Câu chuyện về "anh hùng cây chuối" ở Sài Gòn: Người đàn ông không biết bơi biến thứ quen thuộc thành phao cứu sinh, đưa người phụ nữ từ cửa tử trở về

Phạm Trang - Ảnh, clip: Di Anh, Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 15:57 20/02/2025
Chia sẻ

Trong tình huống cấp bách trên dòng kênh An Hạ, ông Trần Phong Sương đã không ngần ngại cứu sống một phụ nữ đang vật lộn với dòng nước chảy xiết.

Clip: Di Anh

Quyết định dứt khoát nhưng chẳng bồng bột của “anh hùng cây chuối”

Trưa ngày 10/2, bên dòng kênh An Hạ, thuộc xã Xuân Thới Sơn (H.Hóc Môn, TP.HCM), người ta bỗng xôn xao về câu chuyện về một “anh hùng cây chuối” đã cứu sống người phụ nữ phụ nữ không may đuối nước thoát khỏi cửa tử.

Không biết bơi, không có sẵn công cụ hỗ trợ, người đàn ông ấy, anh Trần Phong Sương (Hóc Môn, TP.HCM) cùng sự hỗ trợ của một người khác - đã viết lên câu chuyện về những người hùng ngoài đời thật.

Câu chuyện về "anh hùng cây chuối" ở Sài Gòn: Người đàn ông không biết bơi biến thứ quen thuộc thành phao cứu sinh, đưa người phụ nữ từ cửa tử trở về- Ảnh 1.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Sương kể lại thời điểm ngàn cân treo sợi tóc ấy: “Lúc đó nước sông rất to, ban đầu nghe lời người xung quanh nói tưởng chị ấy đã qua đời nhưng sau một lúc mới phát hiện người vẫn còn sống.”

Tình thế cấp bách, dù phải đối mặt với mọi điều kiện bất lợi nhưng anh cũng đã nhanh chóng tìm ra một phương án tối ưu nhất vào thời điểm đó - sử dụng cây chuối vô tình đổ rạp bên bờ làm phao cứu sinh. 

“May cho mình và cũng may cho chị ấy, cây chuối bình thường khó chặt khó bẻ lắm, nhưng có một cây chuối lại ngả xuống nên mình giật mạnh là nó bung ra. Chỉ vài giây thôi. Ngay thời điểm đó lại có người đi ngang, mình thấy liền la lên “Anh ơi, giúp em” và anh ấy đồng ý ngay.”

Câu chuyện về "anh hùng cây chuối" ở Sài Gòn: Người đàn ông không biết bơi biến thứ quen thuộc thành phao cứu sinh, đưa người phụ nữ từ cửa tử trở về- Ảnh 2.

Anh Trần Phong Sương

Giữa dòng nước sông chảy mạnh, bề rộng của sông lớn, sức mạnh của một cây chuối dường như trở nên nhỏ bé, nhưng nó lại chính là điểm tựa, là hy vọng cuối cùng mà anh Sương cùng người hỗ trợ đã dùng để kéo phụ nữ đang chới với về bờ an toàn. 

Với bàn tay trần và ý chí sắt đá, anh Phong Sương đã biến một thân chuối thành chiếc phao cứu mạng cuối cùng của người phụ nữ. Có thể nói, cứu người là một quyết định chỉ diễn ra trong khoảnh khắc nhưng để cứu người thành công và cũng bảo vệ chính mình lại chẳng phải là sự bồng bột.

“Lúc đó dòng nước đang chảy mạnh, anh đã nghĩ nếu chị ấy trôi nhanh quá sẽ có thể không giữ kịp. Vậy nên anh đã bơi về phía dưới để đón đầu. Mình cũng nghĩ đến trường hợp mình bơi kém, sức yếu, khi người ta túm theo quán tính sẽ kéo mình xuống nên mới lấy cây chuối làm điểm tựa.” - Anh Sương vẫn không thể quên được những giây phút quyết định ấy, khi sự sống của một người đã gắn liền với bàn tay dũng cảm và trái tim nhân hậu của anh. 

“Tinh thần Việt Nam lớn lao lắm”

Vậy nhưng, ngay khi hình ảnh bản thân được xuất hiện, lan truyền khắp các trang mạng xã hội, truyền thông, anh Sương vẫn chỉ đơn giản nghĩ đây là điều mà bất cứ ai cũng sẽ làm nếu rơi vào hoàn cảnh tương tự. Đồng thời, “anh hùng cây chuối” cũng tin rằng, nếu bản thân anh không thể thành công cứu người, sẽ có người khác cứu cả hai:

“Ai cũng vậy, không phải riêng anh. Những ai máu đỏ da vàng có trái tim giống như anh em, chắc chắn ai cũng sẽ cứu, chỉ là cứu bằng cách nào. Nếu anh cứu chị đó không thành công, thì cũng sẽ có những người khác cứu cả hai như anh đã làm.

Đồng bào mình không phải chỉ thời điểm này, một việc nhỏ này đâu mà thực sự đã cùng nhau làm nên những điều vĩ đại, tinh thần Việt Nam lớn lao lắm.”

Câu chuyện về "anh hùng cây chuối" ở Sài Gòn: Người đàn ông không biết bơi biến thứ quen thuộc thành phao cứu sinh, đưa người phụ nữ từ cửa tử trở về- Ảnh 3.

Người đàn ông với làn da rám nắng, khoác trên mình bộ quần áo giản dị cười thật tươi, tự hào khi nhắc đến một Việt Nam với tinh thần đoàn kết và yêu thương nhất.

Nhắc đến biệt danh “anh hùng cây chuối” được mọi người dành tặng, với anh Sương đây là một điều khá dễ thương nhưng anh cũng không dám nhận bản thân xứng đáng với hai chữ “anh hùng” lớn lao. Điều khiến anh hạnh phúc nhất chính là việc có thể trở thành niềm tự hào và tấm gương cho chính con của mình.

“Bà con cô bác anh em cộng đồng mạng cũng khuyến khích động viên mình thôi chứ không phải anh hùng gì đâu. Bé nhỏ nó hãnh diện về ba lắm, nó ôm hôn ba. Việc này giống như tấm gương để con mình cảm nhận, thấy được việc làm tốt ý nghĩa đến nhường nào.”

Câu chuyện về "anh hùng cây chuối" ở Sài Gòn: Người đàn ông không biết bơi biến thứ quen thuộc thành phao cứu sinh, đưa người phụ nữ từ cửa tử trở về- Ảnh 4.

Gia đình anh Sương

Đồng thời, anh Sương cũng không quên gửi lời cảm ơn đến một người đàn ông - dù chẳng rõ họ tên - cũng đã cùng anh chung tay cứu sống một sinh mệnh “Nếu không có anh ấy thì mình cũng không biết phải làm sao, vì để cứu người trong thời gian không quá dài để suy nghĩ cũng là nguy hiểm của mình, nhờ có anh đã tương trợ trong việc cứu.”

Anh Sương cùng những người hùng ngoài đời thật khác thực sự đã viết nên câu chuyện, không chỉ là câu chuyện của chính cuộc đời mình mà còn là câu chuyện tái sinh của những cuộc đời khác. Tất cả dường như ngọn đuốc soi sáng, khơi gợi trong mỗi chúng ta niềm tin mạnh mẽ rằng, bất chấp tất cả, tình người vẫn là sức mạnh vô hình có thể thay đổi cả thế giới.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày