Chân dung ba giáo sư trẻ nhất năm 2022

Vy Vy/VTC News, Theo VTC News 15:27 02/11/2022
Chia sẻ

Ứng viên trẻ nhất đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư năm 2022 đều sinh năm 1979.

Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhiệm kỳ 2018-2023 vừa tổ chức phiên họp lần thứ X xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2022. Theo đó, số ứng viên đạt đủ phiếu tín nhiệm chức danh GS, PGS năm 2022 theo quy định là 383, gồm 34 ứng viên GS, 349 ứng viên PGS.

Chân dung ba giáo sư trẻ nhất năm 2022 - Ảnh 1.

Ông Lê Văn Cảnh - Phó hiệu trưởng Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM. (Ảnh: HCMIU)

Ứng viên trẻ nhất đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư là ông Lê Văn Cảnh (sinh ngày 11/11/1979, quê Đại Hồng, Đại Lộc, Quảng Nam), ngành Cơ học. Ông Cảnh hiện là Phó hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM.

Năm 2001, ông tốt nghiệp cử nhân ngành Xây dựng tại Đại học Kiến trúc Hà Nội. Từ năm 2001 đến năm 2006, ông là giảng viên trường Cao Đẳng Xây dựng số 2, Bộ Xây dựng. Ông thực hiện nghiên cứu sinh tại trường Đại học Sheffield, Anh Quốc từ 2006 đến 2009. Tiếp đó, ông nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Sheffield, Anh Quốc. Từ 2011 đến nay, ông Cảnh là giảng viên, trưởng bộ môn, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM.

Các hướng nghiên cứu chủ yếu của ông trong ngành Cơ học là Phương pháp số (FEM, SFEM, meshfree methods, XFEM), phân tích dẻo các kết cấu xây dựng (limit and shakedown analysis) và mô phỏng đa tỷ lệ (multi-scale modelling techniques), tính toán đồng nhất vật liệu compostie (computational homogenization).

Về kết quả nghiên cứu khoa học, ông Cảnh đã hoàn thành 2 đề tài cấp quốc gia (Bộ), 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước. Bên cạnh đó, ông công bố 75 bài báo và báo cáo khoa học, trong đó 34 bài báo trên tạp chí quốc tế uy tín.

Năm 2012, ông được Trung ương Đoàn và Bộ Khoa học Công nghệ trao giấy chứng nhận Tuyên dương Tài năng trẻ Khoa học Công nghệ toàn quốc. Năm 2013, ông Cảnh là một trong 10 gương mặt đạt giải thưởng Quả cầu Vàng do Trung ương Ðoàn cùng Bộ Khoa học và Công nghệ phát động. Năm 2019, ông nhận Bằng khen của Thủ tướng vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Hai ứng viên được xét đạt chuẩn giáo sư cũng sinh năm 1979 là Chu Mạnh Hoàng - ứng viên ngành Vật lý và Nguyễn Ngọc Minh - ứng viên ngành Khoa học Trái đất. Ông Chu Mạnh Hoàng (sinh ngày 13/7/1979) công tác tại Đại học Đại học Bách khoa Hà Nội.

Từ tháng 5/2012 đến tháng 8/2012 ông Hoàng là nghiên cứu viên tại Viện Đào tạo quốc tế về Khoa học Vật liệu (ITIMS), Đại học Bách khoa Hà Nội. Từ tháng 9/2012 đến tháng 4/2018 ông là giảng viên tại viện này. Từ tháng 5/2018 đến tháng 6/2022, ông là giảng viên cao cấp tại đây.

Đến nay, ông Hoàng hoàn thành 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước. Ông có 132 bài báo khoa học, trong đó 38 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín; được cấp 12 bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích và xuất bản 3 cuốn sách. Các hướng nghiên cứu chủ yếu của ông là về vi hệ thống cơ - quang - điện tử, quang học micro/nano, cảm biến quang.

Ông Nguyễn Ngọc Minh (sinh ngày 5/1/1979) công tác tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Từ năm 2002 đến năm 2005, ông là cán bộ hợp đồng giảng dạy tạo nguồn tại Khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Từ năm 2005 đến năm 2008, ông là nghiên cứu sinh tại Viện Khoa học đất - ĐH Leibniz Hannover và Viện Địa chất - ĐH Greifswald, Đức.

Từ tháng 6/2010 đến tháng 12/2010, ông nghiên cứu sau tiến sĩ tại Viện Khoa học đất, ĐH Leibniz Hannover. Từ tháng 9/2015 đến tháng 5/2016 ông nghiên cứu thỉnh giảng chương trình Fulbright tại Đại học Indiana Bloomington, Mỹ.

Từ tháng 10/2008 đến nay, ông Minh là giảng viên cơ hữu tại Khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Các hướng nghiên cứu chủ yếu của ứng viên này là về sử dụng phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất vật liệu cải tạo đất và xử lý ô nhiễm môi trường đất, khoáng vật học thổ nhưỡng và mô hình lan truyền các chất trong môi trường đất.

Ông Minh đã hoàn thành 8 đề tài khoa học, trong đó 4 đề tài cấp nhà nước, 1 đề tài cấp Đại học Quốc gia Hà Nội và 3 đề tài cơ sở (cấp trường Đại học Khoa học Tự nhiên). Ông cũng từng công bố 80 bài báo khoa học và có chứng nhận hợp lệ 2 bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích về sản xuất than hoạt tính từ sinh khối cây guột và màng tinh thể tùy biến kích thước vi mao quản ứng dụng trong sản xuất phân bón chậm tan thông minh.

Ngoài ra, nam ứng viên xuất bản 5 sách/giáo trình phục vụ giảng dạy đại học, sau đại học (trong đó 1 sách chuyên khảo và 4 giáo trình) và tham gia biên soạn “Bách khoa toàn thư Việt Nam” - Quyển 9, chuyên ngành Nông nghiệp, Thủy lợi.

Sau khi Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố công khai danh sách các ứng viên đạt đủ phiếu tín nhiệm, trong thời hạn 15 ngày, nếu không có đơn thư, phản ánh, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước sẽ ký quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2022.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày