Chàng trai dành cả thanh xuân để hồi sinh mọi hồ nước tại Ấn Độ: Thế giới thực sự cần thêm nhiều người như anh

J.D, Theo Helino 21:07 28/03/2019

Những hồ nước tưởng như đã "chết", nay đã hồi sinh dưới bàn tay của một chàng trai có mong muốn giải cứu môi trường.

Không chỉ rác nhựa, nhân loại hiện đang phải đối mặt với cơn khủng hoảng nước trầm trọng nhất trong lịch sử. Theo báo cáo mới nhất của Hội đồng Nước thế giới (WWC), trên Trái đất hiện có trên 844 triệu người không có điều kiện tiếp xúc với nước sạch mỗi ngày. 

Nguyên nhân chính gây ra bi kịch này là do ô nhiễm nguồn nước trầm trọng tại nhiều khu vực trên thế giới. Tại nhiều nơi, người dân thực sự gặp vấn đề khi không có khả năng tìm được nước uống sạch, trong lành để uống và phục vụ sinh hoạt hàng ngày.

May mắn thay, thế giới vẫn còn những người như Ramveer Tanwar.

Chàng trai dành cả thanh xuân để hồi sinh mọi hồ nước tại Ấn Độ: Thế giới thực sự cần thêm nhiều người như anh - Ảnh 1.

Ramveer Tanwar

Chàng trai 26 tuổi dành cả thanh xuân để hồi sinh các hồ nước tại Ấn Độ

Một ngày nọ, chàng trai Ramveer Tanwar chợt nhận ra rằng những khu đầm hồ gắn liền với tuổi thơ của anh đang dần biến mất. Một phần vì hạn hán, phần khác là vô số đã bị ô nhiễm trầm trọng, trở thành bãi rác cho người dân địa phương từ lúc nào không hay.

Người dân thì thiếu nước, trong khi các nguồn nước thì đã ô nhiễm từ lâu. Tanwar không chấp nhận điều đó. Anh quyết định giờ là lúc phải thay đổi thực trạng này, muốn gia tăng nhận thức cho người dân, và đồng thời tìm cách hồi sinh các hồ nước tại đây. 

Chàng trai dành cả thanh xuân để hồi sinh mọi hồ nước tại Ấn Độ: Thế giới thực sự cần thêm nhiều người như anh - Ảnh 2.

Các nguồn nước tại Ấn Độ bị ô nhiễm trầm trọng

Việc giáo dục là không hề dễ dàng. Ban đầu, Ramveer dạy cho những đứa trẻ trong làng về tầm quan trọng của nước, giúp chúng nhận ra rằng mình phải hành động nếu không muốn chết vì không có nước. Anh muốn trẻ em sẽ về nói với bố mẹ chúng, về thực trạng của nước, để từ đó thay đổi nhận thức của toàn bộ dân làng.

Nhưng đáng buồn thay là kế hoạch không hề hiệu quả. Người dân thậm chí không tin rằng sẽ có một ngày họ cạn sạch nước để mà dùng.

Trời không chịu đất, thì đất chịu trời

Khi chưa thể cải thiện nhận thức của người dân, Ramveer quyết định sẽ tự mình đứng ra làm. Anh đến từng nhà, thuyết phục từng người, tổ chức nhiều buổi workshop về các phương pháp giúp bảo vệ nguồn nước.

Chàng trai dành cả thanh xuân để hồi sinh mọi hồ nước tại Ấn Độ: Thế giới thực sự cần thêm nhiều người như anh - Ảnh 3.

Và cuối cùng, mọi thứ đã thu được trái ngọt. Dân làng nhận thức được vấn đề họ đang phải đối mặt, rồi chính quyền địa phương cũng vào cuộc. Từ đó, tình trạng dần thay đổi.

Năm 2015, Ramveer và đội tình nguyện viên - gồm các học sinh, sinh viên và các bậc cha mẹ - đã tiến hành thu nhặt, loại bỏ toàn bộ rác ra khỏi một cái đầm nước lớn trong làng. Không chỉ làm sạch, họ còn trồng cây xanh xung quanh đó. Như trong hình ảnh dưới đây, hành động của Ramveer thực sự giống như hồi sinh lại một cái hồ đã chết vậy.

Chàng trai dành cả thanh xuân để hồi sinh mọi hồ nước tại Ấn Độ: Thế giới thực sự cần thêm nhiều người như anh - Ảnh 4.

Thành quả ấy nhanh chóng lan tỏa sang các vùng lân cận. Các làng, quận xung quanh bắt đầu tìm đến Ramveer, để được hướng dẫn phương pháp hồi sinh lại những cái hồ của họ, vốn cũng bị ô nhiễm từ lâu rồi. 

Dĩ nhiên, để có được thành quả này thì nhiệt tình thôi là không đủ, mà cần có một kế hoạch cụ thể. Theo Ramveer, điều quan trọng nhất là ngăn cản được các nguồn gây ô nhiễm trong tương lai. 

Vậy nên sau khi làm sạch, cả đội đã đào một cái hố rất to để gom rác, rồi lắp đặt hệ thống lọc gồm 2 lớp bằng gỗ và cỏ, để chặn rác lọt xuống nước sau này. Cả hố lẫn hệ thống lọc sẽ được làm sạch mỗi tuần 1 lần.

Hành trình không dừng lại

Ramveer muốn dự án bảo vệ nguồn nước của mình lan tỏa đến mọi nẻo đường tại Ấn Độ. Chính quyền địa phương cũng giúp đỡ anh, bằng cách thành lập một tổ chức với tên gọi "Groundwater Army" (đội quân nước ngầm), với người đồng giám sát là chính Ramveer.

Dù vậy, sự trở giúp của chính phủ là có giới hạn, đặc biệt là họ không có ngân sách dành cho kế hoạch của Ramveer. Anh đã luôn phải sử dụng tiền túi để thực hiện dự án này, và cho biết mình sẽ không dừng lại cho đến khi... phá sản.

Vậy mới thấy, thế giới cần thêm nhiều người như anh.

Tham khảo: BS, VT.co