Châu Âu mở cửa biên giới và học cách sống chung với Covid-19

Quang Dũng, Theo VOV 20:06 15/09/2020
Chia sẻ

Khi mở cửa biên giới và nối lại các chuyến bay thương mại, thách thức lớn nhất với các nước châu Âu là làm thế nào để kiểm soát sự lây lan dịch bệnh từ những người nhập cảnh.

Các nước châu Âu đã mở cửa biên giới với bên ngoài từ đầu tháng 7/2020 và bất chấp các tín hiệu rõ ràng về việc làn sóng dịch thứ hai đã quay trở lại tại nhiều nước, việc đóng cửa biên giới và cấm các chuyến bay quốc tế là kịch bản hầu như không được đề cập khi châu lục này xác định sẽ sống chung lâu dài với virus.

Bắt đầu từ ngày 15/6, sau hơn 3 tháng virus SARS-CoV-2 hoành hành và làm tê liệt các hoạt động kinh tế - xã hội tại châu Âu, biên giới nội khối của Liên minh châu Âu được mở. Các công dân sống trong không gian Schengen được tự do di chuyển giữa các quốc gia.

Đến ngày 1/7, Liên minh châu Âu công bố danh sách 15 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tiên được khối này xếp vào nhóm “an toàn”, đủ điều kiện mở lại các chuyến bay thương mại và công dân đến từ các nơi này không phải cách ly khi nhập cảnh vào châu Âu. Danh sách này được cập nhật liên tục sau mỗi 2 tuần, tùy theo diễn biến của đại dịch Covid-19 trên thế giới.

Tiêu chuẩn mà EU đặt ra cho các nước được xếp vào danh sách là “phải có tỷ lệ người mắc Covid-19 ở mức ngang bằng hoặc ít hơn tỷ lệ trung bình của châu Âu”, đồng thời hai bên phải thực hiện nguyên tắc có đi - có lại, tức các nước đó cũng phải mở cửa biên giới với công dân châu Âu. Đó là lí do mà Mỹ và Trung Quốc, hai đối tác kinh tế lớn nhất của châu Âu, vẫn không nằm trong danh sách.

Khi mở cửa biên giới và nối lại các chuyến bay thương mại, thách thức lớn nhất với các nước châu Âu là làm thế nào để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh từ những người nhập cảnh. Mô hình kiểm soát gắt gao dựa trên việc cách ly bắt buộc như Trung Quốc áp dụng bị loại trừ và trong những tuần đầu tiên mở cửa biên giới, hầu như không có việc kiểm tra hay xét nghiệm đối với những người nhập cảnh.

Đến giữa tháng 7/2020, các hạn chế chỉ được đặt ra trong một số trường hợp ngoại lệ đến từ các nước có dịch phức tạp, như Mỹ, khi những người đến từ các nơi này phải xuất trình chứng nhận xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 72h trước khi nhập cảnh.

Tuy nhiên, đến cuối tháng 7/2020, khi số ca nhiễm tăng cao trở lại tại nhiều nơi, các nước châu Âu bắt đầu áp dụng quy định chặt chẽ hơn. Từ ngày 1/8, Pháp tiến hành xét nghiệm trực tiếp tại sân bay với những hành khách nhập cảnh chưa có chứng nhận âm tính. Những người này sẽ chờ kết quả trong vòng 24h và nếu nhiễm bệnh, sẽ phải cách ly bắt buộc. Sau Pháp, các nước khác như Đức, Bỉ… cũng áp dụng biện pháp tương tự.

Trong nội bộ không gian Schengen, các cảnh báo du lịch và biện pháp cách ly cũng dần quay trở lại. Từ 26/7, Anh cách ly 14 ngày với toàn bộ hành khách, kể cả công dân Anh, đến từ Tây Ban Nha. Tiếp đến, các nước liên tiếp đưa ra khuyến cáo hạn chế du lịch đến lãnh thổ của nhau. Pháp, Đức, Hà Lan, Bỉ đưa một số vùng của Tây Ban Nha vào danh sách đỏ. Đến cuối tháng 8, đến lượt Anh, Đức, Hà Lan, Bỉ, Na Uy… đưa ra hạn chế nhằm vào Pháp. Đức cảnh báo và cách ly người nhập cảnh đến từ Balkan, Hungary đóng cửa biên giới. Hy vọng về một sự khởi sắc trở lại của các ngành kinh tế, đặc biệt là du lịch, bị dội gáo nước lạnh khi trong tháng 8/2020, tỷ lệ đặt vé của các hãng du lịch châu Âu giảm 18% so với tháng 7.

Sự phức tạp của việc mở cửa biên giới châu Âu đến từ nhiều lí do, trong đó quan trọng nhất là việc thiếu các quy định đồng bộ giữa các quốc gia thành viên EU trong một khu vực có biên giới mở. Các nước đưa ra các quy định kiểm dịch, xét nghiệm và cách ly khác nhau trong khi lại hoàn toàn thiếu vắng việc kiểm soát dòng người trong nội bộ. Mới đây, Pháp rút ngắn thời hạn cách ly với các ca nghi nhiễm xuống còn 7 ngày trong khi chủ đề này vẫn đang được tranh luận ở nhiều nước khác. Điều này dẫn đến việc dịch Covid-19 lây lan mạnh khi dòng người du lịch từ các điểm nóng của dịch trở về nước mà không được kiểm soát, điển hình là tại Đức, khi làn sóng thứ hai ở nước này được cho là do “nhập khẩu” từ Tây Ban Nha và các nước Balkan.

Với ý thức phải sống chung với virus cho đến khi có vaccine, mà theo dự kiến là sớm nhất cũng phải đến nửa đầu 2021, các nước châu Âu đang buộc phải đẩy mạnh việc xây dựng một cách thức hành động chung trong việc kiểm soát biên giới, trong chính sách xét nghiệm và cách ly, trước hết là trong chính nội bộ của khối. Đầu tháng 9, các đề xuất này đã được Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Ursula von der Leyen công bố:

“Đầu tiên, chúng tôi đề xuất một quy tắc phân màu chung giữa các nước. Các công dân châu Âu cần phải có khả năng phân biệt rõ ràng các khu vực có nguy cơ cao tại châu Âu. Cơ quan kiểm soát dịch bệnh châu Âu - ECDC sẽ công bố hàng tuần một bản đồ dựa trên các thông tin do chính phủ các nước cung cấp. Trên bản đồ này, mỗi vùng ở mỗi quốc gia sẽ có màu xanh, da cam hoặc đỏ tùy theo tình hình dịch bệnh.”

Mấu chốt của chiến lược chung này vẫn sẽ là việc xét nghiệm và cách ly, trong đó xét nghiệm là ưu tiên hàng đầu. Hiện hầu như toàn bộ các nước EU đều đã gia tăng gấp nhiều lần khả năng xét nghiệm so với giai đoạn đầu dịch. Các nước như Anh, Pháp, Đức đều đã thực hiện trên 1 triệu xét nghiệm/tuần.

Các hình thức xét nghiệm cũng được đa dạng hóa, từ xét nghiệm PCR đến xét nghiệm kháng thể, xét nghiệm nhanh tại sân bay. Việc truy dấu tiếp xúc cũng được đẩy mạnh. Đầu tháng 9, Pháp tuyển thêm 2 ngàn nhân viên y tế để truy tìm các ca tiếp xúc và tư vấn cách ly. Tại Anh, từ đầu Hè, chính phủ nước này đã lên kế hoạch tuyển dụng và đào tạo gần 2 vạn người để thực hiện chiến lược này.

Những thành công hạn chế trong kiểm soát dịch khi mở cửa biên giới từ 3 tháng qua buộc châu Âu phải theo đuổi đến cùng chiến lược xét nghiệm quy mô lớn, cho đến khi có vaccine.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày