hợp thực hiện nhằm dẹp bỏ các tổ chức tội phạm hoạt động tại Đông Nam Á. Trước đó, vào cuối năm 2023, Trung Quốc đã gây áp lực mạnh mẽ lên Myanmar sau khi báo chí nước này phanh phui nhiều casino và trung tâm lừa đảo tại bang Shan - khu vực giáp biên với Trung Quốc. Kết quả, khoảng 45.000 công dân Trung Quốc bị nghi liên quan đến hoạt động phạm pháp đã bị trục xuất về nước.

Trong tháng 2 năm nay, Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra khi sang thăm Trung Quốc đã cùng Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết hợp tác triệt phá các mạng lưới lừa đảo đang hoành hành ở khu vực.

Trước chuyến đi này, chính phủ Thái Lan cũng đã ra lệnh cắt điện, internet và khí đốt tại nhiều khu vực biên giới phía Bắc, nơi được cho là có nhiều trung tâm lừa đảo hoạt động.

Theo tuyên bố từ quân đội Thái Lan, những người được giải cứu sẽ phải trải qua quá trình thẩm vấn nhằm xác định có thực sự là nạn nhân của nạn buôn người hay không. Nếu được xác nhận, họ sẽ được đưa vào diện bảo vệ và hỗ trợ, đồng thời chờ đợi các thủ tục hồi hương do quốc gia của họ phụ trách.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan, ông Phumtham Wechayachai, hồi tháng 2 tuyên bố rõ ràng rằng Thái Lan sẽ không xây dựng thêm trại tị nạn mới cho các nạn nhân này. "Chúng tôi sẽ chỉ tiếp nhận những người mà quốc gia của họ sẵn sàng đón về ngay lập tức", ông phát biểu trong chuyến thăm tỉnh Sa Kaeo giáp Campuchia.

Thái Lan đã duy trì 9 trại tị nạn dọc biên giới, nơi đang cưu mang hơn 100.000 người, chủ yếu là người thiểu số Karen từ Myanmar.

Phó Thủ tướng Phumtham cũng nhấn mạnh: "Chúng tôi không chỉ hỗ trợ họ trở về mà còn cần thông tin từ họ để phục vụ cho công tác điều tra các đường dây buôn người và trung tâm lừa đảo".

Hơn 200 người được giải cứu khỏi các trung tâm lừa đảo ở Myanmar vẫn mắc kẹt tại biên giới Thái Lan- Ảnh 3.

Các nạn nhân phải sống trong điều kiện tồi tàn trong các trung tâm lừa đảo ở biên giới Thái Lan - Myanmar. (Ảnh: AP)

Vào tuần trước, Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra cho biết chính quyền của bà đang có kế hoạch cắt giảm nguồn cung cấp điện cho các hoạt động bất hợp pháp ở Campuchia, sau khi quan hệ giữa hai nước láng giềng xấu đi nghiêm trọng do các tranh chấp về biên giới.

Trong thời gian qua, nhiều vụ việc đau lòng được phơi bày trên mạng xã hội, đặc biệt là các công dân Trung Quốc bị lừa sang Bangkok để rồi bị ép làm việc trong các trung tâm lừa đảo ở Myanmar. Một trong những trường hợp nổi bật là nam diễn viên Trung Quốc Wang Xing, người may mắn được giải cứu sau khi câu chuyện của anh lan truyền mạnh mẽ trên mạng.

Từ hàng trăm người bị nhốt trong các tòa nhà kín cổng cao tường, không điện, không mạng, đến những câu chuyện trốn chạy trong tuyệt vọng, cuộc chiến chống lại "nạn nô lệ kỹ thuật số" tại Đông Nam Á vẫn còn rất dài.

Dù đã giải cứu hàng nghìn người, lực lượng Karen cho biết vẫn còn hơn 200 nạn nhân đang chờ được hồi hương - một con số nhỏ so với quy mô khổng lồ của vấn nạn này.

Các chuyên gia Liên hợp quốc ước tính: những trung tâm lừa đảo này đã chiếm đoạt hàng chục tỷ USD từ nạn nhân khắp thế giới, và vẫn tiếp tục hoạt động ngầm nếu không có sự phối hợp mạnh mẽ giữa các quốc gia.

Trong lúc đó, những nạn nhân sống sót vẫn đang ngóng chờ ngày được trở về quê hương, mang theo cả nỗi ám ảnh lẫn khát khao được bắt đầu lại từ đầu.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày