30/4/1975 ngày đất nước thống nhất, non sông liền một dải, mọi người ôm chầm lấy nhau giữa tiếng cười, nước mắt cùng niềm hạnh phúc và tự hào không tả xiết. Và đó cũng là khoảnh khắc, trong thâm tâm hàng triệu trái tim Việt Nam, thiếu vắng đi một phần máu thịt của những người lính đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc.
"Dòng tên anh khắc vào đá núi
Mây ngàn hóa bóng cây tre
Chiều biên cương trắng trời sương núi
Mẹ già mỏi mắt nhìn theo"
(Trích: Màu Hoa Đỏ - nhạc Thuận Yến, thơ Nguyễn Đức Mậu).
Đất nước đã thống nhất được 50 năm, nhưng những bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình có công với cách mạng vẫn đang ngày đêm mong ngóng tin tức về con em mình - những người đã ngã xuống với non sông. Họ ra đi khi mới mười tám đôi mươi, hình bóng họ chỉ còn đọng lại trong ký ức, qua lời kể hay những bức hình nhòe đi vì năm tháng, mà may mắn lắm mới giữ được đến tận bây giờ.
Mỗi bước đi của chúng ta hôm nay đều được vun đắp từ những hy sinh âm thầm mà cao cả ấy. Thế hệ trẻ dù là cá nhân hay tập thể, đều đang có những cách khác nhau để thể hiện tình yêu nước và lòng biết ơn đối với thế hệ cha ông ngày trước.
Khuất Văn Hoàng (22 tuổi, Thạch Thất Hà Nội) và nhóm bạn của anh đã tận dụng kiến thức thiết kế đồ họa - một công việc gắn liền với thời đại công nghệ số, để phục dựng lại di ảnh của những vị anh hùng đã ngã xuống, thực hiện "Hành trình tri ân" tới các gia đình có công với cách mạng trên mọi miền Tổ quốc.
Hành trình tri ân của Hoàng bắt đầu từ đợt covid năm 2021. Đó là thời gian cách ly xã hội, mọi người đều phải ở nhà, Hoàng nhận làm ảnh thờ giúp những gia đình có người mất nhưng do dịch nên không thể đi lại được.
Tình cờ có một gia đình người nhà của liệt sĩ, họ đã nhắn tin nhờ Hoàng phục dựng lại tấm ảnh đã bị hỏng. Gia đình họ từng đi khắp nơi nhưng không có ai nhận làm và không làm được vì ảnh đã cũ nát rồi, khi đó chàng trai trẻ có nhận lời và triển khai ngay. Sau khi gửi cho gia đình họ, Hoàng nhận được cuộc điện thoại, mọi người đều bật khóc vì xúc động khi được nhìn thấy người thân của mình chân thực, rõ ràng nhất, dù chỉ là qua hình ảnh.
"Chính giọt nước mắt ấy làm bản thân mình nhận ra rằng, đây rồi chính đây là điều mà mình phải làm và có thể làm nhanh nhất với tuổi trẻ của mình, để được sống đúng với những gì ông cha đã căn dặn: Uống nước nhớ nguồn và tri ân quá khứ. Đó cũng chính là khởi nguồn cho hành trình tri ân của mình" - Hoàng tâm sự.
Mới đấy mà đã 4 năm Hoàng và nhóm của mình thực hiện hành trình tri ân, đã có gần 7.000 di ảnh của các anh hùng liệt sĩ được phục dựng trên mọi miền Tổ quốc. Thời gian đầu, nhóm của Hoàng có 6 anh em và hiện tại đã có 15 thành viên với nhiều độ tuổi khác nhau từ 8x cho tới 2k. Tất cả đều là những người trẻ, mang trong tim một lòng biết ơn vô hạn đến những người đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc.
"Có những ngày tháng cả nhóm phải sắp xếp lại công việc, tập trung làm giúp các gia đình thân nhân. Công việc cá nhân bị xáo trộn, thời gian nghỉ ngơi bên gia đình và bạn bè dường như là không có. Mọi thứ đều phải gác lại, để làm được nhiều ảnh hơn và nhanh nhất có thể, kịp thời gửi tới các gia đình thương binh liệt sĩ" - Hoàng tâm sự.
Hoàng cũng chia sẻ, khó khăn nhất chính là những tấm ảnh đa số đều đã cũ, mờ rất nặng nên việc miêu tả và vẽ lại cho chuẩn sẽ cần một quá trình tìm hiểu và trao đổi với các gia đình thân nhân. Có những bức ảnh mất tới 6 - 7 tiếng để phục dựng, và đa phần Hoàng toàn thực hiện vào ban đêm trong không gian tĩnh lặng và mọi người đều đã yên giấc.
Liệt sĩ Phạm Ngọc Hùng, người từng viết 60 lá thư gửi về cho mẹ trong 2 năm cùng lời hứa "sống với mẹ trọn đời ". Có bức thư chưa kịp tới tay gia đình thì anh vĩnh viễn nằm lại ở mảnh đất Kom Tum. Năm ấy anh tròn 20 tuổi.
Hơn nửa thế kỷ, mẹ chưa từng có nổi một tấm ảnh chung với 2 con trai - người đã ra đi mãi mãi trong chiến tranh. Và đây là tác phẩm mà nhóm của Hoàng đã phục dựng lại.
Vào ngày giỗ mỗi năm, mẹ chỉ lặng lẽ nhìn di ảnh con, nước mắt không còn để rơi. Mẹ chỉ mong một điều giản dị: Có một tấm ảnh hai mẹ con đứng cạnh nhau, như bao người khác. Và sau hơn 50 năm, điều tưởng chừng không thể đã thành hiện thực qua hành trình tri ân của Hoàng và nhóm bạn.
Sống và làm việc ở Hà Nội, Hoàng và nhóm bạn thực hiện phục dựng lại di ảnh của thương binh liệt sĩ và trao tận tay đến các gia đình thân nhân trên khắp mọi miền Tổ quốc. Trên hành trình tri ân ấy, có những nơi cách Hà Nội đến vài trăm hay cả nghìn cây số, đường đi hiểm trở khó khăn, nhưng mọi người vẫn đồng lòng vượt trở ngại. Chi phí thực hiện từ trước đến nay đều là cả nhóm tự túc 100%.
"Thời gian đầu là những ngày khó khăn nhất đối với mình, là sinh viên, vừa đi làm thêm vừa phục dựng di ảnh và trao tận tay đến các gia đình thân nhân. Những hành trình như thế thực sự khó khăn với mình ở thời điểm đó. Có một lần trong hành trình mang di ảnh của cô Võ Thị Sáu được phục dựng lại rõ nét từ Hà Nội ra Côn Đảo, mình phải bán một số những thứ mình có, và mượn thêm những người bạn để có đủ kinh phí" - Hoàng kể lại hành trình tri ân từ những ngày đầu tiên thực hiện.
Suốt 4 năm qua, với gần 7000 di ảnh được phục dựng và trao tận tay đến các gia đình thân nhân, mỗi bức ảnh được trao là một câu chuyện đặc biệt và vô cùng xúc động. Khi được hỏi về hành trình nào mà Hoàng ấn tượng và xúc động nhất, chàng trai trẻ bồi hồi kể lại:
"Câu chuyện khiến mình cảm thấy xúc động nhất, đó chính là hành trình phục dựng lại di ảnh của gia đình của Anh hùng Lực lượng vũ trang, liệt sĩ Đặng Thị Kim (Oanh). Liệt sĩ đã hi sinh vào năm 19 tuổi và đã bị chặt đầu khi đang mang thai 3 tháng.
Câu chuyện dường như chạm đến sâu thẳm trái tim sau khi lắng nghe từ gia đình liệt sĩ, họ không có nổi một tấm ảnh trọn vẹn để thờ. Duy nhất một tấm hình còn được giữ lại, đã rất cũ mờ. Em trai của liệt sĩ Đặng Thị Kim (Oanh) đã tâm sự với mình, bao năm mang đi khắp các tiệm ảnh và không có nơi nào nhận vì họ không làm được.
Khi gia đình gửi ảnh và kể lại câu chuyện của liệt sĩ, mình đã không kìm được nước mắt. Ở ngay tấm ảnh cũ, tình cờ cũng có một vết xước tại cổ, và bức ảnh được chụp khi liệt sĩ còn rất nhỏ. Khi trao di ảnh, gia đình liệt sĩ đã ôm trầm lấy mình và khóc. Mọi người nói đây là điều gia đình chờ đợi suốt mấy chục năm qua, đến giờ mới thực hiện được. Bản thân mình cũng vô cùng xúc động và hạnh phúc vì đã làm được một điều ý nghĩa dành cho gia đình liệt sĩ sau hơn nửa thế kỉ qua đi".
Gia đình liệt sĩ Đặng Thị Kim (Oanh)
"Càng làm rõ ảnh, mình càng thấy nghẹn.
Vì mỗi gương mặt hiện lên - là một cuộc đời dang dở.
Là thanh xuân bỏ lại, là mẹ già ngóng con, là tiếng gọi không ai trả lời…
Và mình - chỉ là người ngồi nối lại ký ức ấy, trong lặng lẽ".
Chàng trai trẻ từng chia sẻ trên trang cá nhân như vậy.
"Đối với mình, là một người trẻ đang theo đuổi hành trình tri ân này, mình chỉ hi vọng làm sao để có thể phục dựng được thật nhiều ảnh và làm nhanh nhất, để kịp thời trao gửi tới các gia đình thân nhân liệt sĩ và mẹ Việt Nam anh hùng, vì các mẹ không còn chờ được lâu nữa.
Mình cũng mong có thể lan tỏa được những điều tốt đẹp tới những người trẻ. Chúng ta đang sống trong thời bình, có thể làm những công việc khác nhau, theo đuổi những hoài bão của bản thân, nhưng hãy cố gắng sống làm sao cho đúng với 4 chữ 'uống nước nhớ nguồn', nhờ tới những người anh hùng đã ngã xuống để đổi lấy độc lập bình yên ngày hôm nay, để cho chúng ta được sống trong hòa bình đi những nơi mình muốn và làm công việc mình thích. Hòa bình hôm nay phải đổi bằng máu của cha ông, nên chúng ta là những người trẻ không được phép quên" - Hoàng chia sẻ.
Ảnh: NVCC