"Chỉ với 50k tiền mặt trong ví, bạn làm sao để sống trong 15 ngày?": Câu trả lời khác biệt nhưng cực thực tế khiến người tuyển dụng bật cười

Dương Mộc, Theo Trí Thức Trẻ 15:35 19/06/2022

Trong nhiều trường hợp, cách tư duy đơn giản nhưng thực tế sẽ thuyết phục số đông.

Với các ứng viên có nhu cầu tìm việc, chắc chắn họ cần phải chuẩn bị đầy đủ các cách gây ấn tượng với người phỏng vấn chỉ trong vài phút phỏng vấn ngắn ngủi. Và đối với người phỏng vấn, làm thế nào để sàng lọc và phát hiện những điểm sáng thích hợp cho vị trí tuyển dụng chỉ trong một vài câu hỏi phỏng vấn cũng là kỹ năng vô cùng quan trọng.

Là người chân ướt chân ráo, mới tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Marketing, Tiểu Liên nộp hồ sơ ứng tuyển vào một công ty có tiếng và tham gia phỏng vấn với tâm lý hồi hộp, lo lắng không ngừng.

Trong những vòng tuyển dụng đầu tiên, không có gì bất thường xảy ra, Tiểu Liên vận dụng hết tất cả những kỹ năng mà mình đã chuẩn bị để may mắn qua cửa. Thế nhưng, đến cuộc phỏng vấn cuối cùng, người phụ trách lại chính là Giám đốc của bộ phận tiếp thị.

Thay vì đưa ra một câu hỏi về kỹ năng chuyên ngành hoặc tình huống công việc cụ thể, ví dụ như "Làm thế nào để tìm kiếm khách hàng?" hay "Cách thương lượng khiến khách hàng dễ bị thuyết phục?",... Vị Giám đốc lại đột ngột hỏi rằng: "Nếu trong ví bạn chỉ có duy nhất 50 ngàn đồng tiền mặt, bạn phải làm thế nào để sống trong 15 ngày?".

Phản ứng đầu tiên của mọi người đều vô cùng bất ngờ. Đại đa số đều phủ nhận khả năng chỉ tiêu dùng 50 ngàn đồng mà có thể sống được nửa tháng.

Một ứng viên cho biết: "Chỉ riêng một bữa ăn sáng bây giờ đã mất 10 ngàn đồng mua ổ bánh mì rồi, ăn tiêu dè sẻn lắm thì cùng lắm là sống được 1 - 2 ngày mà thôi, đấy là còn chưa tính tiền xăng xe đi lại gì cả".

Chỉ với 50k tiền mặt trong ví, bạn làm sao để sống trong 15 ngày?: Câu trả lời khác biệt nhưng cực thực tế khiến người tuyển dụng bật cười - Ảnh 1.

Một ứng viên khác thì đăm chiêu suy nghĩ. Anh ta biết rằng mỗi câu hỏi mà người phỏng vấn đưa ra đều có thể liên kết tới công việc và vị trí ứng tuyển. Do đó, anh ta cũng cần dựa trên khía cạnh này để tư duy tìm ra câu trả lời.

Và ứng viên này mạnh dạn đưa ra 3 giải pháp:

"Đầu tiên: Mua 5 tờ A4 với giá 5 ngàn đồng, và bỏ thêm 5 ngàn mua bút. Tiếp theo tôi sẽ trao đổi với các hộ kinh doanh cá thể nhỏ lẻ xung quanh và dùng giấy bút vẽ lên một kế hoạch tiếp thị để tăng số lượng khách hàng trong cửa hàng lên 50%. Chỉ cần thuyết phục được một người mua lại kế hoạch đó là đủ tiền sống qua nửa tháng rồi.

Thứ hai: Đến một quán cà phê Internet để sử dụng máy tính kết nối mạng, tận dụng kỹ năng thiết kế và chỉnh sửa ảnh để nhận các đơn đặt hàng trực tuyến có liên quan, ví dụ như giúp người khác thiết kế tờ rơi, thế là có thể kiếm thêm được vài trăm ngàn mỗi ngày.

Thứ ba: Trước công ty có một cửa hàng đang đăng biển cần tìm người chuyển nhượng, tôi có thể hỗ trợ chủ cửa hàng tìm kiếm khách hàng thích hợp dựa vào những mối quan hệ sẵn có của mình và tham gia đàm phán, sau đó nhận một khoản hoa hồng".

Vị Giám đốc có chút ấn tượng với câu trả lời này. Tuy các giải pháp mà người đàn ông đưa ra đều chỉ mang tính lý thuyết, mức độ khả thi khi áp dụng trong thực tiễn chưa cao, nhưng ít ra, anh ta đã đạt được 2 ưu điểm:

Thứ nhất, anh ta biết cách làm nổi bật những điểm mạnh của mình. Thông qua 3 giải pháp, có thể thấy ứng viên này muốn cho nhà tuyển dụng biết rằng, mình có khả năng lập kế hoạch kinh doanh, thiết kế và chỉnh sửa ảnh chuyên nghiệp, có kỹ năng khoanh vùng và tìm kiếm khách hàng, từng có kinh nghiệm thuyết phục và tham gia đàm phán, thương thảo hợp đồng, cũng như có mạng lưới quan hệ rộng khắp trong ngành.

Thứ hai, ứng viên này cũng thể hiện năng lực quan sát và sự chu đáo của mình khi nhanh chóng nắm bắt được tình hình quanh công ty, nhận thấy một cửa hàng gần đó có nhu cầu chuyển nhượng. Đây có thể là một hành động tưởng chừng bình thường, nhưng nó đã được chuyển hóa trở thành cơ hội để gia tăng hiệu quả của chính bản thân ứng viên.

Anh chàng này sau khi trả lời xong cũng khá tỏ vẻ tự tin, khá hài lòng với những gì mình trình bày.

Chỉ với 50k tiền mặt trong ví, bạn làm sao để sống trong 15 ngày?: Câu trả lời khác biệt nhưng cực thực tế khiến người tuyển dụng bật cười - Ảnh 2.

Ở lượt trả lời cuối cùng, Tiểu Liên là một trong những ứng viên còn sót lại. Trong khi rất nhiều người đánh mất tự tin, do dự không đưa ra được đáp án thì cô chỉ bình thản mỉm cười và nói: "Điều này có vẻ vô cùng đơn giản với tôi. Có những lúc, tôi sinh hoạt cả tháng trời chỉ với một tờ 50 ngàn đồng trong ví nữa là".

Khi mọi người tỏ vẻ ngạc nhiên, Tiểu Liên tiếp tục: "Đơn giản mà, vì tôi chỉ cần quẹt thẻ hoặc sử dụng các phần mềm thanh toán online thôi. Bây giờ, đến trạm xăng còn có thể nhận tiền từ ví điện tử mà. Tiền mặt chẳng hề có nhiều tác dụng đến thế trong đời sống sinh hoạt của tôi".

Sau khi nghe câu trả lời của Tiểu Liên, mọi người trong phòng phỏng vấn đều bật cười. Họ bị ấn tượng bởi câu trả lời độc đáo và hoàn toàn khác biệt nhưng lại không kém phần thực tế của cô.

Khác với cách tiếp cận vấn đề của những ứng viên còn lại khi không ngừng đưa ra giải pháp đầu tư, tiết kiệm, Tiểu Liên chỉ đơn giản nhìn nhận câu hỏi bằng chính đời sống thực tiễn của mình. Thông qua đó, cô không chỉ thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy cách giải quyết, xử lý vấn đề thông minh mà còn sở hữu một lối tư duy đầy sáng tạo.

Khi đưa ra câu hỏi khó, họ chỉ nêu lên yếu tố "tiền mặt trong ví" mà hoàn toàn không đề cập tới cách thức tiêu dùng khác như thẻ ATM, các app thanh toán,... Do đó, Tiểu Liên có thể tận dụng lỗ hổng này mà đề xuất một câu trả lời đi ngược hoàn toàn với số đông, nhưng đúng đến nỗi không ai phản bác được.

Đối với các câu hỏi phỏng vấn mở, ứng viên không nên bó khuôn suy nghĩ của mình. Họ hoàn toàn có thể đưa ra những câu trả lời thực tế nhất theo cách hiểu của mình, từ đó tạo ra sự sáng tạo bằng những con đường đột phá nhất không ai ngờ tới. Và lối tư duy của ứng viên cuối cùng đã là minh chứng rõ ràng nhất cho điều đó khi gây ấn tượng tốt cho nhà tuyển dụng.