Cháo lòng đụng lợn cuối năm

Võ Minh Tùng, Theo Tuổi Trẻ 09:15 09/12/2022
Chia sẻ

Cứ nghĩ tới nồi cháo lòng bốc khói thơm lựng, mâm lòng lợn đủ thứ ăn kèm rau sống chấm nước mắm cá cơm cay và chảo ruột khìa nước dừa mặn ngọt là đủ thèm nhỏ dãi.

Cháo lòng đụng lợn cuối năm - Ảnh 1.

Tô cháo lòng ngon hết biết

Sáng 29 Tết, sân nhà tôi náo nhiệt và đầy tiếng nói cười rôm rả. Mỗi năm từ mấy tháng trước Tết, gia đình các bác tôi trong dòng họ lại hùn nhau mua một con lợn nhỏ rồi gửi cho nhà tôi. Chị em tôi được giao nhiệm vụ chăm bẵm con lợn bằng rau lang, rau muống cho đến ngày "đụng lợn".

Tiếng mài dao xoèn xoẹt vang lên khiến tôi đang nằm ngủ vùi trong cái lạnh se se phải bật tung dậy xem đụng lợn. Bình thường con lợn đụng không lớn lắm mà chỉ tầm bảy chục ký.

Lợn sau khi mổ xong sẽ chia đều cho mỗi nhà. Thịt, xương, ba rọi… được phân ra rất bình đẳng. Mỗi nhà được tầm chục ký thịt xương đủ loại để kho tàu, làm nhân bánh, giò chả hoặc hầm canh ăn mấy ngày Tết.

Riêng bộ đồ lòng, lưỡi và tiết lợn sẽ để mẹ tôi và các bác gái nấu một nồi cháo lòng to tướng để ăn tất niên. Làm lòng lợn thì phải làm kỹ mới sạch nên ngốn cũng kha khá thời gian. Phải ngâm lòng non và cật trong rượu trắng, gừng, muối để khử mùi.

Tim, gan, phèo, phổi, dạ dày, lưỡi, lá mía… cũng phải sơ chế với chanh, muối cho thật sạch sẽ. Ruột già các bác tận dụng để khìa nước dừa. Huyết lợn mẹ tôi đem làm dồi. Nói chung tất tần tật các bộ phận của con lợn đều ăn được hết.

Để nấu cháo lòng lợn thì bắt buộc phải nấu bằng gạo rang. Chị tôi ngồi với chiếc chảo gang, bàn tay cứ cầm cái sạn đảo đều mớ gạo cho tới khi gạo vàng ươm thơm phức. Gạo rang sẽ làm cho cháo thơm hơn, hạt gạo bung nở nhừ mềm ngon như ngoài quán.

Cứ nghĩ tới nồi cháo lòng bốc khói thơm lựng, mâm lòng lợn đủ thứ ăn kèm rau sống chấm nước mắm cá cơm cay và chảo ruột khìa nước dừa mặn ngọt là đủ thèm nhỏ dãi.

Cháo lòng đụng lợn cuối năm - Ảnh 2.

Mâm lòng lợn cuối năm

Trong thời gian chờ đợi luộc lòng, nấu cháo, khìa ruột, chị em tôi kéo nhau ra đồng nhổ một thúng đậu phộng.

Xóm Gò Bình Trung, Quảng Ngãi quê tôi sỏi đá khô cằn một mùa nắng một mùa mưa ngập lụt cuối năm chẳng có gì ngoài cánh đồng đậu phộng mênh mông đợi ra giêng ăn Tết xong thu hoạch.

Chị em tôi vừa nhổ đậu vừa bóc lấy củ, để một chút nữa khi thức ăn đã chín, chúng tôi cho đậu phộng vào cái bếp than để nướng. Món đậu phộng nướng thì khỏi phải nói là ngon hơn đậu phộng rang nhiều và ăn bao nhiêu cũng không đủ, nhất là các bác vừa nhấm ly rượu, vừa ăn đậu phộng nướng đưa cay suốt một buổi chiều vẫn chưa biết say.

Quá trưa, thức ăn đã chín. Đại gia đình tôi tụ họp ngồi ở hiên nhà vừa ăn tất niên vừa nói chuyện vui, dường như ai cũng quên hết đi mọi buồn lo năm cũ.

Nồi cháo lòng thơm ngào ngạt hành tỏi Lý Sơn, mâm lòng lợn với tim, gan, phèo, phổi… xắt mỏng chấm nước mắm cá cơm và ớt hiểm cay thiệt cay kèm theo rổ rau húng, diếp cá, tía tô, rau răm… ngon không tả nổi. Món ruột khìa nước dừa thì thôi tuyệt vời hơn món ngon vật lạ nào trên đời. Đậu phộng nướng giòn tan vừa thơm vừa bùi. Ai cũng gật gù…

Vì thế sau một năm ròng rã tha phương vất vả mưu sinh nơi đất khách, các anh chị em chúng tôi đều hẹn nhau tranh thủ về trước ngày đụng lợn.

Để được cùng ăn bữa cơm đoàn viên, cùng nhìn các bác vui vẻ mổ lợn như bao nhiêu năm đã qua. Một ngày cuối năm giữa phố phường, thằng con trai tôi ngậm ngùi nghe cha nói: "Nhớ về quê ăn Tết, về quê đụng lợn, đừng lo gì hết nghe con"…

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày