Mừng tuổi, lì xì cho trẻ em là tục lệ đẹp ngày Tết của người dân Việt Nam. Tùy theo khu vực nông thôn hay thành thị mà trẻ được lì xì ít hay nhiều. Trong đó, có trẻ ở thành phố hoặc gia đình có điều kiện thì tiền lì xì Tết có thể lên đến vài chục triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng.
Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ sau Tết lại tự ý thu, lấy luôn tiền lì xì của con với lời hứa "giữ hộ" nhưng không bao giờ trả lại. Thậm chí, có trường hợp con đòi, cha mẹ không trả mà đưa ra nhiều lý do khác nhau để giữ tiền lì xì của con. Vậy, hành vi này của cha mẹ có đúng với quy định pháp luật hay không?
Luật sư Nguyễn Thị Vinh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, theo quy định của pháp luật, hành vi cha mẹ tự ý thu giữ tiền lì xì của con là vi phạm pháp luật, bởi trẻ em có quyền về đảm bảo quyền tài sản.
Lì xì đầu năm mới là nét đẹp của người Việt
Cụ thể, theo Điều 75 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì con cái có quyền có tài sản riêng. Bao gồm, tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác.
Theo luật sư Vinh, tiền lì xì là tiền người lớn tặng cho trẻ em trong dịp Tết nên đây là giao dịch tặng cho và số tiền này là tài sản riêng của trẻ em. Với những trẻ em dưới 15 tuổi thì cha mẹ có thể quản lý giữ giúp tiền của trẻ em, với trẻ em từ 15 tuổi trở lên thì có thể tự mình quản lý tiền lì xì của mình.
Theo Điều 77 Luật Hôn nhân và Gia đình, trẻ từ đủ 15 tuổi trở lên được quyền quản lý tài sản riêng (bao gồm tiền lì xì). Trường hợp dưới 15 tuổi thì tài sản riêng do cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý nhưng chỉ được định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con. Như vậy, cha mẹ không thể tự ý lấy tiền lì xì của con phục vụ cho mục đích khác, luật sư Vinh nói.
Vậy hành vi lấy tiền lì xì của con và sử dụng cho mục đích khác sẽ bị xử lý như thế nào? Theo luật sư Vinh, Điều 58 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định, cha mẹ tự ý lấy tiền lì xì của con để phục vụ mục đích khác, sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng về lỗi "chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình".
Tuy nhiên, để có căn cứ xử phạt, cha mẹ giữ tiền lì xì của con, cơ quan chức năng cần làm rõ đây có phải là hành vi "chiếm đoạt tài sản riêng của con" hay không. Bởi lẽ, nếu giữ tiền lì xì để con tiết kiệm tiền, không tiêu sai mục đích và dùng chi tiêu cho con trong các hoạt động khác thì không bị phạt.
Luật sư Vinh cũng cho rằng, hành vi chiếm đoạt tài sản riêng của các thành viên khác trong gia đình bằng thủ đoạn gian dối, lén lút hoặc bằng vũ lực, bạo lực cũng có thể bị xem xét xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội trộm cấp tài sản hoặc tội cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản... theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015.