Theo tin từ trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai, trong tuần qua, bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp bị ngộ độc rượu trong tình trạng rất nguy kịch, khiến việc điều trị vô cùng căng thẳng và khó khăn.
Bệnh nhân ngộ độc rượu đang trong tình trạng hôn mê sâu.
Điển hình, một thanh niên 34 tuổi ở Hà Nội được người thân đưa vào cấp cứu trong tình trạng rối loạn ý thức vì uống quá nhiều rượu tại một bữa nhậu mừng năm mới 2018. Hiện tại, sau gần một tuần điều trị, bệnh nhân vẫn đang trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp vì viêm phổi và phải thở máy liên tục nên tiên lượng tính mạng khá dè dặt.
Trước khi được đưa tới cấp cứu tại trung tâm Chống độc, nam thanh niên này đã uống liên tục hơn 1,5 lít rượu trắng cùng bạn bè để chào năm mới.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, trung tâm Chống độc cho hay, trong số những ca ngộ độc rượu không chỉ có đấng mày râu mà còn có cả phái đẹp. Gần đây nhất, trung tâm đã tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhân là chị V.T.H. (24 tuổi, ở huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ).Trước khi nhập viện, chị H. đã uống rất nhiều rượu trong một buổi liên hoan cuối năm, tới mức say xỉn. Sau đó một ngày, từ trạng thái say xỉn đã chuyển sang hôn mê, nói sảng và khi được đưa vào cấp cứu, nữ bệnh nhân này được tiên lượng xấu, khó qua khỏi.
"Bệnh nhân bị ngộ độc rượu chủ yếu trong độ tuổi lao động từ 20 - 50, với nhiều ca mà tình trạng ngộ độc ở mức cấp tính cao dẫn tới hôn mê, toan chuyển hóa, nhiễm độc máu. Nguyên nhân ngộ độc là do uống quá nhiều rượu, uống rượu có pha cồn công nghiệp (methanol), rượu không rõ nguồn gốc, nhãn mác, trôi nổi trên thị trường, hoặc uống rượu ngâm các loại cỏ, cây có chứa độc tố tự nhiên", bác sĩ Nguyên thông tin.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, nguyên nhân gây ngộ độc rượu vẫn chủ yếu là do rượu có hàm lượng methanol rất cao. Methanol khi vào trong cơ thể sẽ được chuyển hóa thành chất độc hơn, phát tán chậm, sau 1 - 2 ngày, các biểu hiện bên ngoài mới rõ rệt. Lúc đó, bệnh nhân có dấu hiệu mù mắt, dẫn đến trụy mạch, viêm gan, nhiễm độc và tử vong.
Liên quan đến các trường hợp ngộ độc rượu, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên tư vấn, trong trường hợp bị ngộ độc rượu, cần đảm bảo thông thoáng đường hô hấp bằng cách cho bệnh nhân nằm cao đầu và nằm nghiêng sang một bên. Tốt nhất là nằm nghiêng sang bên phải nhằm dẫn lưu đờm ra ngoài, hạn chế nguy cơ hít vào phổi, đặc biệt trong trường hợp bệnh nhân bị nôn.
Nếu bệnh nhân tỉnh và có thể ăn uống được thì cho ăn cháo loãng hoặc sữa, đường... nhằm tránh hạ đường huyết. Nếu bệnh nhân không tỉnh, thở nhanh và thở sâu, tím tái, chân tay lạnh thì vẫn giữ bệnh nhân ở tư thế đầu cao, nằm nghiêng an toàn, sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đi cấp cứu.