Câu nói "Chỉ 100K thôi mà, sau đó là cả tháng lương" phản ánh một tâm lý tiêu dùng rất phổ biến ở giới trẻ hiện nay: Chi tiêu theo cảm xúc, tặc lưỡi cho qua những khoản nhỏ vì nghĩ rằng "chẳng đáng bao nhiêu". Tuy nhiên, chính thói quen này lại âm thầm "đục khoét" ví tiền, khiến cuối tháng nhiều người rơi vào cảnh trắng tay, không tiết kiệm được đồng nào.
Người trẻ thường có xu hướng sống trong khoảnh khắc, ưu tiên cảm giác hài lòng tức thì hơn là kế hoạch dài hạn. Khi thấy một món đồ hay trải nghiệm hấp dẫn, họ dễ tự nhủ: "Chỉ 100K thôi, không đáng kể so với lương cả tháng". Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, 100K không chỉ xuất hiện một lần. Nó lặp lại qua nhiều tình huống: Hôm nay là ly cà phê sữa 80K, ngày mai là chiếc áo sale 120K, cuối tuần là bữa ăn vặt với bạn bè thêm 150K. Cứ thế, những khoản "nhỏ nhặt" này cộng dồn, khiến tổng chi tiêu vượt xa dự tính.
Có thể nhanh chóng tìm thấy những vị dụ cụ thể về các khoản chi 100K (n lần chi ra) trong 1 tháng trong bảng chi tiêu của bất cứ ai:
Cà phê/đồ uống hàng ngày : Một ly trà sữa full topping hay cà phê take-away khoảng 50K-100K. Uống 3-4 lần/tuần, mỗi tháng đã ngốn 600K-1 triệu. Mua sắm online : Một chiếc ốp lưng điện thoại xinh xắn 90K, một đôi khuyên tai 120K trên Shopee. Thấy rẻ, tiện tay đặt, nhưng mỗi tuần một món nhỏ đã thành 500K/tháng.
Ăn uống giao hàng : Đặt một bữa trưa 80K qua app vì "lười nấu", cuối tuần thêm một lần gà rán 150K. Tính ra, chỉ riêng đồ ăn giao cũng có thể "ngốn" 1-2 triệu/tháng.
Giải trí tức thời : Vé xem phim 100K, một lần đi escape room với bạn bè 150K/người. Chỉ cần 2-3 lần/tháng, con số đã lên tới 500K-700K.
Khi những khoản 100K được chi liên tục mà không có kiểm soát, cuối tháng người trẻ thường rơi vào tình trạng "cháy túi". Tiền lương vừa nhận tưởng chừng dư dả, nhưng chỉ sau 2-3 tuần đã hết sạch, thậm chí phải vay mượn hoặc "cày" thêm việc để bù.
Điều đáng nói là họ không nhận ra vấn đề nằm ở thói quen "tặc lưỡi", mà thường đổ lỗi cho lương thấp hoặc giá cả đắt đỏ. Kết quả: không tiết kiệm được, không có quỹ dự phòng cho những tình huống khẩn cấp.
Để tránh rơi vào vòng xoáy "100K không đáng bao nhiêu", người trẻ cần thay đổi cách tiếp cận với tiền bạc.
Áp dụng quy tắc 50/30/20 :
50% lương cho nhu cầu thiết yếu (tiền nhà, ăn uống cơ bản, đi lại). 30% cho sở thích cá nhân (cà phê, mua sắm, giải trí). 20% tiết kiệm hoặc đầu tư. Ngay khi nhận lương, hãy trích 20% này ra trước, coi như "trả cho tương lai của mình".
Đặt giới hạn cho các khoản "tặc lưỡi" :
Quy định mỗi tuần chỉ được chi 200K-300K cho những thứ không thiết yếu (trà sữa, đồ ăn vặt). Hết hạn mức thì dừng, không tự biện minh "thêm lần này nữa thôi". Tự làm thay vì mua ngoài: Thay vì bỏ 80K cho một ly cà phê, tự pha ở nhà với chi phí chỉ 10K-20K/lần. Vừa rẻ, vừa có thể tùy chỉnh theo sở thích.
Nấu ăn đơn giản thay vì đặt đồ giao hàng, tiết kiệm được 50%-70% chi phí. Săn deal thông minh: Nếu thích mua sắm, tận dụng các đợt sale lớn (như 4/4, 11/11) thay vì mua lẻ tẻ. Nhưng nhớ lập danh sách trước để tránh "vung tay quá trán".
Dùng app quản lý chi tiêu : App chi tiêu giúp bạn ghi lại từng khoản chi, từ 10K đến 100K. Nhìn con số tổng kết mỗi tuần, bạn sẽ giật mình và tự giác điều chỉnh.
Tạo động lực tiết kiệm : Đặt mục tiêu cụ thể như mua điện thoại mới, đi du lịch cuối năm.
Mỗi lần muốn chi 100K, hãy tự hỏi: "Món này có đáng để mình trì hoãn ước mơ lớn hơn không?".
Lối tiêu dùng "tặc lưỡi" 100K của người trẻ không xấu, nhưng nếu không kiểm soát, nó sẽ biến thành "kẻ trộm thầm lặng" cướp đi cơ hội tài chính lâu dài. Trong bối cảnh kinh tế 2025 có thể còn nhiều biến động, việc chi tiêu khéo léo không chỉ giúp bạn "ấm ví" mà còn tạo nền tảng vững chắc cho tương lai. Hãy bắt đầu từ những thay đổi nhỏ: Thay vì "chỉ 100K thôi mà", hãy thử nghĩ "100K này để dành được không?".
Biết đâu, cuối tháng bạn sẽ bất ngờ với số tiền còn lại trong tài khoản!