Nổi tiếng với những quy định khắt khe để bảo vệ môi trường, Đức là một trong những quốc gia đem lại tiêu chuẩn sống cao nhất nhì châu Âu nói riêng, cũng như toàn thế giới nói chung. Một trong số những quy định đã tạo nên quốc gia sạch này chính là chính sách tái chế những chai nước mà người dân sử dụng hàng ngày.
Được thông qua từ năm 2002 và chính thức áp dụng vào đầu năm 2003, quy định Einwegpfand đã được áp dụng trên khắp nước Đức.
Theo đó, điều luật này quy định mỗi chai nước bán ra sẽ “cõng” thêm một khoản phí nhỏ, thường là 0,25 Euro (hơn 6.000 đồng). Khoản này có thể được hoàn lại cho người mua nếu họ đem những chai nước có in biểu tượng đặc trưng trên nhãn mác.
Lấy ví dụ một chai nước khoáng 1,5L có giá là 0,19 Euro (khoảng 4.700 đồng). Khách hàng khi thanh toán hóa đơn sẽ phải trả khoản phí tổng cộng là 0,44 Euro (gần 11 nghìn đồng). Tuy nhiên, nếu chịu khó giữ lại vỏ chai và đem đi đổi, khoản phí 0,25 Euro cộng thêm sẽ được hoàn lại hoàn toàn.
Quy định này đã trở thành động lực cho những người dân Đức tự giác đem những chai, lọ đồ uống tới các chuỗi siêu thị để được hoàn tiền. Theo đó, một số chuỗi siêu thị phổ biến tại quốc gia này như Rewe, Netto đều có lắp đặt thiết bị quét mã vạch.
Theo đó, chỉ cần cho lần lượt từng chai nước vào, cỗ máy trên sẽ tự động quét mã vạch trên nhãn mác, sau đó ép vụn vỏ chai để phục vụ mục đích tái chế. Cuối cùng, khách mua hàng sẽ nhận được một phiếu có mã vạch để giảm giá tương ứng cho mỗi lần thanh toán.
Cũng chính vì vậy, những người vô gia cư tại Đức đã có thêm một cách kiếm tiền trang trải cho cuộc sống mới, đó là đi nhặt vỏ chai nước, tương tự nghề “ve chai” tại Việt Nam. Tuy nhiên, chai, lọ tái chế tại Đức có thể được hoàn tiền dễ dàng hơn, với mức phí cố định.