Nhờ làn sóng hưởng ứng Đại lễ 30/4 và “concert quốc gia” lan tỏa suốt tháng qua, ca khúc Viết Tiếp Câu Chuyện Hòa Bình trở thành hiện tượng âm nhạc mới. Tối 7/5, video Võ Hạ Trâm - Đông Hùng trình diễn Viết Tiếp Câu Chuyện Hòa Bình tại Đại lễ 30/4 chính thức leo lên top 1 trending YouTube mảng âm nhạc, với hơn 2.2 triệu views sau 7 ngày đăng tải.
Tối 7/5, video Võ Hạ Trâm - Đông Hùng trình diễn Viết Tiếp Câu Chuyện Hòa Bình tại Đại lễ 30/4 chính thức leo lên top 1 trending YouTube mảng âm nhạc
Viết Tiếp Câu Chuyện Hòa Bình là ca khúc nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung sáng tác từ năm 2023, nằm trong album cùng tên. Bài hát được thể hiện đầu tiên bởi ca sĩ Nguyễn Duyên Quỳnh. Nữ ca sĩ cũng là người đưa ra ý tưởng cho nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung sáng tác Viết Tiếp Câu Chuyện Hòa Bình. Thời điểm ra mắt, Nguyễn Văn Chung và Nguyễn Duyên Quỳnh không nghĩ đến việc bài hát sẽ viral, tiếp cận với giới trẻ.
Bài hát có một đời sống mới khi được người dùng TikTok remix thành bản phối nhạc house, sử dụng trong hàng nghìn video nội dung yêu nước. Sức mạnh của Đại lễ 30/4 và “concert quốc gia” đưa Viết Tiếp Câu Chuyện Hoà Bình trở thành hiện tượng. Bản remix 45 giây được lựa chọn làm nhạc nền cho chiến dịch đa nền tảng Hòa Bình Đẹp Lắm. Sau 30/4, Viết Tiếp Câu Chuyện Hòa Bình thu về hơn 3.1 tỷ lượt xem trên các nền tảng video ngắn, bài hát gốc lọt top #8 BXH Viral 50 của Spotify Việt Nam.
Viết Tiếp Câu Chuyện Hòa Bình là ca khúc nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung sáng tác từ năm 2023, nằm trong album cùng tên do Nguyễn Duyên Quỳnh thể hiện
Sau khi bài hát trở thành hit quốc dân mới, được khán giả quan tâm, phần ca từ trở thành chủ đề tranh luận. Sáng 7/5, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đăng clip phân tích về ca từ Viết Tiếp Câu Chuyện Hòa Bình. Anh chia sẻ bản thân nhận được rất nhiều tin nhắn, thư gửi về từ khán giả. Đặc biệt là không ít giáo viên dạy Ngữ văn, Âm nhạc thắc mắc câu hát: "Cha ông ta ngày xưa ngã xuống để cho đời ta ngày sau đổi lấy hoà bình". Theo đó. cặp từ đối lập "ngày xưa - ngày nay" sẽ hay và hợp hơn "ngày xưa - ngày sau", những chi tiết này gây khó hiểu và nổ ra tranh luận trái chiều.
Nguyễn Văn Chung giải thích về câu hát "Cha ông ta ngày xưa ngã xuống để cho đời ta ngày sau đổi lấy hoà bình"
Đứng ở góc độ tác giả viết nên ca khúc, là người nghệ sĩ lớn lên trong thời bình, Nguyễn Văn Chung bày tỏ anh viết bài hát với tâm thế một người đang đứng trước tượng đài anh hùng liệt sĩ với mong muốn gắn kết quá khứ và hiện tại.
"Cha ông ta sẵn sàng hy sinh ngay cả khi không chắc chắn ngày nào đất nước hòa bình. Điều đó càng khiến sự hy sinh của họ thêm cao đẹp, vĩ đại. Vì vậy, tôi dùng từ 'ngày sau' - thể hiện sự chưa xác định rõ ràng - thay vì 'ngày nay'. Câu hát này cũng tương tự cha mẹ chúng ta hay nói 'ngày xưa làm việc vất vả, sống tiết kiệm để các con ngày sau có cái ăn, cái mặc' vậy", anh phân tích.
Nguyễn Văn Chung đăng clip phân tích về ca từ Viết Tiếp Câu Chuyện Hòa Bình
Nguyễn Văn Chung cho biết, anh chọn “ngày sau” hay vì “ngày xưa” là để đáp ứng khía cạnh kỹ thuật cho ca sĩ thể hiện
Do đó, khi viết ca khúc, Nguyễn Văn Chung cất nhắc rất kỹ trong khâu chọn từ ngữ. Tuy nhiên, lời bài hát cũng cần phải phối hợp mượt mà cùng giai điệu, nhịp phách. Hệ giống dấu câu, âm bằng - trắc, phát âm tiếng Việt phong phú là thử thách với các nhạc sĩ. Nguyễn Văn Chung cho biết, anh chọn “ngày sau” hay vì “ngày xưa” là để đáp ứng khía cạnh kỹ thuật cho ca sĩ thể hiện. Từ "sau" với âm "s" giúp ca sĩ có "đất" để thả hơi, xử lý câu hát mềm mại và sâu sắc hơn.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung còn đăng 1 video khác giải thích về cụm từ "giữa khói binh". Cụm từ được lấy trong "khói lửa binh đao", tượng trưng cho truyền thống yêu nước của cả những người lính thời chiến hay trong thời bình. Vì bài hát không có nhiều không gian nên ưu tiên chọn cụm từ có ý nghĩa tượng trưng nhất để viết.
Nguyễn Văn Chung quyết định để cho các thầy cô thanh nhạc, nhạc cụ được sử dụng Viết Tiếp Câu Chuyện Hoà Bình dạy online trên các nền tảng
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung biết ơn vì khán giả đã lắng nghe và dụng tâm góp ý, đưa đến cho anh góc nhìn đa chiều để viết nhạc tốt hơn. Anh thừa nhận khó sửa lời vì sẽ gây ảnh hưởng nhiều bên, nhất là các đơn vị phát hành bài hát. Video của Nguyễn Văn Chung thu hút sự chú ý, bàn luận từ cư dân mạng. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng quyết định để cho các thầy cô thanh nhạc, nhạc cụ được sử dụng Viết Tiếp Câu Chuyện Hoà Bình dạy online trên các nền tảng, không tính bản quyền. Nhiều người khen ngợi nam nhạc sĩ biết lắng nghe khán giả và rất tâm huyết trong việc tạo ra tác phẩm có sức ảnh hưởng đến cộng đồng.