Covid-19 làm đảo lộn cuộc sống của tất cả chúng ta. Người già cũng không ngoại lệ. Khi một người chẳng may mắc Covid-19 thì không tránh khỏi những lo lắng, muộn phiền dù ít dù nhiều. Ông bà, cha mẹ chúng ta - những người có tuổi thì nguy cơ này càng cao hơn. Thậm chí ở tầm tuổi này, người cao tuổi dễ chuyển biến nặng do sức khỏe tinh thần không được ổn định.
Chưa kể, người già có sức chịu đựng kém hơn. Nếu chẳng may mắc Covid-19 thì khả năng tự chăm sóc bản thân cũng thấp hơn. Việc chăm sóc cho ông bà, cha mẹ khi mắc bệnh Covid-19 cần có những lưu ý riêng biệt. Nhất là người già còn có những bệnh nền, việc sử dụng thuốc cũng cần đặc biệt lưu tâm.
Đặc biệt, khi mắc Covid-19, nhiều bệnh nhân cao tuổi thường bị suy sụp tâm lý. Lúc này, con cháu càng là nguồn động viên to lớn, giúp ông bà, cha mẹ mình sớm vượt qua căn bệnh này.
Vậy, cụ thể thì việc chăm sóc người cao tuổi mắc Covid-19 khác người trẻ mắc bệnh như thế nào? Chúng ta cần tuân thủ những điều gì để giúp người thân của mình sớm hồi phục? Hãy cùng lắng nghe chia sẻ dưới đây của chuyên gia!
1. Khi chăm sóc ông bà, cha mẹ mắc bệnh Covid-19 cần chú ý những gì?
Theo PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh (Giám đốc Trung tâm Y học gia đình và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Bệnh Viện Đại Học Y Hà Nội), người già mắc Covid-19 rất khó có thể tự chăm sóc bản thân mình. Bởi vì vốn dĩ bình thường chưa mắc Covid-19 thì cũng có rất nhiều người không độc lập, không tự chủ trong cuộc sống của mình. Do vậy, chúng ta có thể thấy trong quy định của Bộ Y tế, nếu người trẻ mắc Covid-19 có thể tự cách ly tại nhà và được tự quản lý, điều trị ở nhà. Nhưng với F0 là người cao tuổi thì sẽ được khuyên vào điều trị ở khu tập trung, không được điều trị tại nhà. Tất nhiên ở những vùng có số lượng người mắc Covid-19 nhiều, có những gia đình cả nhà cùng mắc thì người F0 cao tuổi cũng được theo dõi, điều trị ở nhà.
"Lúc này, chúng ta cần hết sức lưu ý, người cao tuổi có những triệu chứng biểu hiện không điển hình, đôi khi nặng lên rất nhanh chóng. Do vậy, việc theo dõi các triệu chứng Covid-19 ở người già cần phải sát sao hơn so với người trẻ. Chúng ta cần báo cáo thường xuyên hơn cho cán bộ y tế về trường hợp của ông bà, cha mẹ mình. Với người trẻ cần báo cáo 1 lần/ ngày thì người già cần báo cáo 2 lần/ ngày với những triệu chứng được khuyến cáo như nhiệt độ cơ thể, huyết áp (nếu có máy đo huyết áp), nồng độ SpO2 , nhịp thở, toàn trạng như có cảm thấy mệt hơn so với ngày thường, ăn uống có đảm bảo được hay không, việc đi lại thế nào...", PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh nói.
Chuyên gia chia sẻ thêm, nếu ông bà, cha mẹ vẫn đi lại, nói chuyện được bình thường, tinh thần tỉnh táo, thoải mái... thì vẫn ổn. Còn nếu tinh thần tự dưng mệt không giải thích được, ăn không muốn ăn, nói không muốn nói, rối loạn tri giác (tự dưng không nhớ ngày, nhớ tháng, quên tên con cháu...) là dấu hiệu trở nặng. "Đây là dấu hiệu cảnh báo cần quan tâm trước khi nồng độ SpO2 tụt thấp hay nhịp thở tăng cao", chuyên gia khẳng định.
2. Người cao tuổi bị Covid-19 dễ suy sụp tâm lý, chuyên gia đưa ra giải pháp!
PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh chia sẻ, trong thời gian qua, bệnh viện cũng theo dõi, quản lý rất nhiều bệnh nhân Covid-19 điều trị ở nhà và điều trị ở bệnh viện, cơ sở y tế. Đúng là người cao tuổi thường lo lắng hơn người trẻ khi mắc Covid-19. Ví dụ, người cao tuổi ở trong một khu có người bên cạnh bị Covid-19, hoặc nghe tin hàng xóm cũng bị Covid-19 trở nặng là lo lắng quá độ. Câu hỏi đầu tiên của các bác luôn là "không biết tôi sẽ bị nặng lên không cô nhỉ? Ngày mai tôi sẽ nặng lên đến thế nào?"... Hôm nay có khi người già mắc Covid-19 chưa nặng đâu nhưng luôn hình dung, tưởng tượng ra mình bị nặng, nặng lắm, nặng như người bị chuyển biến nặng nhất thành ra rơi vào lo âu, sợ hãi, mất ngủ, trầm cảm, như người rơi xuống vực rồi.
"Khi lo lắng quá, nhịp tim tăng lên, tất cả những rối loạn trong cơ thể là một thể thống nhất. Mất ngủ, buồn nôn, chán ăn, lo âu... càng ngày càng nặng lên nữa. Do đó, việc ổn định tinh thần rất quan trọng", PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh nói.
Theo chuyên gia, một là, người cao tuổi nếu đã được tiêm phòng Covid-19 rồi thì mình cũng sẽ không bị nặng. Hai là cần tự trấn tĩnh bản thân vì cơ thể sẽ có sức đề kháng, chiến đấu với bất cứ cái gì, Covid-19 cũng vậy, người mình phải khỏe đã, mình có sức chiến đấu mới có khả năng chiến thắng lại được nên người cao tuổi phải ăn, uống, ngủ, nghỉ đều đặn thường xuyên. Lớp thành bảo vệ của mình vững chắc, sau đó là đến tinh thần của chính mình.
"Người cao tuổi nên nhớ mình lo lắng cũng không giải quyết được gì. Nếu các bác lo triệu chứng của mình nặng lên thì hỏi bác sĩ. Thường là đã tiêm phòng vắc-xin thì người cao tuổi cũng đã có hệ thống, hàng rào bảo vệ tốt rồi thì sẽ không bị nặng quá, không nên lo lắng. Còn nếu có bác rơi vào trường hợp "tôi không lo nhưng tự nhiên nó vẫn cứ lo, nhịp tim tăng lên, hồi hộp..." thì cần sự trợ giúp động viên, an ủi của những người xung quanh", chuyên gia nhận định.
Lúc này, họ hàng, con cháu nên thường xuyên gọi điện, động viên ông bà, cha mẹ, gọi điện cho bác sĩ... Thường thì người cao tuổi mắc bệnh nhìn thấy bác sĩ qua video call cũng đã cảm thấy yên tâm hơn rồi nên chuyên gia khuyên, con cháu cũng nên thường xuyên quan tâm hỏi han, nhìn mặt qua video online như vậy cũng là một cách trợ giúp tinh thần, giúp ông bà, cha mẹ đi qua dịch Covid-19.
"Ngay cả với người cao tuổi chưa bị Covid-19 cũng nên chuẩn bị kỹ điều này để trang bị cho mình những kiến thức cơ bản, ăn uống ra sao, chẳng may bị Covid-19 thì gặp ai đầu tiên... Trên trang web của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, trang web của Bộ Y tế... đều có đủ, các bác nên đọc trước để chuẩn bị tinh thần, không còn lo sợ Covid-19", chuyên gia cho biết thêm.