Câu chuyện đáng thương của loài vật nhanh như sói và mạnh như gấu, nhưng vẫn phải vật lộn khốn khổ vì hai chữ “mưu sinh”

Vũ Huế, Theo Helino 08:12 13/09/2019

Dù bị người đời kinh tởm và ghét bỏ vì mùi hôi, nhưng chồn sói thực ra khá đáng thương. Chúng có thể còn sớm biến mất nếu nóng lên toàn cầu cứ tiếp diễn.

Chồn sói (Gulo gulo) còn được gọi bằng cái tên khác là gấu chồn hôi, bởi ngoại hình giống gấu ăn thịt và mùi hôi khủng bố. Chúng chủ yếu sinh trưởng ở rừng taiga (rừng cây lá kim) phương Bắc, cận Bắc Cực và lãnh nguyên núi cao thuộc địa phận Bắc Bán cầu.

Loài lắm danh xưng tồi tệ nhất

Ngay trong pháp danh của chồn sói - Gulo gulo cũng đã hàm chứa ý miệt thị. Trong tiếng Latin, từ "gulo" có nghĩa là "phàm ăn". Còn tên của chồn sói thì là 2 lần "gulo": "Phàm ăn tục uống" hết phần thiên hạ.

Quả thực, chồn sói là loài ăn tạp. Miễn là thịt thì dù còn tươi hay đã thối, chúng đều ngấu nghiến tuốt. Từ động vật có vú kích thước nhỏ cho đến các loài thú to lớn hơn mình gấp nhiều lần, chồn sói đều không tha. Lắm khi, chúng còn tàn sát luôn các loài chồn khác như chồn mác, chồn rái cá, chồn triết…

Chồn sói có bề ngoài chắc nịch như gấu

Về mặt thể hình, chồn sói có vẻ ngoài của gấu, bao gồm các cơ bắp chắc nịch, tứ chi ngắn. Với cân nặng từ 9-25kg, trông chúng hệt như những con gấu thu nhỏ dữ dằn.

Về mặt tốc độ, chồn sói không thua kém gì nhà sói. Một khi đã nhắm con mồi, chúng hiếm khi thất bại. Tuy nhiên, nhà chồn sói không năng nổ gì cho lắm. Chúng khoái bắt miếng ngon mà chậm (động vật ốm yếu, sa bẫy) hoặc lượm lặt, trộm cắp thức ăn thừa hơn. Thành ra bộ hàm khỏe, móng vuốt sắc được trang bị cho… cướp giật là chính.

Cũng bởi thói xấu này mà chồn sói bị đặt cho một mớ tên gọi đầy khinh thị: chồn hôi, quỷ núi, quỷ phương Bắc…

Câu chuyện đáng thương của loài vật nhanh như sói và mạnh như gấu, nhưng vẫn phải vật lộn khốn khổ vì hai chữ “mưu sinh” - Ảnh 2.

Nhưng chỉ đơn giản là sinh vật có cách thích nghi khôn ngoan

Thế giới tự nhiên không phân biệt thiện – ác. Mặc dù trong mắt con người, trò "ăn hôi" và ăn cướp của chồn sói là "vô đạo đức" nhưng đối với loài động vật này, đó lại là chiến thuật sinh tồn hiệu quả.

Chồn sói cực kỳ hung hãn, không ngán kẻ mạnh

Mùa đông phương Bắc kéo dài, có khi đến cả 7 tháng. Trong suốt quãng thời gian mặt đất phủ toàn băng tuyết ấy, hầu hết các động vật đều rơi vào tình trạng đói. Để sinh tồn, chúng buộc phải tìm cách thích nghi. Có loài chọn ngủ đông (ví dụ như gấu), có loài chăm chỉ tích trữ lương thực từ suốt mùa thu trước (ví dụ như sóc). Chồn sói vừa không ngủ đông lại vừa là loài ăn thịt (không thể tích trữ vì xác chết sẽ bị phân hủy hết), nên ăn cướp hoặc ăn thừa là phương pháp dễ dàng và phù hợp hơn cả.

Còn về mùi hôi, đó chỉ là một trong các đặc trưng của họ nhà chồn. Hầu hết các loài chồn đều có tuyến mùi mạnh ở hậu môn, được sử dụng để đánh dấu lãnh thổ và phát tín hiệu tìm gọi bạn tình khi tới mùa giao phối.

Gì cũng được, miễn là thịt

Trước thập niên 1930, vì lo sợ chồn sói bắt giết vật nuôi, các nông dân, thợ săn đã điên cuồng tận diệt chúng. Ở Mỹ, chồn sói bị xóa sổ sạch sẽ khỏi 48 tiểu bang.

Cố gắng sống sót và duy trì

Sau thập niên 1930, nhà chồn sói chỉ còn một lượng cá thể nhỏ lẻ co cụm trong bang Alaska (Mỹ) và khu vực hoang dã phía Tây của Canada. Mãi đến những năm 1960, chúng mới dám rời khỏi "thành trì" cố thủ, tỏa ra các vùng xung quanh.

Sang thập niên 1990, nhà chồn sói mạnh dạn hơn, mạo hiểm tràn xuống vùng Bắc Cascade của Thủ đô Washington, dè dặt lấn dần vào 3 tiểu bang Montana, Idaho và Wyoming. Có điều, "dân số" của chúng thì vẫn chưa mở rộng ra bao nhiêu.

Thời gian mang thai của chồn sói cái tương đối ngắn, chỉ từ 30-50 ngày, song nếu điều kiện sống không tốt, nó thường từ bỏ việc có con. Ở nhà chồn sói, hoạt động giao phối diễn ra vào mùa hè, nhưng chuyện hình thành phôi thì phải đợi đến tận đầu đông. Chồn sói cái có khả năng trì hoãn sự phát triển của bào thai trong tử cung. Trừ khi chắc chắn có đủ thức ăn, nó tuyệt đối không đánh liều.

Câu chuyện đáng thương của loài vật nhanh như sói và mạnh như gấu, nhưng vẫn phải vật lộn khốn khổ vì hai chữ “mưu sinh” - Ảnh 6.

Hiện tại, chúng ta vẫn chưa biết có tổng cộng bao nhiêu con chồn sói trong tự nhiên. Theo ước tính gần đây thì chỉ có khoảng 300 con ở Nam Canada.

Vẫn khốn khổ vì nhiều nỗi

Mặc dù chưa rõ quân số nhà chồn sói ở cả 2 bên biên giới Mỹ-Canada, song vẫn chắc chắn một điều: Tất cả chúng đều đang phải vật lộn để sống sót. Mối đe dọa đầu tiên đối với nhà chồn sói là sự "lấn đất" của con người, gây mất phạm vi sinh tồn.

Chồn sói là loài đơn độc, cần lãnh thổ kiếm ăn cực rộng, 620 km2 với con đực, 130-260 km2 với con cái. Mọi hoạt động của con người, từ phá rừng lấy đất trồng trọt, chăn nuôi đến du lịch sinh thái đều ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng.

Mối đe dọa tiếp theo là hiện tượng Trái đất nóng lên. Điều kiện sống lý tưởng nhất đối với nhà chồn sói là khí hậu lạnh và tuyết rơi kéo dài. Khi thời tiết giá băng khắc nghiệt cũng là lúc các con mồi của nhà chồn sói trở nên chậm chạp. Chúng cũng có thể lăn ra chết vì lạnh, còn chồn sói thì sở hữu hàm răng cực khỏe, không ngại gì thịt bị đóng băng.

Biến đổi khí hậu đang khiến cho vùng cực trở nên ấm nóng. Nếu sự gia nhiệt không ngừng lại, dự đoán chỉ trong vòng 30 năm nữa, nhà chồn sói sẽ mất hẳn 1/3 đất sống.

Mối đe dọa thứ ba và cũng là cuối cùng: Giao phối cận huyết. Kể từ năm 1994, chồn sói đã được xếp vào các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng và được bảo vệ gắt gao. Song với số lượng ít ỏi, giao phối cận huyết kéo dài là chuyện khó tránh.

Theo các nhà sinh học, cách tốt nhất để mở rộng quần thể chồn sói là tạo ra các hành lang tự nhiên liên kết các khu vực bảo tồn chồn sói khác nhau lại với nhau, cho phép chúng tự do di chuyển, tìm kiếm đối tác. Tiếc là phạm vi lãnh thổ của chồn sói vốn đã quá rộng. Rất khó để mong đợi chúng sẽ "vì thế hệ tương lai" mà "vạn dặm tìm vợ/chồng".

Tham khảo National Geographic