Cháu bị vu ăn trộm đồ trong cửa hàng văn phòng phẩm, cách xử lý của ông nội quá hay, xứng đáng được đưa vào sách giáo khoa

THANH HƯƠNG, Theo Thể thao Văn hóa 06:16 25/04/2023

Cách xử lý của người ông nhận được rất nhiều lời khen.

Một vụ việc xảy ra tại Trung Quốc mới đây đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận và truyền thông nước này. Cụ thể, ngày 22/4, chủ một cửa hàng văn phòng phẩm ở Dương Châu, Giang Tô nghi ngờ bé gái nọ ăn trộm một cuộn băng và yêu cầu khám người công khai.

Tuy nhiên, ông của bé gái này tin rằng cháu mình không làm như vậy và yêu cầu cảnh sát đến để điều tra rõ vụ việc. Sau khi cảnh sát kiểm tra chi tiết camera giám sát, họ phát hiện ra cháu bé đã đặt cuộn băng trở lại chỗ cũ sau khi cầm lên xem. Chủ cửa hàng sau đó phải công khai xin lỗi, mong hai ông cháu và cư dân mạng tha thứ. Tuy nhiên, cộng đồng mạng vẫn lên tiếng chê trách nặng nề cửa hàng văn phòng phẩm này.

Sự việc đã khiến nhiều người phải suy nghĩ. Có thể thấy trong vụ việc này, tuy đứa trẻ bị nghi ngờ ăn trộm nhưng người ông đã luôn có niềm tin với cháu, không vội quy kết tội cho cháu khi chưa có bằng chứng rõ ràng. Hành động này của người ông đã nhận về rất nhiều lời khen có cánh của cộng đồng mạng và giới truyền thông.

Cháu bị vu ăn trộm đồ trong cửa hàng văn phòng phẩm, cách xử lý của ông nội quá hay, xứng đáng được đưa vào sách giáo khoa - Ảnh 1.

Người ông đã yêu cầu mời cảnh sát đến giải quyết vụ việc.

Học được gì từ hành động của người ông với cháu?

Trang Sohu của Trung Quốc gọi hành động của người ông là "đáng được đưa vào sách giáo khoa để các bậc cha mẹ tham khảo trong việc nuôi dạy con".

Thực tế, cha mẹ cần học cách đối xử đúng mực với con. Trẻ nhỏ còn thơ ngây, chưa biết đúng sai, cần sự hướng dẫn và giáo dục kiên nhẫn của chúng ta. Nếu nghi ngờ trẻ ăn cắp, chúng ta cần bình tĩnh xử lý sự việc, không nên dễ dàng nghi ngờ trẻ chứ chưa nói đến việc khám xét hay phạt trẻ công khai khi chưa có bằng chứng rõ ràng.

Cách đúng đắn là quan sát hành vi của trẻ trước, tìm kiếm bằng chứng, sau đó trao đổi với trẻ để giải quyết vấn đề một cách cơ bản.

Ngoài ra, cha mẹ cần thiết lập mối quan hệ giao tiếp tốt và tin cậy với con cái. Trẻ thường không dám thành thật với chúng ta vì sợ hãi hoặc cảm thấy thiếu tin tưởng. Lúc này chúng ta cần giao tiếp với trẻ để thiết lập mối quan hệ tin tưởng lẫn nhau.

Cha mẹ nên tôn trọng con cái, hiểu suy nghĩ và cảm xúc của chúng, cho chúng đủ tự do và không gian để phát triển. Đồng thời cha mẹ cũng nên giáo dục chúng những quan niệm đạo đức đúng đắn, để chúng biết điều đúng sai và cách giải quyết vấn đề một cách chính xác.

Ngoài ra, cha mẹ cần hiểu rằng trẻ em vẫn đang phát triển ý thức về đúng sai và chúng có thể phạm sai lầm hoặc cư xử không đúng mực. Cha mẹ nên phản ứng với những hành vi này một cách bình tĩnh và tôn trọng, đừng vội nôn nóng mắng mỏ, trách phạt trẻ. Điều này có thể giúp trẻ cảm thấy an toàn, được gia đình yêu thương, bảo vệ, từ đó giúp trẻ có những lựa chọn đúng đắn trong tương lai.

Nguồn: Sohu