Điều gì xảy ra khi "con nhà người ta" không trở thành người phi thường như kỳ vọng?
Những ngày gần đây, câu chuyện của một chàng trai trẻ tên Trần Duy Trinh gây bão mạng, khiến nhiều người quan tâm và bàn luận.
Năm 2017, cậu học trò Trần Duy Trinh (sinh năm 2000, Thanh Hóa) đứng trên bục vinh quang, tay cầm giải thưởng trong cuộc thi kiến thức truyền hình, mắt ánh lên những kỳ vọng lớn lao về một tương lai xán lạn: Làm cho tập đoàn lớn, kiếm rất nhiều tiền. Năm 2025, chàng trai ấy khiến bao người ngỡ ngàng khi quyết định về quê... bán tạp hóa.
Trần Duy Trinh từng là một điển hình của con nhà người ta. Cậu học chuyên Toán ở trường THPT chuyên Lam Sơn, giành giải nhất tháng cuộc thi Âm Vang Xứ Thanh, sau đó theo học ngành Công nghệ Kỹ thuật cơ điện tử tại trường ĐH Công nghệ - ĐHQGHN. Khi công việc làm media ở Hà Nội có vài rắc rối, tháng 10/2024 Trinh về quê. Hiện tại cậu đang vừa làm media cho một thương hiệu, vừa phụ bố mẹ bán tạp hóa và làm nội dung trên MXH.
Ẩn sau lựa chọn tưởng chừng "đi ngược dòng" ấy không chỉ là chuyện dũng cảm từ bỏ đô thị phồn hoa về nơi tỉnh lẻ, mà là một triết lý giáo dục con cái đáng suy ngẫm.
Hình ảnh Duy Trinh khi còn là học sinh giỏi được chia sẻ trên MXH
Hầu hết các bậc cha mẹ đều kỳ vọng con mình sẽ trở thành nhà khoa học, doanh nhân, lương cao, có địa vị. Những kỳ vọng này chẳng có gì sai cả, nhưng, không phải kỳ vọng nào cũng biến thành hiện thực. Nhiều đứa trẻ "xuất chúng" thời đi học có thể sẽ trở thành người bình thường khi trưởng thành - và cha mẹ cần can đảm đón nhận điều đó.
Tuy nhiên, khi hành vi của con ngày càng khác với mong đợi, nhiều cha mẹ khó chấp nhận, không tìm ra nguyên nhân, khó hiểu, nổi nóng với con, thậm chí đánh mắng, cảm thấy kiệt quệ về thể chất và tinh thần.
Cha mẹ càng theo đuổi phi thường, con cái của họ có thể càng tầm thường. Chẳng hạn như điểm số của con cái bình thường, nhưng cha mẹ nhất quyết muốn cho con đi học trường chuyên lớp chọn, kết quả là nhịp sống và học tập không theo kịp, các em dần mất hứng thú học tập, giảm sự tự tin, điểm số giảm sút nhanh chóng.
Nếu không có kỳ vọng, trẻ thiếu mục tiêu phấn đấu. Nhưng thực tế, mỗi một hạt giống đều thích hợp với nơi mà nó sinh trưởng, chỉ có trong hoàn cảnh thích hợp mà vun trồng nó mới có thể mọc vừa to lớn vừa khoẻ mạnh. Khai thác ưu điểm của con trẻ quan trọng hơn việc ép con đạt được kỳ vọng của cha mẹ.
Thành công đích thực là khi con biết mình được yêu thương vô điều kiện. (Ảnh minh họa)
Trong câu chuyện của Duy Trinh, điều khiến nhiều phụ huynh "chấn động" không phải là sự "sa sút" của một hình ảnh "con nhà người ta", mà là thái độ của bố mẹ cậu: Họ đã rất vui, tổ chức tiệc ăn mừng với quyết định của con trai. Người mẹ gặp ai cũng luôn bảo rằng thành công lớn nhất năm là "lôi" được con trở về quê nhà.
Chính điều Duy Trinh từng coi là chướng ngại không thể vượt qua, lại hóa thành luồng gió mạnh đẩy con thuyền tương lai của cậu cập bến sớm hơn dự tính. Câu nói ấy của "bà mẹ quê" chắc hẳn cũng khiến nhiều cha mẹ thức tỉnh. Liệu chúng ta có sai lầm khi định nghĩa hạnh phúc của con bằng thành tích? Và có lẽ: Hạnh phúc thực sự là khi con được làm điều con thích. Thành công đích thực là khi con biết mình được yêu thương vô điều kiện.
Duy Trinh cũng nói, cậu không nghĩ bản thân xuất chúng, vốn dĩ là người bình thường và đến giờ vẫn vậy, chỉ là ngày nhỏ nhận được nhiều kỳ vọng một chút. Nhưng cậu thấy ổn khi là người bình thường.
"Để con được là một người bình thường - điều tưởng đơn giản ấy lại là thử thách lớn lao đối với cả con trẻ lẫn những người làm cha mẹ".
Trên một diễn đàn giáo dục, có phụ huynh từng viết: "Con tôi từng đoạt giải Toán quốc gia, giờ làm nhân viên bán hàng. Tôi không thất vọng, chỉ ngỡ ngàng vì đã nghĩ con sẽ thành giáo sư". Câu nói ấy phơi bày sự thật phũ phàng: Nuôi dạy một đứa trẻ kiệt xuất dễ hơn chấp nhận nó trở thành người bình thường.
Đứa trẻ nào cũng mang trong mình hai cuộc đời:
Cuộc đời thực – nơi nó vật lộn với những giới hạn của bản thân.
Cuộc đời trong mắt bố mẹ – nơi nó luôn phải là "phiên bản hoàn hảo" từ thời còn đeo khăn quàng đỏ.
Vấn đề không nằm ở việc đứa trẻ thất bại, mà ở chỗ bố mẹ không kịp chuẩn bị tâm thế cho sự "xuống cấp" của con. Như nhà giáo dục John Holt từng nói: "Trẻ em không thất bại – người lớn thất bại trong việc hiểu chúng".
Liệu chúng ta - những người làm cha mẹ - có đang yêu con thật sự, hay chỉ yêu hình ảnh "đứa con hoàn hảo" trong tưởng tượng của mình?
Trong bộ phim tài liệu của Trung Quốc mang tên "Người mẹ tuyệt vời", có một bà mẹ tên là Lý Kỳ. Con trai của bà, Tiểu Hoành, dù học tại trường tiểu học trọng điểm, nhưng lại là một học sinh kém. Lý Kỳ cũng đã thử nhiều cách để ép con học, nhưng đều không hiệu quả.
Sau một thời gian lo lắng, bà chọn cách hòa hợp với thực tế: "Con cái khi sinh ra đã có sứ mệnh riêng của chúng, chúng có con đường riêng của mình. Nhiệm vụ của phụ huynh là giúp con phát huy thế mạnh và tránh được điểm yếu, tối đa hóa tiềm năng của con".
Bà nhận ra rằng mặc dù con trai mình không học giỏi, nhưng lại có tài năng ở những lĩnh vực khác: Ví dụ, cậu rất thích kiếm tiền, thích cắt ghép video, chơi game và nghiên cứu công nghệ số, thường xuyên giúp người khác chọn mua máy tính. Cậu còn lập một nhà xuất bản ngay trong trường và đã thành công. Lý Kỳ rất ủng hộ sở thích "vô dụng" này của con, không còn ép con học thêm nữa.
Đây chính là điểm then chốt: Sự trưởng thành của cha mẹ luôn phải đến trước sự trưởng thành của con cái. Trong khi đa phần phụ huynh khác: Coi việc con "xuống cấp" là thất bại của bản thân. Âm thầm thất vọng khi con không như mong đợi. Biến tình yêu thành điều kiện ("Bố mẹ sẽ tự hào nếu con...")...
Thì gia đình Duy Trinh hay bà mẹ Lý Kỳ đã chứng minh: Yêu thương đích thực là khi bạn dũng cảm gỡ bỏ những chiếc mũ "thiên tài" đã đội lên đầu con từ thuở nhỏ.
Câu chuyện của Trinh không phải ngẫu nhiên gây xúc động. Nó chạm vào "điểm yếu" chung của thế hệ trẻ: Áp lực phải trở thành phiên bản hoàn hảo trong mắt cha mẹ. Nhưng đồng thời, nó cũng thắp lên hy vọng: Khi cha mẹ đủ can đảm để nói "Con cứ là chính mình", những đứa trẻ sẽ tìm thấy lối đi riêng - dù đó là văn phòng cao ốc hay quầy tạp hóa nhỏ.
Đứa trẻ phi thường nào cũng từng là người bình thường. (Ảnh minh họa)
Thực ra, trẻ giống như cây cối, mỗi em đều là một cá thể đặc biệt. Có đứa là cỏ dại, nhìn thì thấp bé nhưng lại rất mạnh mẽ; có đứa là cây cổ thụ, tán lá rộng, có thể trở thành trụ cột, có đứa không nổi bật nhưng lại có thể sinh ra trái ngọt…
Nhiệm vụ của phụ huynh là hiểu và chấp nhận sự khác biệt của mỗi đứa trẻ, quan tâm và bảo vệ nhu cầu phát triển của chúng, sau đó cho phép chúng tỏa sáng theo cách riêng của mình.
Nhiều đứa trẻ đạt thành tích sáng chói, được xem là "con nhà người ta" nhưng bố mẹ chưa bao giờ tự hỏi liệu con có yêu thích những gì đang làm và hiểu những gì mình đang làm hay không? Có không ít đứa trẻ trở nên mất tự tin, thất bại, không tìm thấy chính mình, và điểm cuối là không thể hạnh phúc khi chúng không làm đúng như cha mẹ kỳ vọng.
Cha mẹ thông minh sẵn sàng chấp nhận sự khác biệt của con, tin tưởng và cho phép con được là chính mình, hỗ trợ con trong những lúc khó khăn nhất. Thay vì áp đặt, họ luôn dành khoảng không gian riêng cho con cái, quan sát và sử dụng kinh nghiệm cùng trí tuệ để giúp con phát triển theo năng khiếu và khả năng. Áp lực tốt nhất dành cho con là để bản thân con tự đặt áp lực cho chính mình để quyết tâm vươn lên và đạt mục đích.
Đứa trẻ phi thường nào cũng từng là người bình thường. Nếu muốn con thành tài, nhất định phải để con rèn luyện trong môi trường phù hợp. Cần có kỷ luật tự thân, định hướng vững vàng, rèn giũa nghiêm khắc...
Dù vậy, nếu có yêu cầu quá cao nhưng không đạt được thì cũng đừng quá tuyệt vọng mà hãy đối mặt với thái độ tích cực.
Kỳ vọng có nhiều đến đâu đi nữa, cha mẹ cũng đừng quên mục đích ban đầu đối với con cái, đó là chỉ cần con sống một cuộc đời bình an. Hãy "tưới tẩm" con bằng tình yêu và sự kiên nhẫn, để con là một người bình thường hạnh phúc.
Nên nhớ, chỉ khi cha mẹ thực sự chấp nhận, đứa trẻ mới tìm thấy can đảm để là chính mình.
Và phải chăng, bài học lớn nhất từ hành trình của Duy Trinh chính là: Trước khi dạy con thành tài, hãy dạy chúng cách hạnh phúc - ngay cả khi hạnh phúc ấy mang hình dáng của sự... bình thường?