Chế giễu ngoại hình từ câu chuyện về nàng tiên cá da màu trên phim

Hải Yến, Tài Vũ, Ngọc Phức, Bằng Việt, Theo VTV 15:05 07/06/2023
Chia sẻ

Với những ai đã từng là nạn nhân của nạn miệt thị ngoại hình (body-shaming), chắc chắn sẽ cảm thông với điều này.

Những ngày qua, hình ảnh của nàng tiên cá trong bộ phim điện ảnh của Disney mới công chiếu xuất hiện dày đặc trên các diễn đàn mạng xã hội. Nhưng rất ít bài đăng trong số đó nói về diễn xuất hay nội dung bộ phim mà chỉ nhằm chế giễu tạo hình của một nàng tiên cá không còn trắng trẻo và tóc đỏ như bản hoạt hình kinh điển.

Và hãng Disney chắc cũng không ngờ rằng, phim của mình giờ hứng bão 1 sao từ khán giả trên các chuyên trang đánh giá, một phần cũng vì nàng tiên cá da màu. Dĩ nhiên, việc không thích và chê tạo hình nhân vật là chuyện rất bình thường, nhưng nếu công kích và miệt thị ngoại hình một con người thì đó lại là văn hóa không đẹp. Với những ai đã từng là nạn nhân của nạn miệt thị ngoại hình (body-shaming), chắc chắn sẽ cảm thông với điều này.

Những ý kiến trái chiều xung quanh màu da của Halle Bailey - người đóng nàng tiên cá Ariel vốn đã nổ ra ngay từ giữa năm 2019, khi Disney công bố các diễn viên. Disney thì kiên quyết rằng, việc này là để thể hiện quan điểm phản đối trước nạn "Whitewashing" - tạm dịch là "tẩy trắng", vốn bị xem là căn bệnh của Hollywood, khi chỉ ưu tiên hình tượng da trắng. Ariel da màu được kỳ vọng sẽ truyền đi thông điệp "Ai cũng có thể trở thành công chúa".

Chế giễu ngoại hình từ câu chuyện về nàng tiên cá da màu trên phim - Ảnh 1.

Nhưng ở chiều ngược lại, các ý kiến phản đối cho rằng Disney chỉ đang cố chiêu trò bằng chính màu da của diễn viên bởi nếu muốn thể hiện quan điểm văn minh của mình thì không thiếu phim hoạt hình có nhân vật không phải da trắng để chuyển thể. Disney lại đang cố tình phá hỏng hình tượng nàng tiên cá đã gắn với tuổi thơ. Và thế là bỗng nhiên, nữ chính Halle Bailey hứng chịu sự miệt thị ngoại hình và phân biệt chủng tộc còn nặng nề hơn bất cứ khi nào.

Trên các diễn đàn mạng, các bình luận công kích nhan sắc Ariel mới thực sự rõ rệt. Nhẹ nhàng nhất là so sánh với nữ phản diện, tăng cấp hơn thì dùng từ "thuỷ quái" hay "cá la hán", còn tệ nhất là chế ảnh diễn viên để châm chọc và miệt thị. Đó là cách cư xử của người lớn, nhưng liệu chúng ta có quên mất rằng đây là một bộ phim dành cho thiếu nhi.

Yêu, ghét, xấu, đẹp đó là cảm xúc và nhận định của mỗi người. Nhưng chắc chắn trẻ con vốn không có định kiến bởi chúng chỉ là những từ giấy trắng và luôn được dạy ở trường về cách cư xử. Sự văn minh còn lại mà chúng học hỏi sẽ chính từ những người lớn xung quanh.

Cuối cùng, hãy nói xa hơn một chút về tiêu chuẩn của sắc đẹp. Để chúng ta có một cái nhìn khách quan hơn về "vẻ đẹp", từ đó cũng có cách ứng xử văn minh hơn trước khi bình phẩm về một người phụ nữ nào đó, nhất là ở những chỗ công cộng như mạng xã hội.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày