Trong trận chung kết bóng đá nữ giữa Việt Nam vs Thái Lan vào tối ngày 8/12, một số fan Việt đặc biệt chú ý tới cầu thủ mang áo số 11 của đội bạn là Kanjana Sungngoen. Nguyên nhân cũng chỉ bởi cô có những nét khá nam tính như có yết hầu lộ ra, và dáng người khá cứng. Cũng từ đó, không ít lời miệt thị giới tính đã nhằm vào Sungngoen - một hành động rất kém văn minh xét trên nhiều khía cạnh, từ đạo đức cho tới luật định.
Cầu thủ Kanjana Sungngoen của tuyển Thái Lan. Ảnh: FIFA.
Thực tế, LĐBĐ thế giới (FIFA) chưa từng ban hành quy định nào cấm các cầu thủ chuyển giới từ nam sang nữ thi đấu bóng đá nữ. Xét rộng ra, cả Olympic cũng đã cho phép các VĐV chuyển giới tranh tài nếu đáp ứng được các tiêu chí về nồng độ hoocmon nam và nữ trong cơ thể. Do đó, dù Thái Lan có sử dụng cầu thủ chuyển giới đi nữa, nếu được BTC SEA Games cho phép ra sân thì chúng ta cũng nên tôn trọng họ.
"Chuyện ĐT nữ Thái Lan dùng cầu thủ chuyển giới để chuyển giới có thẻ xảy ra lắm chứ. Vì tại đất nước họ, chuyện này đang rất thịnh hành. Tuy nhiên, tôi cho rằng, cầu thủ họ khi đã chuyển giới rồi, thì được thi đấu thôi", HLV Nguyễn Thành Vinh đưa ra quan điểm trong một buổi phỏng vấn cách đây vài năm.
Jonny Saelua là nam cầu thủ bóng đá tài năng của đảo Samoa. Anh từng có 7 năm khoác áo tuyển quốc gia trước khi phẫu thuật chuyển giới sang nữ vào năm 2014. Sau đó, Saelua chuyển sang chơi cho đội nữ nhưng vấp phải vô vàn những lời xì xào.
Jonny Saelua sau khi chuyển giới.
Trước tranh cãi này, Chủ tịch FIFA khi đó là Sepp Blatter đã quyết định gửi một bứ thư động viên Saelua tiếp tục vững tin chơi bóng đá chuyên nghiệp. Đây được xem là dấu mốc lịch sử cho thấy sự thừa nhận của cơ quan điều hành bóng đá thế giới tới cầu thủ chuyển giới được xem là đầu tiên của bóng đá thế giới.
Thực tế, càng ngày càng có nhiều cầu thủ chuyển giới được công nhận và được phép thi đấu. Năm 2018, Hannah Mouncey được phép thi đấu tại giải bóng đá nữ do LĐBĐ nữ Úc (AFL) tổ chức. Ít lâu sau, Tây Ban Nha cũng cho phép một nữ cầu thủ chuyển giới thi đấu.
Do chưa có luật điều chỉnh, việc một cầu thủ chuyển giới được chơi bóng hay không phụ thuộc nhiều vào quy định của các liên đoàn hay giải đấu. "Chúng tôi đã xem xét ý kiến của chuyên gia, cộng đồng thể thao quốc tế, những người chịu ảnh hưởng về quyết định này", AFL thông báo về quyết định cho phép Hannah Mouncey thi đấu.
Cầu thủ nữ Hannah Mouncey.
Tuy nhiên, không dễ dàng cho bất kỳ VĐV chuyển giới từ nam sang nữ nào khi chuyển sang thi đấu những bộ môn dành cho nữ. Như trường hợp của Rachel McKinnon, đang thi đấu tại môn xe đạp, cho biết cô đã phải nhận về hơn 100.000 bình luận tiêu cực trên trang cá nhân. Hannah Mouncey cũng rơi vào trường hợp tương tự dù họ chưa chắc đã sở hữu trong tay những lợi thế đáng kể.
"Tôi có thể hình lớn hơn các đồng đội nhưng đó đâu hẳn đã là một lợi thế. Nhiều môn cần tốc độ và sực dẻo dai thì tôi đâu thể bằng họ. Tôi cũng hồi phục chậm hơn so với nhiều phụ nữ khác", nữ cầu thủ Mouncey chia sẻ.
"Nhiều người có thể nói rằng chúng tôi khỏe hơn khoảng từ 8-12% so với những phụ nữ khác. Tôi thừa nhận điều này. Nhưng con số này chưa là gì so với sự chênh lệch giữa một phụ nữ khỏe nhất và yếu nhất. Ví dụ trong bóng rổ, họ vẫn cho các cô gái có thể hình chênh lệch thi đấu với nhau đấy thôi. Chưa kể còn tùy môn nữa, có những môn thể thao càng nặng bạn sẽ càng khó khăn hơn", McKinnon tiết lộ.
VĐV chuyển giới Rachel McKinnon đang thi đấu tại môn xe đạp.
Nói về chặng đường phía trước, McKinnon từng rất nhiều lần nghĩ tới chuyện giải nghệ chỉ vì nhận những lời miệt thị về cả ngoại hình lẫn giới tính. Với nhiều người chuyển giới, họ chỉ mong nhận được sự công bằng, một câu động viên, thế là đủ.
"Người chuyển giới đã thi đấu thể thao từ rất lâu rồi. Một số ít trong số chúng tôi thành công mà thôi. Vậy nên, khi chúng tôi thành công, mong mọi người hãy cổ vũ thay vì kỳ thị", McKinnon trải lòng.
Huỳnh Như đánh đầu trượt đáng tiếc, bỏ lỡ cơ hội ngon ăn nhất của tuyển nữ Việt Nam trước Thái Lan