Bỗng dưng vào một buổi sáng đẹp trời, bạn thức dậy và cảm thấy chán nản, không muốn làm bất cứ một công việc gì nữa. Hay như cả khi bạn vừa hoàn thành xong một dự án lớn, bạn không cảm thấy sung sướng, hạnh phúc gì cả; bạn không biết phải làm gì kế tiếp và cảm thấy như bế tắc trong cuộc sống.
Đừng quá lo lắng, điều đó vẫn luôn xảy ra với chúng ta, nhưng chúng ta phải hiểu được bản chất của vấn đề đó để có thể cân bằng lại cuộc sống của mình.
Là một vấn đề mà ai cũng sẽ gặp phải!
Trước hết, bạn phải tư duy đây là một vấn đề không thể tránh được trong cuộc sống. Ở một thời điểm nào đó, chúng ta sẽ đều cảm thấy thiếu cảm hứng hoặc mất đi động lực để tiếp tục tiến lên phía trước. Bạn sẽ luôn biết khi mà cảm giác này xuất hiện, nó giống như có một tảng đá ngáng chân bạn hoàn thành mọi việc vậy.
"Đôi khi mọi người đánh mất động lực vì họ không còn cảm thấy công việc của mình còn ý nghĩa nữa. Ví dụ như họ đã quên đi những ảnh hưởng tích cực mà công việc này đang đóng góp cho xã hội như thế nào. Và đôi khi bạn còn không nhận ra mình đang vướng vào vấn đề này cho đến khi bạn phải thực sự đối mặt với hậu quả của nó." - bà Liz Fosslien và Mollie West Duffy, hai tác giả của cuốn sách "No Hard Feelings" chia sẻ.
Theo nghiên cứu, bà West Duffy cho rằng đó là một quá trình chậm rãi từ từ diễn ra, giống như câu chuyện về hội chứng luộc ếch (the boiling frog) vậy. Hội chứng luộc ếch nôm na có nghĩa là: Khi bạn thả một con ếch vào nước sôi, sức nóng của nước sẽ làm con ếch nhảy vụt ra để thoát thân. Nhưng nếu bạn đặt con ếch vào nước lạnh và đun nước nóng dần, con ếch sẽ không nhận ra mối hiểm hoạ và thích nghi dần với nhiệt độ, cho đến lúc nước sôi nó vẫn cố chịu đựng và sẽ chết khi kiệt sức.
Cảm thấy thiếu cảm hứng, thiếu động lực đôi khi có thể (dù không phải là luôn luôn) dẫn tới sự kiệt sức. Đôi khi bạn rất khó để xác định chính xác và nhận ra rằng bạn đang ở trong mớ bòng bong này, nhưng đây là thực tế đang rất phổ biến trong thế giới hiện đại. Một nghiên cứu từ năm 2018 cho thấy ⅕ số lao động hiện nay đang có tỉ lệ kiệt sức rất cao.
Kiệt sức là một điểm đến bất hạnh cho vòng luẩn quẩn ấy với những hậu quả nghiêm trọng như việc mất niềm tin vào cuộc sống, công việc và dần hình thành nên sự bất mãn lâu dài.
Nhưng, có những phương pháp mà bạn có thể chống lại điều đó, bằng cách tận dụng những "vũ khí" hạnh phúc trong mỗi chúng ta!
Bốn loại hoóc-môn mang tới hạnh phúc cho con người
Con người và khoa học mới chỉ khám phá ra những loại hoóc-môn này trong trong vòng một trăm năm trở lại đây. Trong mỗi chúng ta, có bốn loại hoóc-môn đem lại cảm giác hạnh phúc mà bạn có thể chưa từng nghe tới. Các hoóc-môn này được cơ thể tự sản sinh trong các hoàn cảnh phù hợp và do đó tạo ra cảm xúc hạnh phúc từ bên trong cho chính chúng ta.
Vũ khí đầu tiên của cơ thể là Dopamine, là loại hoóc-môn mang lại những niềm vui và cảm xúc bùng nổ tức thời, được sản sinh khi hoàn thành được các mục tiêu và đến cùng cảm giác mãn nguyện.
Serotonin là loại hoóc-môn thứ hai mang lại cảm giác hạnh phúc của sự ghi nhận, đến từ việc tạo ra những ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng.
Hoóc-môn thứ ba là: Oxytocin, đem lại cảm giác được yêu thương, kết hợp cùng Senotorin sẽ tạo ra cảm giác hạnh phúc và tin tưởng, đến từ những hành vi gần gũi về mặt cơ học.
Và cuối cùng là Endorphin - hoóc-môn tạo ra năng lượng và niềm vui của của sự khỏe mạnh. Endorphin đến từ việc tập luyện thể thao và được sản sinh khi chúng ta tiến hành các hoạt động này.
Bốn "vũ khí" của cơ thể chính là những công cụ tuyệt vời mà tạo hóa đã ban tặng cho mỗi chúng ta.
Làm sao để kích hoạt và sử dụng đúng cách những "vũ khí" này?
Để đối phó với việc thiếu cảm hứng trong công việc, giải pháp đầu tiên mà chúng ta có thể áp dụng là tận dụng vũ khí chiến lược "Dopamine". Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Harvard về "Quy tắc theo dõi tiến độ", việc đạt được các tiến độ liên tục trong công việc sẽ khích lệ cảm xúc, động lực và sự nhận thức của một cá nhân trong một ngày làm việc.
Thông thường, bạn có thể cảm thấy không có động lực vì mục tiêu bạn đề ra quá lớn. Do đó, mẹo nhỏ là bạn có thể chia nhỏ mục tiêu lớn này thành hệ thống các phần thưởng nhỏ, những việc gì mà bạn có thể làm hôm nay, việc mà bạn có thể gạch chéo đầy tự hào vào cuối ngày?
Ngay cả những tiến độ nhỏ, như việc gửi đi được chiếc email mà bạn đã trì hoãn từ rất lâu, cũng có thể góp phần tạo ra cảm giác của sự hoàn thành, do đó có thể khích lệ cảm xúc của bạn.
Tiếp theo, nếu Dopamine cùng nguồn cảm hứng tức thì vẫn là chưa đủ, có thể Serotonin và Oxytocin là bộ đôi hoóc-môn bạn đang tìm kiếm. Hãy tập trung hơn vào các mối quan hệ ở nơi làm việc, thay vì chỉ chăm chăm vào việc đang làm và bạn sẽ nhận thức được tốt hơn về chính công việc của mình.
Hãy dành vài phút nghỉ trong ngày, ghi lại xem công việc bạn làm hôm nay đã tạo ra ảnh hưởng tích cực như thế nào tới những đồng nghiệp, đóng góp của bạn cho sếp – công ty hay xã hội. Những giây phút nhỏ này sẽ giúp bạn vào trạng thái hồi tưởng rằng ngay cả khi bạn đang trong thời gian khó khăn và chán nản, bạn vẫn đang giúp được những người xung quanh và qua đó tái lập niềm cảm hứng trong bạn.
Khi bạn nhận thức được công việc của mình đang tạo ra ảnh hưởng tích cực như thế nào lên cộng đồng xung quanh, Serotonin sẽ liên tục được sản sinh như kết quả của việc được ghi nhận trong khi việc thân thiết với các đồng nghiệp và thực sự yêu thương mọi người sẽ tạo ra cảm giác được yêu thương, gắn bó của Oxytocin.
Thực vậy, nuôi dưỡng những mối quan hệ này có thể chính là nguồn động lực mà bạn đang tìm kiếm. Các nghiên cứu đã chỉ ra động lực trong công việc thường đến từ chính những người mà bạn quan tâm, và những người có bạn bè trong công việc sẽ thường cảm thấy dễ chịu hơn với công việc của họ. Theo khảo sát năm 2018 của Gallup, khi các nhân viên có sự hòa nhập thực sự với các thành viên trong đội của họ, họ có xu hướng hành động tích cực, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và bản thân sự nghiệp của họ.
Khi mà tất cả những điều này đều thất bại và bạn không thể tìm thấy "dấu vết" của nguồn cảm hứng, hãy trở về với vũ khí cơ bản nhất, một phương pháp luôn-luôn-đúng: đứng dậy và dành chút thời gian tách khỏi công việc đi.
Đi dạo hay tập luyện một chút sẽ giúp bạn sản sinh Endorphin, tạo ra thêm năng lượng và sự phấn chấn cho những thử thách tiếp theo. Một vài cái hít đất để thử độ khỏe vai hay vài lần lên xuống cầu thang chẳng hạn. Sức mạnh có thể đến từ những hành động rất nhỏ.
Lời kết
Khi mà khoa học ngày càng phát triển hơn, con người sẽ ngày càng có nhiều cơ hội để hiểu hơn về chính bản thân mình. Nắm rõ và hiểu được bản chất của bốn loại hoóc-môn hạnh phúc sẽ giúp bạn điều chỉnh được hành vi, hoạt động của mình lại theo hướng tích cực hơn.
Điều cuối cùng, khi mà công việc trở nên tiêu cực vì bạn đang làm việc quá nhiều và nó lấy đi sức khỏe tinh thần của bạn. Hãy nhớ rằng: công việc không định nghĩa nên bạn, nó cũng chỉ là một phần cuộc sống của bạn mà thôi. Khi bạn cảm thấy thực sự tệ, đó là thời điểm khó khăn nhất, nhưng cũng là lúc quan trọng nhất để tìm đến thứ gì đó không liên quan tới công việc mà đem lại niềm vui cho bạn. Hãy luôn làm những điều mang tới cho bạn sự vui vẻ, phấn khởi vì một cuộc đời tốt đẹp hơn!