Cháy rừng quy mô lớn và dữ dội, khói lan khắp khu vực Bắc bán cầu

Quỳnh Chi, Theo VTV 08:23 25/07/2024
Chia sẻ

Nhiều vụ cháy rừng dữ dội đã xảy ra trong nửa đầu mùa hè ở vùng Bắc bán cầu, mang theo lượng khói khổng lồ bay khắp khu vực châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ.

Nghiên cứu của Dịch vụ giám sát khí quyển Copernicus (CAMS) cho thấy các vụ cháy rừng quy mô lớn và dữ dội đã phát triển trong suốt thời gian cuối mùa xuân và mùa hè, trong đó nhiều đám cháy bùng cháy ở Canada, Alaska và miền Đông nước Nga.

Những vụ cháy rừng này thường xảy ra do điều kiện nóng và khô kéo dài ở các khu vực có thảm thực vật mọc cao, dẫn đến lượng khí thải carbon và khói cháy rừng tăng lên. Khói cũng đã bắt đầu lan rộng hơn nhiều về phía Bắc, vượt qua Bắc Băng Dương đến vùng cao Bắc Cực.

Lượng khí thải từ các vụ cháy rừng ở Nga trong tháng 6 và tháng 7 cao hơn so với hai năm trước đó. Các đám cháy rừng ở khu vực Amur Oblast đã dẫn đến lượng khí thải ước tính 17,2 megaton carbon trong thời gian hai tháng - cao nhất trong 22 năm qua.

Canada đã ghi nhận tổng lượng phát thải cao nhất trong lịch sử, với tổng lượng khí thải carbon lần lượt là 11,1 megaton và 13,2 megaton ở các tỉnh British Columbia và Alberta trong suốt tháng 6 và tháng 7.

Mark Parrington - nhà khoa học cấp cao tại CAMS - cho biết: "Chúng tôi đã theo dõi chặt chẽ các vụ cháy rừng trong nhiều năm, ghi nhận chỉ số phát thải cháy rừng và tác động đến khí quyển đặc biệt nghiêm trọng trong thời gian này, đặc biệt là ở Canada, miền Đông nước Nga và Bắc Cực".

Hoạt động cháy rừng gia tăng là yếu tố chính dẫn đến thực trạng lượng khí thải từ khói ngày càng tăng.

Cháy rừng quy mô lớn và dữ dội, khói lan khắp khu vực Bắc bán cầu- Ảnh 1.

(Ảnh: AFP)

Guillermo Rein - giáo sư khoa học lửa thuộc Khoa Kỹ thuật cơ khí tại Imperial College London - nhận định: "Trong những năm gần đây, mùa cháy rừng ngày càng mở rộng, bắt đầu sớm hơn và kéo dài hơn. Nhưng thực tế không chỉ là mùa cháy rừng đang mở rộng mà cường độ của mùa cháy rừng đang trở nên chưa từng có".

Theo số liệu chính thức của Nga, số vụ cháy rừng trong năm nay đã giảm 30% so với năm trước đó, nhưng diện tích bị cháy lớn hơn 50%, làm nổi bật cường độ của các đám cháy rừng.

Lượng khói cháy rừng tăng lên đã dẫn đến mức độ ô nhiễm không khí rất cao và có thể dẫn đến những biến chứng về sức khỏe ở các mức độ khác nhau.

Tiến sĩ Marina Romanello - nhà nghiên cứu tại Viện Sức khỏe Toàn cầu UCL - thông tin: "Trong ngắn hạn, các biến chứng sức khỏe rõ ràng nhất là đối với hệ hô hấp, đặc biệt nguy hiểm đối với những người mắc các bệnh tiềm ẩn như hen suyễn, bệnh tim và bệnh phổi.

Tuy nhiên, khi cháy rừng ngày càng gia tăng, con người liên tục phải đối mặt với mức độ ô nhiễm không khí cấp tính liên quan đến cháy rừng, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim mạch và ung thư".

Nồng độ các hạt có hại rất nhỏ trong khói - được gọi là PM2.5 - đã được phát hiện cao hơn nhiều lần so với ngưỡng phơi nhiễm trung bình 24 giờ được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị trên một khu vực rộng khắp bao gồm miền Đông Mông Cổ, Đông Bắc Trung Quốc và miền Bắc Nhật Bản.

Romanello cho biết: "Các hạt PM2.5 có thể đi rất sâu vào phổi, vượt qua hàng rào máu phổi và đi vào máu, khiến mức phát thải khói cao này đặc biệt đáng lo ngại".

Mặc dù lượng phát thải carbon do cháy rừng ước tính trong năm 2024 cho đến nay rất cao nhưng vẫn chưa bằng mùa cháy rừng thảm khốc vào năm 2023 khi phần lớn Bắc Mỹ hứng chịu mức PM2.5 cao kỷ lục.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày