Cầu Hàm Rồng ở Thanh Hóa. Ảnh: TTXVN
Hiện cơ quan chức năng đang tiến hành theo dõi 24/24, nếu xảy ra sự cố xảy ra sẽ có phương án đảm bảo an toàn giao thông cho tuyến đường sắt huyết mạch này.
Tại mố cầu hình nón phía nam cầu Hàm Rồng, đã có hàng trăm m3 đá bị sạt trượt với chiều sâu hơn 1m, kéo dài hàng chục mét và đang có xu hướng đổ ra lòng sông Mã, không còn tác dụng bảo vệ mố cầu theo thiết kế được làm trước đó. Gỗ từ chân đường sắt trên cầu cũng bị tròi ra, sắt ở mố bê tông cũng đã hoen gỉ vì đã được làm cách đây hàng chục năm.
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Gia Khánh, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Quản lý đường sắt Thanh Hoa cho biết, từ ngày 12/10, đã ghi nhận việc sụt lún khu vực chân cầu Hàm Rồng có tuyến đường sắt Bắc-Nam chạy qua tại điểm Km 170+487 và có biểu hiện ngày càng sụt lún nghiêm trọng.
Đến nay, phần chân khay tứ nón bị sụt dài 25 m, sâu từ 0,7 – 1,2 m; vết nứt tứ nón và mái taluy đường bộ đầu cầu kéo dài từ đỉnh tứ nón đến chân khay dài 12,5 m, rộng từ 0,5-0,6 m; giữa tứ nón và mặt bên mố cầu nứt rộng từ 0,5-0,6 m, dài 13 m; đế bảo vệ trước mố khu vực chân khay bị tụt từ 0,5-1 m, chiều dài 20 m, rộng từ 0,3-0,6 m.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nước sông Mã có hiện tượng đổi dòng, cộng với từ hồi tháng 9 và tháng 10/2018 vừa qua, Thanh Hóa có xảy ra mưa lũ lớn, khiến nước xoáy lồng, cộng với dòng chảy mạnh đã làm tứ nón mố phía Nam hạ lưu cầu Hàm Rồng bị xói lở nặng, làm hẫng và gẫy chân khay gây lún, sụt và nứt toác tứ nón.
Trước thực trạng trên, Công ty TNHH Một thành viên Quản lý đường sắt Thanh Hoa đã báo cáo Cục đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam để đề nghị cho phép xử lý khẩn cấp những hư hỏng trên. Ngoài ra, Công ty cũng đã cử người túc trực 24/24 giờ để theo dõi. Nếu phát hiện công trình không đảm bảo cho người và phương tiện sẽ cho cấm đường ngay.