“CĐV cố sờ tay sờ chân cầu thủ, nức nở khen đẹp trai”: Vị HLV lão làng & ký ức đẹp về trận cầu thống nhất

Linh Đan, Theo ĐỜI SỐNG & PHÁP LUẬT 22:34 29/04/2025
Chia sẻ

Dù đã nhiều năm trôi qua, nhưng với HLV Mai Đức Chung, ký ức về những trận cầu Bắc – Nam sum họp vẫn luôn in sâu trong tâm trí ông.

“17h trận đấu mới bắt đầu nhưng 11, 12h trưa các khán đài đã đông nghịt rồi. Đến khi chúng tôi ra sân, các khán giả đứng sát đường biên cố gắng sờ chân sờ tay các cầu thủ và nức nở khen chúng tôi rắn giỏi, trẻ khỏe, to cao đẹp trai”, HLV Mai Đức Chung bồi hồi nhớ lại.

Đó là những ngày tháng 11 năm 1976, đội Tổng cục Đường sắt Việt Nam được Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam cử vào thi đấu giao hữu với các đội bóng phía Nam. Lần đầu tiên kể từ ngày đất nước thống nhất 30/4/1975, khán giả được chứng kiến trận đấu giữa cầu thủ hai miền.

“CĐV cố sờ tay sờ chân cầu thủ, nức nở khen đẹp trai”: Vị HLV lão làng & ký ức đẹp về trận cầu thống nhất- Ảnh 1.

HLV Mai Đức Chung trải qua nhiều dấu mốc đáng nhớ ngày còn thi đấu cho đội Tổng cục Đường sắt, trong đó có chuyến du đấu vào Nam năm 1976. Khi ấy, ông mới 25 tuổi.

SANG TRUNG QUỐC TẬP HUẤN

“Trong những kí ức ngày còn làm cầu thủ, chuyến đi du đấu vào miền Nam cùng đội Tổng cục Đường sắt vào năm 1976 vẫn luôn là dấu mốc đáng nhớ nhất đối với tôi”, HLV Mai Đức Chung hồi tưởng trong cuộc trò chuyện với chúng tôi cách đây ít lâu.

Ông kể tiếp: “Năm 1976 chúng tôi vừa mới giành chức vô địch giải bóng đá Công đoàn miền Bắc, được cho đi Trung Quốc tập huấn, đá ngang ngửa với các đội bên đó, thành tích thắng 3, thua 4 và đồng thời học hỏi được rất nhiều những cách chơi hiện đại.

Sau khi tập huấn về, Tổng Công Đoàn Việt Nam có lệnh cử đội Tổng cục Đường sắt vào trong miền Nam đá giao hữu. Đó là vinh dự rất lớn cho các cầu thủ thời bấy giờ, khi được tham dự một cuộc giao lưu lần đầu tiên diễn ra trong lịch sử như vậy”.

“CĐV cố sờ tay sờ chân cầu thủ, nức nở khen đẹp trai”: Vị HLV lão làng & ký ức đẹp về trận cầu thống nhất- Ảnh 2.

Đội hình đội bóng đá Tổng cục Đường sắt năm 1976. (Ảnh: NVCC)

LÊN ĐƯỜNG VÀO NAM

Chia sẻ về lý do mình và các đồng đội được chọn để vào Nam du đấu, HLV Mai Đức Chung cho biết:

“Đội Tổng cục Đường sắt có xuất phát điểm công nhân và đây cũng là giai cấp đại diện cho cả đất nước. Cùng với đó, phong cách chơi của đội ngày ấy cũng rất ấn tượng, dù có thua cũng chơi vô cùng quyết liệt, không nhân nhượng nhưng đồng thời chơi cũng rất đẹp mắt. Có lẽ nguyên nhân để đội bóng được tín nhiệm giao nhiệm vụ đặc biệt này cũng bởi thế”.

“CĐV cố sờ tay sờ chân cầu thủ, nức nở khen đẹp trai”: Vị HLV lão làng & ký ức đẹp về trận cầu thống nhất- Ảnh 3.

Cố HLV Lê Thụy Hải (dẫn bóng) ngày còn thi đấu cho đội Tổng cục Đường sắt.

Và để chuẩn bị cho chuyến đi quan trọng này, đội bóng Tổng cục Đường sắt không chỉ được tập huấn về chuyên môn mà đi cùng với đó còn là việc giáo dục nhận thức về ý nghĩa to lớn cho những trận đấu. HLV Mai Đức Chung kể lại:

“Đó là chuyến đi lần đầu tiên vào miền Nam của chúng tôi và tất nhiên có những sự bỡ ngỡ nhất định. Cơ sơ vật chất, cách sinh hoạt đều có sự khác biệt.

Trước khi vào chúng tôi cũng được học chính trị. Các đồng chí phổ biến cho chúng tôi nắm được tình hình rằng nhân dân miền Nam chưa biết nhiều về các cầu thủ miền Bắc, bởi vậy nhiệm vụ của đội là phải thể hiện được tinh thần của một VĐV xã hội chủ nghĩa, tất cả nhằm giúp cho xóa đi những suy nghĩ nặng nề còn tồn tại, để đồng bào ở đó hiểu được con người của miền Bắc anh em.

Chúng tôi xác định được như vậy nên đi đâu cũng rất nhiệt tình đoàn kết và ở chiều ngược lại, bà con cũng hết sức ủng hộ khi đội Tổng cục Đường sắt đến các nơi để thi đấu”.

“CĐV cố sờ tay sờ chân cầu thủ, nức nở khen đẹp trai”: Vị HLV lão làng & ký ức đẹp về trận cầu thống nhất- Ảnh 4.

HLV Mai Đức Chung vẫn nhớ rõ những chi tiết trong chuyến đi lịch sử năm ấy.

NHỮNG TRẬN CẦU LỊCH SỬ

Mở màn chuyến du đấu năm đó, đội Tổng cục Đường sắt đối đầu với CLB Cảng Sài Gòn tại sân Thống Nhất. Cuộc đọ sức giữa hai đội bóng mạnh, với nhiều cầu thủ danh tiếng trong đội hình đã trở kéo rất đông khán giả tới sân, thậm chí vượt quá cả sức chức của SVĐ. Nhiều người không vào được bên trong đã cùng nhau đứng ở ngoài sân nghe tường thuật diễn biến.

“Chuyến đi không chỉ gói gọn ở TP.HCM mà còn diễn ra các trận đấu ở cả Tây Ninh, Cần Thơ, Đồng Tháp… Chúng tôi thi đấu 5 trận, đi đâu cũng được ủng hộ lắm.

Ví dụ như trận đầu tiên trong chuyến đi, Tổng cục Đường sắt gặp Cảng Sài Gòn ở sân Thống Nhất. 17h trận đấu mới bắt đầu nhưng 11, 12h trưa các khán đài đã đông nghịt rồi. Đến khi chúng tôi ra sân, các khán giả đứng sát đường biên cố gắng sờ chân sờ tay các cầu thủ và nức nở khen chúng tôi rắn giỏi, trẻ khỏe, to cao đẹp trai”, HLV Mai Đức Chung kể.

“CĐV cố sờ tay sờ chân cầu thủ, nức nở khen đẹp trai”: Vị HLV lão làng & ký ức đẹp về trận cầu thống nhất- Ảnh 5.

Tiền đạo Mai Đức Chung đánh đầu mở tỉ số trận đấu.

Ông tường thuật tiếp: “Khi nhập cuộc chúng tôi chơi chuyền ban, phối hợp rất đẹp, khán giả đến xem họ thích lắm. Về trình độ, trước khi vào tôi cùng toàn đội cũng đã được nghe kể rằng các đội miền Nam đá tốt lắm, từng vô địch Merdeka Cup 1965. Nhiều cầu thủ miền Nam như Tam Lang, Tư Lê, Cù Sinh, Cù Hè… đều là những cái tên nổi tiếng cả.

Nhưng tất nhiên việc thi đấu khi đó không quá đặt nặng chuyện ăn thua, mà quan trọng vẫn nằm ở việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh con người miền Bắc cho đồng bào miền Nam được hiểu rõ hơn. Trong thời kì chiến tranh khó khăn nhưng miền Bắc vẫn duy trì được việc tập luyện thể thao và đạt được những thành tựu”.

“CĐV cố sờ tay sờ chân cầu thủ, nức nở khen đẹp trai”: Vị HLV lão làng & ký ức đẹp về trận cầu thống nhất- Ảnh 6.

Ông Chung cùng các cầu thủ Tổng cục Đường sắt và Cảng Sài Gòn gặp lại nhau trong một trận đấu tại sân Thống Nhất vào năm 2015.

Và rồi với cá nhân mình, ông Mai Đức Chung đã để lại dấu ấn với bàn mở tỉ số vào lưới CLB Cảng Sài Gòn ở phút 28. Sau đó sang hiệp 2, người đồng đội Lê Thụy Hải của ông lập công bằng một cú sút xa, ấn định thắng lợi 2-0 cho đội Tổng cục Đường sắt.

Kết quả chuyến đi đó đội Tổng cục Đường sắt đá 5 trận thắng 4, chỉ thua 1 trận duy nhất trước Hải Quan với tỉ số 1-2 khi quay trở lại đá trận thứ hai tại Sài Gòn, còn lại thắng Cảng Sài Gòn (2-0), Tây Ninh (2-0), Đồng Tháp (2-0), Cần Thơ (3-1).

Đến năm 1977, hệ thống giải Vô địch Quốc gia bắt đầu được tổ chức theo các khu vực: giải Hồng Hà (miền Bắc), Trường Sơn (miền Trung) và Cửu Long (miền Nam). Các đội đứng đầu ở mỗi khu vực dự Vòng chung kết tại Hà Nội. Đó cũng là nền tảng để bóng đá Việt Nam từng bước phát triển và sau này chứng kiến sự ra đời của V.League.

Linh Đan

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày