Suốt hơn 20 năm qua, bà mẹ đơn thân 47 tuổi Natsuyo Sakai sống một cuộc sống “không bình thường”. Vào ban ngày, cô làm nhân viên bán thời gian để có tiền nuôi con gái đang học trung học. Thế nhưng mức lương ở đây khá thấp, chính vì vậy cô buộc phải kiếm công việc khác bổ sung cho nguồn thu nhập của mình. Và sau khi chuyển qua nhiều nghề khác nhau, cuối cùng bến đỗ tạm thời của cuộc đời cô là quận Ikebukuro ở Tokyo.
Ra khỏi ga Ikebukuro, cô đã kịp thay quần áo, và có lẽ con gái cô nếu tình cờ chỉ nhìn lướt qua sẽ chẳng nhận ra mẹ của mình. Từ một nhân viên văn phòng, trong phút chốc cô đã trở thành thành viên của ngành công nghiệp tình dục Nhật.
“Khi tôi mới bắt đầu vào nghề, tôi cảm thấy xấu hổ. Tôi cũng không biết sẽ phải nói thế nào với người quen hay bạn bè, con gái nếu chẳng may họ bắt gặp tôi. Tôi cũng cảm thấy xấu hổ khi có người lạ mặt sờ vào bộ phận của cơ thể nơi tôi đã sinh ra con gái tôi”, cho đến giờ tôi vẫn chưa thể quên cảm giác ấy.
Suốt từ năm 30 tuổi đến năm 40 tuổi, Sakai làm việc bán thời gian và đi làm gái hàng đêm nhưng cô cũng chỉ kiếm được khoảng hơn 1 triệu yên/năm (khoảng 220 triệu đồng Việt Nam). Khi mới lấy chồng được 3 năm, không hiểu vì lý do nào đó, chồng cô vay nợ đến hàng triệu yên. Để cứu cho anh ta, cô phải trích thu nhập của mình ra trả nợ. Sau 3 năm, quá mệt mỏi nên cô đã làm đơn xin ly dị.
Bi kịch chưa dừng lại ở đó, chỉ 6 tháng sau khi ly dị, hợp đồng lao động của cô hết hạn nhưng cô không được tiếp tục gia hạn. Thế rồi cô thất nghiệp, đi hết buổi phỏng vấn này đến buổi phỏng vấn khác mà không kiếm được công việc toàn thời gian nào. Cô đành phải đi làm bán thời gian, nhưng mức lương quá thấp không đủ nuôi mình và nuôi con, việc làm gái đến như cái kết tất yếu.
Và trong ngành công nghiệp tình dục Nhật, không chỉ riêng Sakai phải làm “gái” để kiếm tiền, bất chấp tất cả những mối hiểm nguy thường trực. Hàng nghìn phụ nữ Nhật khác cũng phải sống cuộc đời hai mặt như cô.
Nhiều chuyên gia xã hội học kêu gọi người Nhật nên thay đổi thái độ nhìn nhận những người làm trong ngành công nghiệp tình dục như cô, bởi chừng nào mà định kiến xã hội còn chưa thay đổi, họ sẽ vẫn bị lún sâu hơn vào đói nghèo và không thể tiếp cận được với bất kỳ chương trình phúc lợi xã hội nào.
Ngay từ khi mới lên nhậm chức, trong chương trình kích thích kinh tế Abenomics, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã đặt mục tiêu nâng tỷ lệ phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo doanh nghiệp Nhật lên 30% vào năm 2020. Hiện nay phần lớn phụ nữ chỉ làm công việc bán thời gian và được trả mức lương thấp, không ổn định.
Nhiều phụ nữ buộc phải quên đi vĩnh viễn mơ ước đi làm toàn thời gian sau khi họ có con, bởi hệ thống chăm sóc trẻ em ở Nhật hiện còn quá yếu. Lối suy nghĩ đàn ông đi làm nuôi gia đình đã ăn sâu bám rễ vào tư tưởng của người Nhật. Không ít đàn ông Nhật quên luôn đi trách nhiệm làm cha của mình khi về nhà. Và thực ra họ cũng không được chủ doanh nghiệp khuyến khích làm như vậy bởi trong tất cả các ngày nghỉ được cho phép, không có ngày nghỉ nào có tên là “Nghỉ chăm con”.
Hiện đang có khoảng 23,51 triệu phụ nữ Nhật đang làm việc, trong đó 13,32 triệu đang làm công việc bán thời gian, trong đó bao gồm cả việc tạm thời trong chỉ vài tháng, rồi sau đó họ mất việc và lại phải tìm việc mới.
Còn theo Cơ quan Thuế của Nhật, kết quả khảo sát cho thấy những người lao động nữ làm việc bán thời gian chỉ kiếm được khoảng 1,47 triệu yên/năm, thấp hơn rất nhiều so với con số 2 triệu yên tính theo ngưỡng nghèo khổ của Nhật. Cùng lúc đó, đàn ông cùng độ tuổi, bằng cấp, kỹ năng kiếm được ít nhất 2,2 triệu yên/năm.
Cuộc sống của những người phụ nữ như Sakai thực sự rất khó khăn vì dù đã làm 2 công việc, họ vẫn không đủ tiền chi trả cho gia đình.
Theo một nghiên cứu năm 2011 thực hiện với những gia đình có bố hoặc mẹ đơn thân, 47% các bà mẹ làm việc bán thời gian và kiếm trung bình 1,25 triệu yên/năm; 4,7% chỉ làm nhân viên thời vụ. Trong khi đó, chỉ 8% các ông bố đơn thân làm việc bán thời gian và kiếm trung bình 1,75 triệu yên.
Dù phần đông người Nhật không coi trọng gì ngành công nghiệp tình dục và những người làm việc trong đó, ngành nghề với những địa điểm làm việc là “phòng tắm xà phòng”, “phòng mat-xa”, “khách sạn tình yêu” vẫn tăng trưởng bùng nổ. Tính toán của viện nghiên cứu Yano cho thấy quy mô của ngành hiện ước tính khoảng 3,5 nghìn tỷ yên.
Với giờ giấc làm việc linh hoạt và dễ dàng thay đổi để có thêm thu nhập, làm gái nhiều khi là lựa chọn duy nhất cho những bà mẹ đơn thân.
Mari Yamaguchi, bà mẹ đơn thân 45 tuổi đến từ tỉnh Kanagawa, cho biết: “Với nghề y tá, có khi bạn phải làm việc cả ngày quần quật cũng chỉ kiếm được 10 nghìn yên/ngày. Thế nhưng với nghề phụ này, bạn chỉ cần gọi điện cho ông chủ xin xếp lịch, và đến mất chút công sức, bạn kiếm được nhiều hơn thế gấp 2-3 lần trong thời gian ngắn.” Đối với Yamaguchi, nếu không làm gái, cô cũng không hiểu cô sẽ tồn tại bằng cách nào với thu nhập của y tá.
Chồng cô trước đây từng là lái xe tải, thế nhưng vụ tai nạn cách đây hơn 1 năm đã làm anh mất sức lao động. Họ đã phải vay tiền một tay giang hồ để có tiền trả tiền nhà. Nhưng khoản lãi quá cao khiến Yamaguchi phải lao đi làm gái để có tiền trả nợ, nếu không cả hai vợ chồng sẽ ra đường ở trong khi chồng cô gần như không thể đi lại được. Chồng cô tất nhiên không biết cô đi làm gái kiếm thêm.
Theo phân tích của chuyên gia tâm lý học kiêm chủ tịch nhóm chống đói nghèo Inclusion Net Kanagawa, bà Akiko Suzuki, phụ nữ Nhật suốt bao nhiêu lâu đã bị đẩy vào vị thế phải phụ thuộc quá nhiều vào công việc của chồng. Vì thế khi ly hôn, họ không có chương trình phúc lợi nào của chính phủ để có thể trông đợi vào, họ lại còn phải nuôi con.
Tỷ lệ ly hôn trong xã hội Nhật ngày càng cao, phụ nữ sau nhiều năm phục vụ chồng đã không còn đủ kiến thức, kỹ năng và cũng không được doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng đã bị dồn vào cảnh khốn khó. Làm gái nhiều khi là lựa chọn tối ưu nhất họ có thể có được. Thậm chí, khi không có thu nhập thường xuyên, họ có thể bị chủ nhà thuê đẩy ra đường bất kỳ lúc nào bởi không có tiền trả tiền thuê nhà.
Cùng lúc đó, chính phủ Nhật đầu tư quá ít cho giáo dục công khiến học phí vẫn ở mức cao chót vót, con những nhà nghèo nhiều khi phải bỏ học. Tổng đầu tư cho giáo dục công của Nhật hiện chỉ ở mức 3,5% GDP, thấp gần nhất trong số 34 nước thuộc OECD. Chính vì thế những bà mẹ đơn thân phải vô cùng cực khổ để con họ được đến trường.