“Chạy không khom lưng thì chết!” - Gặp gỡ và lắng nghe những hồi ức từ trong địa đạo Củ Chi của Đại tá tình báo Tư Cang

Diệp Nguyễn - Ảnh: Viết Thanh - Clip: Di Anh, Theo Đời Sống Pháp Luật 14:00 27/04/2025
Chia sẻ

Ở tuổi 97, Đại tá Tư Cang vẫn nhớ từng chi tiết về những ngày đầu tiên mình gia nhập cách mạng và rồi kể lại cho chúng tôi bằng một giọng điệu hóm hỉnh, nhẹ tênh như thể những câu chuyện đó ông đều được xem trên một cuốn phim chiến tranh nào chứ không phải cuốn phim đời mình.

Nếu có thể, cuộc đời đại tá tình báo Nguyễn Văn Tàu - bí danh Tư Cang, sẽ trở thành một cuốn phim mà ở đó, chúng ta sẽ được thấy hành trình một cậu thiếu niên đến từ Long Phước đi qua cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của đất nước. Tham gia cách mạng từ năm 1945 từ phong trào Thiếu niên Tiền Phong, đến năm 1962, ông Tư Cang chính thức được giao nhiệm vụ chỉ huy tình báo H63 - cụm tình báo chiến lược quan trọng nhất những năm kháng chiến chống Mỹ và là người trực tiếp điều hành, bảo vệ các hoạt động của điệp viên huyền thoại Phạm Xuân Ẩn ngay giữa lòng địch. Ông cũng là người từng nằm gai nếm mật ở Địa đạo Củ Chi, nhận nhiệm vụ chỉ điểm những vị trí đóng quân của Việt Nam Cộng Hòa ở Sài Gòn để Quân đoàn 3 pháo kích trong trường hợp chính quyền Dương Văn Minh không đầu hàng vào những ngày tháng 4 năm 1975.

Ở tuổi 97, Đại tá Tư Cang vẫn nhớ từng chi tiết về những ngày đầu tiên mình gia nhập cách mạng, những giây phút đối diện với quân địch và thoát chết trong gang tấc, hay cả cái mát lạnh của mặt đất địa đạo vào những ngày mưa nước dầm xuống vũng sình - và rồi kể lại cho chúng tôi bằng một giọng điệu hóm hỉnh, nhẹ tênh - như thể những câu chuyện đó ông đều được xem trên một cuốn phim chiến tranh nào chứ không phải cuốn phim đời mình.

Hồi ức của Đại tá tình báo Tư Cang trong địa đạo Củ Chi

Ông có nhớ ngày đầu tiên mình tham gia cách mạng không ạ?

Tôi vô đội Thanh niên Tiền phong vào tháng 5/1945. Giặc nó lấy trường nên không còn chỗ học, trường tôi phải rời xuống Mỹ Tho. Không còn đủ tiền đi học, tôi về lại làng thì đúng lúc có phong trào Thanh niên Tiền phong - đội phòng bị của Đảng - được ra đời. Nhật tưởng rằng đây là hoạt động ủng hộ chúng, nhưng thực chất là lực lượng dự bị của Đảng để chuẩn bị cho cuộc Cách mạng sắp tới.

Những năm 1940, cả Nhật lẫn Pháp đều đồng cai trị nước mình. Đến 29/03/1945 thì Nhật đảo chính Pháp và cai trị độc quyền. Ngày 06/08, Nhật bị Mỹ thả bom nguyên từ và phải kí văn bản đầu hàng Thế chiến thứ 2. Ngày 16/08/1945, Bác Hồ họp Đại hội Quốc dân tại Tân Trào, Đảng Cộng sản Việt Nam nhận định đây là thời cơ “ngàn năm có một”, quyết định tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước và bầu ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam (Chính phủ lâm thời) do bác Hồ lãnh đạo, kêu gọi “toàn dân nổi dậy”. Bác Hồ sáng suốt ở chỗ đó, Bác nắm được thời cơ mang tính lịch sử.

Tôi vẫn nhớ ngày đó, tôi ra vườn chặt cây tre, vuốt nhọn và chạy theo dân để giành chính quyền. Tháng 10, tôi vô Đội du kích Quang Trung - tiền thân của Lực lượng vũ trang tỉnh. Ban đầu đội chỉ có 5–7 người thôi, tôi biết một chút tiếng Tây, nên được giao nhiệm vụ cầm cuốn sổ, cùng vài người nữa đi quyên tiền nuôi đội du kích, thấy chỗ nào sơ hở thì kêu đồng đội lên kiếm 1-2 cây súng. 09/03/1946 - tôi đi đánh trận đầu tiên của tỉnh, lấy được 4-5 cây súng mà mừng lắm. Dân mình ngày đó đâu biết súng là gì. Có ông giáo mang cây súng ra giữa lớp học 50 đứa mà chỉ cho mỗi người sờ một chút, nhón gót coi cây súng ra làm sao. Sau này lấy được súng của giặc thì cầm về và nói chuyện với nhau, thêm mấy thằng tù binh Đức với Nhật chỉ cho thì mới biết.

Hồi đó tôi mới 18 tuổi thôi, ở nhà quê mà muốn đi cách mạng thì phải… cưới vợ. Mẹ ruột tôi với ba ruột cô kia gặp nhau trong đám giỗ, mẹ tôi bèn hỏi: “Anh có đứa con gái thì gả cho con tui nuôi”. Ông kia đáp: “Bà nói thiệt hay nói giỡn?”. “Thiệt!”. Thế là cả đám giỗ đứng lên vỗ tay, rồi chiều bắt đầu đi coi mắt liền. Năm đó, vợ tôi 17 tuổi. Ở với nhau được vài tháng thì vợ cũng có mang. Lúc này, Pháp tràn vô rồi bắt hai vợ chồng lên nhốt dăm bữa, may có ông thầy giáo biết nói tiếng Pháp thấy thế bèn lên năn nỉ thằng Tây thả hai vợ chồng về. Tôi bèn nói với vợ: “Tình hình này không ổn, anh không bảo vệ được em, em lên Sài Gòn học đánh máy nuôi con rồi đợi anh về”.

“Chạy không khom lưng thì chết!” - Gặp gỡ và lắng nghe những hồi ức từ trong địa đạo Củ Chi của Đại tá tình báo Tư Cang- Ảnh 1.

Và rồi quãng thời gian chờ đợi đấy là bao nhiêu năm ạ?

Từ năm 1971 - 1973, tôi làm Phó Chính ủy phòng Tình báo miền Nam. Năm 73 họ rút tôi ra ngoài Bắc học. Trước khi đi, tôi kêu vợ lên đọc một bài thơ cho bả nghe:

"Kháng chiến 9 năm tròn không nghỉ
Pháp rút rồi đến Mỹ vào thêm
Nhiệm vụ chưa tròn, anh tiếp tục ra đi
Người miền Bắc - kẻ miền Nam, lòng vô vàn thương nhớ
Những lúc rảnh tâm hồn anh hướng về chốn cũ
Nhớ vợ hiền và nhớ cả quê hương
Nhiều lúc dạo chơi trong vườn nhãn Hưng Yên
Mà cứ tưởng đang đi dưới bóng xoài Long Phước
Sầm Sơn mênh mông sóng nước
Rì rào gió thổi rặng phi lao
Gợi lên Phước Hải đêm nào
Ngập ngừng trao đổi lối vào tình yêu"

Nghe đã không? Vợ nghe mà rớt nước mắt. Mình từ giã vợ và ra Bắc học, lẽ ra học 2 năm nhưng mới được 1 năm thì diễn ra chiến dịch Tây Nguyên với trận Buôn Ma Thuột mở đầu. Với kinh nghiệm các trận đánh đường phố, tôi được điều gấp rút trở về miền Nam để chuẩn bị cho giai đoạn cuối của chiến dịch Giải phóng Sài Gòn. Sáng 30/04, lữ đoàn của tôi đóng ở Hóc Môn, tôi đang thảo luận với đơn vị Pháo binh Quân đoàn 3 về phương án bắn pháo thì đồng bào tới kêu la: “Dương Văn Minh đầu hàng rồi!”. Thế là tụi tui xé bản đồ - đầu hàng rồi thì bắn gì nữa, thui tui về nghen!

Lúc đó tui sung sướng lắm, không còn phải bắn ai nữa. Tôi chạy xuống Sài Gòn liền với một người anh em trong đơn vị. Đến tối, tôi nói với mọi người: “Anh em coi giùm đơn vị nha! Đêm nay tao không về với vợ thì coi kỳ lắm! Tao về tao kiếm vợ đây!”. Tôi tìm về địa chỉ vợ và con đang ở Sài Gòn, nhưng không biết chính xác ở nhà nào, kêu vợ bằng tên thì không thấy ai. Bỗng thấy một ông thầy cầm đèn ra hỏi, tôi bèn nói: “Tôi kiếm con Nhồng”, ổng ngơ ngác không biết. Tôi hỏi tiếp: “Ông có biết hai mẹ con thường dắt nhau đi làm không?”. Lúc đấy ổng mới vỡ lẽ: “À vậy là bà Ánh với cô Giang”.

Tôi đặt tên con là Nhồng vì ở dưới quê, vợ tui là con thứ 6 nên hay gọi là cô Sáu, nghe giống con chim sáo. Mà chim sáo thì đẻ ra con chim nhồng. Vậy đó! Vợ nghe gọi tên bèn chạy ra, hai vợ chồng ôm hun tóe lửa. Lúc đó, tôi cùng 3-4 cô biệt động khác vô nhà, vợ nấu cơm cho cả đội ăn. Đến đêm vợ hỏi: “Bộ anh về luôn hả?”. Tôi nói không. “Còn nhiệm vụ chứ! Về với em 1-2 tiếng thôi rồi ra đơn vị”. Sau đó tôi còn sang Miên 3 năm, đánh mấy trận ở bên đó. Tới năm 1979 còn ra đánh trận biên giới phía Bắc và bị thương, có những lúc trúng đạn vào ruột phải cắt khúc ruột ném cho chó ăn. Tôi trở thành thương binh hạng 2, về hưu năm 80 - được lên làm đại tá. Đó, cuộc đời là vậy! 

Cháu rất muốn được nghe thêm về giai đoạn ông làm nhiệm vụ tình báo ạ!

Tôi làm tình báo từ ngày vô Du kích, năm 24 tuổi đã làm Phó ban Tình báo tỉnh. Tôi từng được cử vô thành để vẽ khu Bình Xiêm cho lính, toàn là nhiệm vụ quan trọng! Tôi đi tập kết, lên tàu của tụi nó, thằng trưởng tàu với Sĩ quan bảo vệ thấy tui nói tiếng Pháp giỏi quá mới hỏi: “Pháp đào tạo anh mà anh đi đánh Pháp là sao?”. Tui trả lời: “Nước nào xâm lược thì tôi đánh! Làm bạn bè bán buôn thì được nhưng xâm lược là đánh! Mấy cái đó tôi học của mấy ông đó.”

“Chạy không khom lưng thì chết!” - Gặp gỡ và lắng nghe những hồi ức từ trong địa đạo Củ Chi của Đại tá tình báo Tư Cang- Ảnh 2.

Chúng bèn nói: "Hiệp định Geneve nói sau 2 năm sẽ tổng tuyển cử để thống nhất đất nước, vậy ông có tin chắc mình trở về được không?". Tôi trả lời: "Ông hỏi vậy là ông cũng suy tính rồi. Tụi tui cũng vậy. Nhưng nói thiệt là không trở về bằng Hiệp định thì chúng tôi trở về bằng súng đạn. Dứt khoát là tụi tui phải trở về!".

Năm 1966, khi đó tôi đã là Thiếu tá, phía trên thông báo rằng Mỹ đã can thiệp sâu vào tình hình nước ta và đưa chỉ thị “Anh không thể ở Củ Chi để chỉ đạo nữa mà phải vô thành để hỗ trợ cán bộ Phạm Xuân Ẩn, Tám Thảo và cả đường dây tình báo”.

Tôi nhận nhiệm vụ chỉ huy cả 3 bộ phận. Bộ phận trong thành gồm Tám Thảo, Xuân Ẩn, Năm Sơn… Bộ phận ở ấp chiến lược gồm 5-10 cô giao thông có giấy tờ để vô trong truyền giao chỉ thị hoặc lấy tài liệu đem về. Bộ phận ở rừng làm địa đạo, thường xuyên đánh Mỹ, giữ căn cứ và chống càn. Đây cũng là bộ phận đã chứng kiến sự hy sinh của rất nhiều chiến sỹ, còn hai bộ phận kia đều toàn vẹn cho đến ngày giải phóng.

“Chạy không khom lưng thì chết!” - Gặp gỡ và lắng nghe những hồi ức từ trong địa đạo Củ Chi của Đại tá tình báo Tư Cang- Ảnh 3.

Năm đó vô thành rồi thì xác định luôn rằng: Chỉ có hy sinh hoặc bị bắt! Và phải xác định luôn là sẽ hy sinh, phải bằng mọi cách để bảo vệ Phạm Xuân Ẩn và lập đường dây mạch, giao tài liệu đến Trung Ương. Tôi phải giữ bí mật tuyệt đối mọi thông tin, thậm chí không ai biết tôi đã có vợ. Mọi công văn và chỉ thị đều được gửi xuống nhà vợ, và mỗi lần vợ mang thư đến gửi cho tôi ở nhà Tám Thảo thì cũng chỉ có thể đứng ngoài. Có những ngày Tám Thảo mang thư vô, nói: “Có bà cột tóc đưa anh này” - tôi đoán liền đó là vợ mình. Bứt ruột ra thương lắm! Trời thì mưa lâm râm, bả phải đội mưa một mình đi về. Buồn quá nhưng vì nhiệm vụ đành phải bí mật chia cách thôi.

“Chạy không khom lưng thì chết!” - Gặp gỡ và lắng nghe những hồi ức từ trong địa đạo Củ Chi của Đại tá tình báo Tư Cang- Ảnh 4.

Tôi kêu anh em, lúc nào cũng phải ghi nhớ 4 chữ: Coi như chết rồi! Có 4 chữ đó rồi thì tụi bay chẳng còn sợ gì nữa - tao cũng vậy! Có lần nọ, cô giao thông tìm đến thông báo: “Anh Tư ơi, thằng Lâm bị bắt rồi anh Tư. Em thấy chúng nó đánh ghê lắm, mình phải di chuyển thôi.” Tôi nghe vậy thấy buồn lắm, nó đi với mình từ năm 62 đến năm 68 thì bị bắt. Tội nghiệp! Tôi bèn nói: “Lính tao, tao biết! Dù chết nó cũng không dẫn về”. Thế nhưng để đảm bảo an toàn, cả đội có nguyên tắc: Cứ 3 người biết 1 chỗ mà 1 người bị bắt thì tất cả phải đi. Tôi giục cô giao thông đi ngay để giữ an toàn đường dây mật đã thiết lập để bảo vệ Phạm Xuân Ẩn. Tôi thì vẫn tin tưởng tuyệt đối linh của mình, bèn moi 2 trái lựu đạn lên. Nếu chẳng may nó dẫn địch về thì 1 trái dành cho bọn lính, 1 trái chia tôi với nó liền. Sĩ quan, Cục trưởng có hy sinh thì họ sẽ phái Sĩ quan khác xuống, nhưng người nằm trong đường dây mới là quan trọng! Mình có thể hy sinh nhưng phải bảo vệ nguồn tin tuyệt đối! Cứ thế, tôi cầm hai trái lựu đạn ngồi chờ tới chiều và quả nhiên là không ai tìm đến cả.

“Chạy không khom lưng thì chết!” - Gặp gỡ và lắng nghe những hồi ức từ trong địa đạo Củ Chi của Đại tá tình báo Tư Cang- Ảnh 5.

Một lần nữa, trên góc nhà bà Tám Thảo, tôi có bắn phụ mấy anh em 2 viên đạn. Địch theo làn đạn chạy tới bao vây nhà bà Tám Thảo. Cả một trung đội cảnh sát dã chiến phóng lên nạt nộ: “Nhà này có gác không?” - mà tôi thì đang núp ở trên đó. Bà Tám Thảo bèn làm bộ đang ngủ, mà muốn tìm được chỗ núp của tôi thì phải băng qua giường của bả. Tụi nó thấy người đẹp quá nên cũng hơi khựng lại, rồi thấy trên bàn có hình thằng thiếu tá Mỹ ở nơi làm việc của bà Tám Thảo bèn thốt lên: “Chao ôi, phụ nữ mà giờ này còn ngủ sao!”. Bà Tám Thảo vẫn bận đồ ngủ, bước xuống giường nói: “Hôm nay lộn xộn quá nên tui ở nhà không đi làm”. Lúc đó tôi xác định là mình có thể sẽ hy sinh, bèn lấy một viên đạn đút vô túi, nếu đám địch phát hiện ra sẽ bắn hết băng đạn này rồi còn một viên thì để dành cho mình, tụi bay có kéo ra thì cũng là một cái xác chết thôi. Rồi lại lo viên đạn này lắp vào bị lép, bèn để thêm một viên nữa cho khẩu súng còn lại - sao mà lép được cả 2 viên! Tụi địch chỉ vào đám vải ở góc nhà, nơi tôi đang nấp, hỏi: “Đây là gì?”. Bà Tám Thảo nói là nhà có sạp vải ở chợ Bến Thành - “khi nào mấy anh dắt chị ra tui lấy cho vài tấm, tụi mình với nhau cả mà!”. Nghe vậy, tụi nó cũng cà giỡn lại với bả rồi phán xanh rờn: “Thôi! Nhà làm ăn lương thiện! Đi zìa!”.

Địch rút rồi, tôi bước ra, bà Tám Thảo ngồi phịch xuống giường, nước mắt lưng tròng: “Trời ơi! Nguy hiểm quá anh Tư ơi! Em chỉ lo cho anh, thấy chết mà như không!”. 

Cháu cũng được biết là ông từng tham gia đào địa đạo và có cả một thời gian dài chiến đấu tại địa đạo nữa ạ.

Tôi là một trong những người lãnh nhiệm vụ trực tiếp đào địa đạo Củ Chi vào năm 1962. Anh em tôi nói với nhau: Nơi này địa hình ngon quá, gần bờ sông mà có cả đá nữa. “Cứ đào đi, tụi Mỹ sẽ tới. Đánh Mỹ khác với đánh Pháp lắm”. Thế là cả đội chia nhau ra, cứ 6 thước bên này đào qua thì bên kia đào lại. Địa đạo được đào công phu lắm, có những chỗ người Việt nhỏ vậy mà còn rất khó khăn để bò qua, huống chi tụi Mỹ. Cứ tới địa đạo là tụi nó ngán, phải lấy xà beng ra xới cho lớn để chui vào, cũng mất 1-2 tiếng lận. Vậy là mình lại làm nó trễ thời gian và giúp quân ta có thêm cơ hội để đối phó.

Tôi đã đào, đã đánh, đã ngủ trong địa đạo. Trước sinh hoạt trong thành thì được tá túc nhà Tám Thảo có chăn êm, nệm ấm, tắm rửa đàng hoàng. Trong địa đạo thì bao giờ cũng có một lớp sình từ rễ tầm vông, nước mưa nó rỉ xuống nhão nhoét, cứ đến tối lại trải tấm nylon ra nằm ngủ. Vậy mà mát lắm, cứ như nhà có máy lạnh! Riết rồi cũng quen. Trên mặt đất, đêm nào tụi Mỹ cũng bắn pháo, ít cũng 50 trái mỗi đêm. Tụi Mỹ ghê lắm! Rồi có những ngày, xe tăng, à không, xe ủi của tụi Philippines viện trợ qua - nặng những 50 tấn - cứ quần thảo ở phía trên. Quân mình nằm ở dưới mà mặt đất rung chuyển như đưa võng.

“Chạy không khom lưng thì chết!” - Gặp gỡ và lắng nghe những hồi ức từ trong địa đạo Củ Chi của Đại tá tình báo Tư Cang- Ảnh 6.

Lần nào tui có công chuyện trong thành về đến địa đạo, tụi Mỹ đều biết - hay chúng nó có gián điệp ta? Chúng nó hành quân lớn những ngày đó! Trời đất ơi! Tôi ngồi dưới hầm với các chị nuôi và anh em để kể chuyện trong thành, mà trực thăng kéo tới - 2 chiếc nó vây vòng tròn phía trên. Tui bèn lệnh cho anh chị em chạy lên hầm núp kế đó vừa hay chứa được 7-8 đứa, chứ nếu để trực thăng bắn xuống thì chịu không nổi. Nắm kĩ phương án hành quân của địch là trực thăng bay ra ruộng thì phản lực sẽ lên, vừa thấy là tôi hô chạy, anh em dắt các chị nuôi chạy trước, “thằng Đạo dắt tay tao chạy kế còn tụi bay 2 đứa 1”. Vừa chạy vừa phải nằm xuống, không được để ngực xuống mà phải giữ cao hơn mặt đất kẻo nó quất mấy trái bom lớn liền.

Hết phản lực rồi lại tới xe tăng tới liền, tụi nó đánh theo kiểu chính quy bên đó. Tụi dưới hầm chạy không kịp. Tụi thằng Gém với chị nuôi xuống địa đạo rồi, còn tôi với một đồng đội khác đang chạy, tụi Mỹ bắn bằng đinh đuổi theo. Phen này tụi nó quyết bắt sống chứ không bắn chết. Ngó thấy thằng Đạo chạy mà xổng lưng quá, tui thét lên: “Đạo! Chạy khom lưng chứ bây!”. Nó chỉ chạy trước tôi 6 thước, thấy tôi chạy chậm hơn, nó cũng giảm tốc độ - bỗng một viên đạn đinh bay xuyên qua người làm nó bị thương nặng. Ông trời đỡ thế nào mà tui chạy ngay sau nó lại không bị.

Lúc đó, tôi ở trong thành mới ra - đâu biết miệng vào địa đạo ở chỗ nào! Mà không biết miệng vào thì vô phương vì tụi nó làm bí mật lắm. Phản lực thì cứ nhắm bắn xuống dưới, tui vừa chạy vừa thấy mình còn có một chiếc dép à, chiếc còn lại vướng vô… bụi cây. Viên đạn bắn xuống chỉ cách chân tầm 20 li thôi, đạp gần đó mà chân cũng phồng lên rồi. Chạy nhanh chút là đầu mình bể! Thằng Tây trên đó bắn hay ghê, suýt thì gặp ông bà.

Đúng lúc đó tui dòm xung quanh thấy thằng Gém bị thương, nó đang mở mắt ti hí kiếm thủ trưởng ở đâu. Đoạn thấy tôi nó lấy tay quắc quắc, tôi mới thấy cái nắp vô địa đạo bèn chui xuống. Hóa ra thằng Đạo cũng dắt được mấy đứa về, chúng nó nói tưởng anh Tư bị bắt rồi. Lúc này xe tăng lướt qua ầm ầm trên đầu, tôi nói: “Tao chẳng biết địa đạo ở đâu. May có thằng Gém nên mới xuống được”.

Trong suốt hành trình chiến đấu của mình, đâu là chiến công khiến ông cảm thấy tự hào nhất ạ? 

Tự hào nhất là Mậu Thân năm 68. Đợt 1, quân ta bị tiêu hao nhiều quá. Theo chỉ huy đội biệt động Nguyễn Đức Hùng: “Mất 80% lực lượng biệt động rồi!”. Ngoài Huế đánh đêm Giao thừa, trong Sài Gòn đánh đêm mùng 1. Đây là thông tin tuyệt mật mà mình tôi được biết. Thủ trưởng kêu tôi lên phổ biến Nghị quyết Quang Trung. Theo đó thì chúng ta phải liên tục tấn công. Chỉ tiêu thứ nhất là liên tục tấn công để lấy lại Sài Gòn, chỉ tiêu thứ 2 là giết thật nhiều sinh lực Mỹ. Đang chuẩn bị đánh đợt 2 thì ông Nguyễn Thế Triển bị pháo bắn hy sinh, phó Trung tá lại dắt balo đầu hàng. Vậy có đánh nữa hay không và đánh như nào? Trong tình hình gấp rút, ông Trưởng tình báo gọi điện xuống, lệnh cho Tư Cang phải vô thành lấy bản cung đem về! Rất gấp!

Vậy là tôi phóng 13km vào thành tìm gặp Phạm Xuân Ẩn để lấy bản cung đó ở Dinh tỉnh trưởng Gia Định. Ở đó có 1 thằng giữ hồ sơ, biết cha này là nhà báo Mỹ - cho đọc thông tin là được tiền. Vàng hồi đó có 3 ngàn 1 lượng, chúng tôi cho nó… 53 ngàn lận. Tôi nói Phạm Xuân Ẩn đi kiểm tra lại thông tin vì mới có tình báo phương Tây mới tới, xem thái độ bên đó ra sao. Và từ đó, chúng tôi lấy được thông tin chiến lược giúp chuyển biến cuộc chiến.

Phạm Xuân Ẩn leo lên lầu 3 nói chuyện trong lúc tôi ngồi dưới uống cafe đợi. Bên địch đã có hết thông tin, nhưng có một điều mà Tổng thống Mỹ rất sợ, đó là họ biết Quân Giải Phóng đã sẵn sàng tiến vô đánh đợt 2. Nixon lệnh rằng: Nếu có đợt 2 thì chỉ còn cách thương lượng và rút quân. Tôi bèn điện ngay về: “Quân địch đã nắm được thông tin thằng này ra đầu hàng rồi. Nó đã khai hết, nhưng có 1 lời khai khiến ông Tổng thống bối rối đó là chúng ta đã sẵn sàng tiến vào đánh đợt 2. Tôi đề nghị các anh: Nếu đã chuẩn bị thì dùng sức đánh 1 đợt nữa để chúng rút quân! Vì rút quân chính là theo đúng ý nguyễn của Bác Hồ! Mỹ cút thì ngụy mới nhào!

Ngày 04/05 chính thức nổ súng đợt 2. Đợt này đánh bằng cấp Trung Đoàn và Tiểu Đoàn. Tui nói với anh em: “Phải chấp nhận hy sinh, đánh vô thành là hy sinh!”. Có Trung đoàn 31 đánh tới quận 6 mà chỉ còn 11 người. Ông Trung đoàn trưởng tên Võ Văn Điều, rút súng ngắn với đồng hồ đưa cho bà Võ Thị Tâm (giờ vẫn còn sống) và nói: “Em giả thường dân chạy loạn, cầm cái này đưa cho Bộ chỉ huy và nói Trung đoàn 31 đã hoàn thành nhiệm vụ!”.

“Chạy không khom lưng thì chết!” - Gặp gỡ và lắng nghe những hồi ức từ trong địa đạo Củ Chi của Đại tá tình báo Tư Cang- Ảnh 7.

Vừa nổ súng xong thì Nixon cách chức đại tướng, cho người qua Việt Nam thương lượng. Cuối năm 68, tụi nó ngưng ném bom miền Bắc. Dân Mỹ không còn tin vào Nixon nữa và rộ lên một phong trào rút quân mạnh mẽ. Cũng nhờ chiến dịch Mậu Thân mà chuyển tình thế, Mỹ rút về, 2 sư đoàn của Hàn Quốc ở miền Trung cũng rút về, Công binh của Philippines cũng rút về.

Ông nghĩ lý tưởng nào đã khiến cả thế hệ của mình sẵn sàng hy sinh tuổi trẻ và tính mạng để bước vào chiến tranh ạ?

Đó là niềm tin rằng Đảng sẽ dẫn dắt cuộc chiến này. Từ những năm 13-14 tuổi học ở trường Petrus Ký, tôi đã được các ông ở Đại học Hà Nội vô truyền lòng yêu nước, dắt các em nhỏ đi lội suối, hát những bài hát yêu nước. Tôi giác ngộ từ đó.

Giác ngộ rồi thì mỗi ngày phải chào cờ Pháp, học sử Pháp… tự trong lòng tôi thấy không đúng. Tôi có người em trai, nó cũng đã rút lựu đạn tự sát và hy sinh trong địa đạo khi gặp lính Mỹ. Má tui lên Sài Gòn, nhờ giao thông dẫn tới và thông báo: “Tao báo mày là thằng Ghẹo hy sinh rồi. Nhưng hy sinh vậy tao chịu. Nếu nó đầu hàng thì xóm làng coi không ra gì con ơi!”. Má tôi dặn như vậy, bà là một bà mẹ Việt Nam anh Hùng. Rồi trong làng cũng có thằng Thành bị bắt tại Củ Chi, tụi nó kêu bà mẹ ra coi tra tấn - chỉ cần khai tên một đứa thôi là cho về - vậy mà nó quyết không khai. Dân mình thà hy sinh chứ không chịu theo giặc!

“Chạy không khom lưng thì chết!” - Gặp gỡ và lắng nghe những hồi ức từ trong địa đạo Củ Chi của Đại tá tình báo Tư Cang- Ảnh 8.

Ông đã trải qua những cuộc chiến, đã chứng kiến những giây phút ác liệt nhất, đi qua cả ngày đất nước thống nhất và bây giờ sống dưới bầu trời hòa bình. Khi nhìn ngắm cuộc sống hiện tại, ông cảm thấy điều gì ạ? Và ông thấy tình yêu nước của các bạn trẻ bây giờ có gì khác so với thế hệ xưa không ạ? 

Bây giờ mình có tàu điện, có những con đường rộng lớn với xe cộ chạy qua - tiến lên nhiều quá. Ngày trước, quanh thành phố chỉ toàn những chiếc xe chạy bằng than.

Tôi tin tưởng vào lớp trẻ nhiều lắm! Có giặc xâm lược là đánh, mà đánh là thắng, luôn luôn thắng! Dân tộc mình là vậy.

Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, mỗi bên xưng đế một phương
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau
Song hào kiệt không bao giờ thiếu!

Giờ các bạn trẻ đang học tập vậy thôi, chứ khi có chuyện - cầm súng được mà! Ai hỏi tui câu đó, tui chỉ trả lời: Đất nước mình là vậy đó! Ai tới xâm lược là đánh, đánh là thắng, luôn luôn thắng! Có đọc hết sử ta thì mới thấy thấm thía và tự hào về điều này:

“Tổ quốc cho ta dòng sữa tự hào

Thời đại cho ta ánh sao trí tuệ

Không gì quý hơn Độc lập - Tự do”

Mình phải tin tưởng dân tộc mình chứ!

Cháu cảm ơn ông về những chia sẻ vừa rồi và chúc ông có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục kể lại những câu chuyện này cho những bạn trẻ chúng cháu. 

“Chạy không khom lưng thì chết!” - Gặp gỡ và lắng nghe những hồi ức từ trong địa đạo Củ Chi của Đại tá tình báo Tư Cang- Ảnh 9.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày