Ở Trung Quốc, những câu chuyện về thần đồng học hết chương trình phổ thông từ khi còn rất nhỏ, trở thành niềm tự hào của cha mẹ và biểu tượng cho "giấc mơ trí tuệ" của xã hội không còn quá hiếm. Nhưng sau ánh hào quang của những tấm bằng khen, thành tích “khủng” lại là dấu hỏi lớn: Liệu đứa trẻ ấy có thật sự hạnh phúc và trưởng thành như một con người bình thường?
Năm 2010, truyền thông Trung Quốc đặc biệt chú ý đến một cái tên: Cao Nguyên - cậu bé mới 14 tuổi đã thi đỗ vào Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc. Ở cái tuổi bạn bè cùng trang lứa vẫn còn đang học cấp 2, Cao Nguyên đã ngồi trên giảng đường đại học, trở thành biểu tượng của trí tuệ và khát vọng vươn lên trong giáo dục.
Cha mẹ của Cao Nguyên sớm nhận ra năng khiếu đặc biệt của con trai khi cậu mới 3 tuổi đã có thể đọc trôi chảy Hán tự và tỏ ra mê mẩn với sách vở khoa học. Người cha thậm chí nghỉ việc để tập trung "kèm cặp" con, xây dựng cho Cao Nguyên một lộ trình học khắt khe với kỳ vọng đào tạo nên một thiên tài thực sự.
Cao Nguyên là một trong những thần đồng từng được chú ý của Trung Quốc
Chỉ trong 3 năm, Cao Nguyên đã học hết chương trình Tiểu học và Trung học. 14 tuổi bước vào đại học, cậu tiếp tục thể hiện năng lực vượt trội khi luôn là người hoàn thành bài tập nhanh nhất lớp. Sau đó, Cao Nguyên nhận học bổng chuyển đến Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ) - nơi cậu tìm thấy đam mê thực sự trong phòng thí nghiệm và bắt đầu nghiên cứu về tính siêu dẫn của vật liệu graphene - một lĩnh vực mà ngay cả nhiều nhà khoa học trưởng thành cũng e dè.
Năm 2018, khi mới 22 tuổi, Cao Nguyên được vinh danh là một trong 10 nhà khoa học trẻ tuổi nhất Trung Quốc, được kỳ vọng sẽ trở thành người trẻ nhất giành giải Nobel trong lĩnh vực của mình.
Giống như biết bao thần đồng khác, cuộc sống của Cao Nguyên là một chuỗi ngày bị giám sát nghiêm ngặt. Suốt những năm tháng đáng ra được rong chơi cùng bạn bè, Cao Nguyên chỉ được phép học. Cứ mỗi lần cậu có một người bạn mới, lại phải chuyển lớp, chuyển cấp, tiếp tục chạy đua với thời gian và khối lượng kiến thức khổng lồ.
Không chơi đùa, không giao tiếp, không được "nghỉ phép"... cậu bé từng là biểu tượng của niềm tự hào lại cảm thấy mình như người đứng ngoài thế giới. Sự cô lập ấy khiến Cao Nguyên lớn lên với kỹ năng xã hội yếu kém, nhiều lần lạc lõng giữa đám đông.
Chỉ đến khi vào đại học, Cao Nguyên mới cố gắng sống như một sinh viên bình thường. Cậu chủ động kết bạn, tham gia các hoạt động và dần cảm nhận được cuộc sống ngoài những trang sách. Cũng từ đây, cậu bắt đầu thực sự thấy mình là một con người có cảm xúc, có nhu cầu được kết nối và sẻ chia .
Cha mẹ của Cao Nguyên từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn sau này: "Chúng tôi từng mong con thành thiên tài. Nhưng sau tất cả, chỉ mong con sống như một người bình thường".
Là thiên tài nhưng Cao Nguyên từng không có tuổi thơ, thiếu kỹ năng xã hội
Trường hợp của Cao Nguyên không phải là hiếm. Không ít thần đồng đã đi lệch hướng khi trưởng thành vì bị ép học quá sớm, sống trong sự kỳ vọng đến ngột ngạt từ cha mẹ và xã hội. Họ có thể giỏi, có thể xuất sắc... nhưng lại không có một tuổi thơ trọn vẹn và điều đó để lại những lỗ hổng rất lớn trong cảm xúc, nhân cách.
Điều quan trọng mà nhiều cha mẹ quên mất là: Thần đồng cũng là trẻ con. Não bộ có thể phát triển nhanh, nhưng trái tim và cảm xúc vẫn cần được nuôi dưỡng theo cách tự nhiên. Học giỏi là tốt, nhưng hạnh phúc mới là điều quan trọng hơn cả.
Nếu một ngày phát hiện con mình có năng lực đặc biệt, điều đầu tiên cha mẹ nên làm không phải là "tăng tốc", mà là tìm hiểu xem điều gì thực sự phù hợp với con . Học để phát triển, chứ không phải học để chạy đua với người khác. Chỉ khi trẻ được phát triển cân bằng, có cơ hội chơi, yêu thương và trưởng thành như một người bình thường, thì năng lực bẩm sinh ấy mới trở thành món quà thật sự.