Tại Trung Quốc mới xảy ra một vụ việc vô cùng đau lòng. Vợ chồng anh Lưu ở tỉnh An Huy vì gia cảnh nghèo khó nên phải đi làm xa nhà quanh năm. Cả hai để lại con trai Tiểu Chí cho bà ngoại chăm sóc. Hàng ngày, vợ chồng anh liên lạc với bà ngoại bằng một chiếc điện thoại cũ, không có chức năng quay video để nắm bắt tình hình học tập, sức khỏe của con.
Vào trưa một ngày thứ 6, vợ chồng anh Lưu nhận được tin dữ. Con trai Tiểu Chí đã tự tử ở nhà. Tin tức này như sét đánh ngang tai, khiến đôi vợ chồng suy sụp, không tin nổi sự thật.
Làm thế nào mà một đứa trẻ mới 11 tuổi lại có suy nghĩ cực đoan đến như vậy. Hơn nữa, cậu bé lại tự tử ở nhà, trong khoảng thời gian đáng nhẽ phải ở trường? Được biết Tiểu Chí tự tử vào lúc 1h trưa. Trước đó vào 12h, anh Lưu còn gọi điện cho con để hỏi chuyện học tập, điểm số dạo này ra sao.
Anh Lưu sau đó đến tận trường, tìm bạn học của con để điều tra xem Tiểu Chí những ngày gần đây có biểu hiện gì bất thường không. Những đứa trẻ cho biết, Tiểu Chí đã bị giáo viên đánh đòn 3 lần trong vòng 5 ngày. Đây rất có thể là nguyên nhân khiến con anh Lưu tự tử.
Hàng xóm vây quanh nhà anh Lưu khi biết tin bé Tiểu Chí tự tử
Tuy nhiên điều khiến ông bố này bức xúc, đó là chỉ có sân chơi và căng tin của trường là có camera giám sát. Còn các phòng học, ký túc xá và những nơi khác đều không hề có. Chính vì vậy việc Tiểu Chí có bị đánh thật hay không, không cách nào xác nhận được. Tất nhiên phía nhà trường và giáo viên cũng sẽ không nhận trách nhiệm.
Sau khi Tiểu Chí qua đời, phía nhà trường cũng không hề đến thăm gia đình học sinh và tuyên bố rõ sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào. Còn phía vợ chồng anh Lưu đang rất đau lòng và chỉ muốn tìm cho ra sự thật. Hiện phía cảnh sát vẫn đang tiếp tục điều tra.
Thực tế, không chỉ Tiểu Chí mà còn rất nhiều đứa trẻ khác, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn mà phải sống xa vòng tay cha mẹ. Người lớn phải đi làm kiếm tiền, nên trẻ phải ở nhà cùng ông bà. Thiếu vắng tình thương, sự giám sát của cha mẹ có thể khiến trẻ cảm thấy tự tin, hoặc nhiễm phải những thói quen xấu.
Hơn nữa, khi gặp phải vấn đề, trẻ cũng khó lòng tâm sự với cha mẹ mà thường giấu giếm, gây nên những hậu quả khôn lường. Chính vì vậy, khi sống xa con cái, cha mẹ cần thường xuyên liên lạc, đồng thời chú ý đến những thay đổi cảm xúc nhỏ nhặt nhất của con. Từ đó, bố mẹ có sự can thiệp kịp thời, giúp trẻ mở lòng hơn và tránh những hành động quá khích.