Chỉ từ 14 con sói, cả một công viên quốc gia đã thay đổi theo cái cách đáng mừng nhất thế kỷ

J.D, Theo Helino 16:02 19/10/2018

Tại sao sói lại có ý nghĩa tích cực đến thế tại vườn quốc gia Yellowstone?

Với người Mỹ, Yellowstone là một cái tên có nhiều ý nghĩa. Đó vừa là tên của một siêu núi lửa vẫn đang hoạt động mạnh nhất hiện nay, vừa là một công viên quốc gia bảo tồn động vật hoang dã. Trên hết, đó còn là một phòng thí nghiệm khoa học hết sức đặc biệt đối với giới khoa học.

Chính tại căn phòng đặc biệt này, các nhà khoa học đã thực hiện những thử nghiệm về hệ sinh thái, và đến nay đã thu được kết quả được đánh giá là "đáng mừng nhất trong lịch sử".

Cụ thể, nhà sinh thái học Mark Boyce tại ĐH Alberta đã dựa trên dữ liệu lưu trữ hơn 40 năm tại Công viên quốc gia Yellowstone, từ đó tìm hiểu việc tái sinh loài sói ở công viên có ảnh hưởng gì. Các cặp sói được đưa vào đây từ năm 1995, và kết quả cho thấy chúng đã đem lại những hiệu ứng tích cực chưa từng thấy.

Chỉ từ 14 con sói, cả một công viên quốc gia đã thay đổi theo cái cách đáng mừng nhất thế kỷ - Ảnh 1.

"Yellowstone đã thu lợi quá nhiều từ việc loài sói xuất hiện, theo cái cách không ai ngờ tới," - trích lời Boyce.

Được biết, sói tại Yellowstone chưa bao giờ quá đông đúc. Vào năm 1872, khi Yellowstone được định danh là công viên quốc gia thì vẫn chưa có quy định nào để quản lý và bảo vệ động vật hoang dã tại đây. Hệ quả là chỉ sau vài thập kỷ, hàng ngàn con sói đã bị giết hại, khiến loài vật này rơi vào thảm cảnh tuyệt chủng cục bộ (biến mất khỏi một khu vực) vào năm 1926.

Chỉ từ 14 con sói

Việc loài sói biến mất đã đem đến quá nhiều hệ luỵ cho khu công viên này. Khi không còn loài săn mồi hùng mạnh nhất, các loài ăn cỏ như nai sừng tấm phát triển cực kỳ mạnh, dẫn đến sự hủy diệt của nhiều loài thực vật. Đất đai bị xói mòn, và hệ lụy tiếp tục lan ra theo hiệu ứng dây chuyền. 

Mọi chuyện chỉ thay đổi khi chính quyền địa phương ra quyết định tái bổ sung loài sói vào hệ sinh thái nơi đây.

"Năm 1995, 14 con sói từ Alberta đã được đưa vào Yellostone. năm 1996, 17 con sói Canada được bổ sung," - Boyce cho biết. 

Trong vòng 5 năm, 31 con sói đã sinh sản nhanh chóng, tạo ra nhiều đàn tung hoành khắp công viên. Chúng làm giảm số lượng nai sừng tấm xuống, đưa hệ sinh thái và chuỗi thức ăn trở lại trạng thái cân bằng.

Chỉ từ 14 con sói, cả một công viên quốc gia đã thay đổi theo cái cách đáng mừng nhất thế kỷ - Ảnh 2.

Sói giúp làm hạn chế số lượng nai sừng tấm, từ đó giải cứu được hệ sinh thái

Theo báo cáo mới đây của Boyce, ông cho biết các loài cây thân gỗ họ liễu và bông trong rừng là những loài được hưởng lợi nhiều nhất khi sói xuất hiện. Bò rừng bison cũng "sướng" hơn, khi được giảm bớt sự cạnh tranh từ nai sừng tấm.

Cuối báo cáo, ông đưa ra kết luận: "Đây là một trong những kết quả quan trọng và đáng mừng nhất thế kỷ trong công tác bảo tồn thiên nhiên."

Lo ngại từ các nhà khoa học khác

Dù kết quả thật đáng mừng, nhưng hóa ra cũng có nhiều nhà nghiên cứu tỏ ra bi quan. 

"Câu chuyện này hơi lãng mạn quá," - Dan McNulty, nhà sinh thai học từ ĐH Utah cho biết. "Nó sẽ không xảy ra trong thế giới này đâu."

Theo McNulty, có vẻ như mọi người đang thần thánh hóa sự xuất hiện của sói, trong khi hệ sinh thái của Yellowstone phức tạp hơn thế.

Chỉ từ 14 con sói, cả một công viên quốc gia đã thay đổi theo cái cách đáng mừng nhất thế kỷ - Ảnh 3.

"Nai sừng tấm ngày càng hung dữ hơn, hệ sinh thái của Yellostone thì ngày càng phức tạp," - Arthur Middleton từ ĐH California, Berkeley đồng tình.

"Khi đưa ra câu chuyện của sói, chúng ta vô tình xao lãng những vấn đề lớn hơn xung quanh. Trong khi đó, vấn đề thực sự với hệ sinh thái ở đây lại chính là con người."

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Mammalogy.

Tham khảo: Science Alert, National Geographic