Không còn quây quần cả gia đình bên mâm cỗ, vừa xem ca nhạc trên TV vừa hóng ra ngoài đường, chờ đoàn múa lân đi qua là vội vàng xách đèn gia nhập, thay vào đó là một câu nói tỉnh rụi "Tối nay con đi chơi với bạn!" rồi phóng xe ra đường cùng đám bạn ngay từ ban chiều và chỉ trở về khi đã sang ngày mới. Độ vui của Trung thu đối với tôi mà nói được tính bằng lượt like đang tăng trên bức ảnh sống ảo chứ chẳng phải vì chiếc bánh Trung thu to tròn hay vì câu chuyện cười bố kể… Tôi gần như đã quên mất ý nghĩa thực sự của Tết Trung thu và không hề hay chăng mình đã bỏ lỡ điều gì cho đến khi tôi bất ngờ nghe được câu chuyện của gia đình anh Phong - câu chuyện giản đơn nhưng cũng đẹp nhiệm màu về tình thân giữa những ngày cận kề Rằm tháng 8…
Chí Minh (10 tuổi), con trai út của anh Phong có vẻ rụt rè khi mới gặp người lạ, nhưng em vẫn khiến người đối diện thấy thiện cảm vì nụ cười quá đỗi đáng yêu. Như những đứa trẻ khác, Minh rất thích Trung thu vì Trung thu có rất nhiều thứ hay ho, được mua đèn lồng, được ăn bánh nướng và được đi chơi cùng đi chơi cùng với bố mẹ nữa.
Thế nhưng đã nhiều năm trôi qua, cứ vào dịp lễ, Tết là Minh cũng như anh trai và chị gái của mình lại phải xa bố vì anh Phong là giám sát thi công. Tính chất công việc yêu cầu anh Phong phải đi theo những công trường, làm việc ngày đêm, đôi khi là xuyên qua cả những dịp nghỉ lễ. Những ngày sát Rằm tháng 8 này, khi mọi người rộn ràng mong ngóng dịp sum vầy bên mâm cỗ trông trăng thì anh Phong vẫn đang gấp rút hoàn thành công trình cho kịp tiến độ ở Hà Nội, nơi cách TP.HCM mà tổ ấm của anh đang sinh hoạt tới cả nghìn cây số. 15, 20 năm nay đã là như thế, cứ Trung thu là họ phải xa nhau…
Tuy còn bé nhưng vẫn là một người "đàn ông nhí", Chí Minh rất ít khi thể hiện ra bên ngoài rằng mình buồn hay đòi bố, nhưng qua lời kể của anh Phong, nhiều năm về trước, cũng vào một buổi tối gần Trung thu như thế này, cô con gái lớn của anh - Cẩm Túc từng òa khóc trước cửa và hỏi những câu khiến người làm cha nào cũng lặng đi, day dứt: "Sao giờ này mà ba vẫn phải đi làm? Chừng nào ba mới về?".
Câu hỏi ấy chưa có câu trả lời nhưng chắc hẳn khi lớn hơn một chút, Cẩm Túc và Chí Minh nhất định sẽ hiểu bố của các em cũng giống như biết bao ông bố bà mẹ khác, những người đang làm công việc đặc thù, ngày lễ đối với họ cũng chỉ như những ngày làm việc bình thường khác, vẫn bận rộn, vẫn mệt mỏi và vẫn phải xa gia đình. Có khác chăng, những ngày lễ Tết như Trung thu ấy, họ sẽ thấy nhớ nhà hơn, nhớ vợ, nhớ con hơn, nhớ đến mức hộp bánh nướng, bánh dẻo mua cho có không khí cũng chẳng còn tròn vị. Và vô hình trung, Chí Minh, Cẩm Túc, Bách Khoa – anh trai lớn của Minh cũng giống như nhiều đứa trẻ khác hầu như chẳng còn biết đến không khí đoàn viên truyền thống mà các bạn nhỏ vẫn thường nhắc đến.
Những tưởng Trung thu năm nay của nhà Minh cũng sẽ nhàn nhạt và thiếu vắng bóng dáng người bố như những mùa trăng năm trước, thế nhưng "phép nhiệm màu" đã xuất hiện…
Khi nghe câu chuyện của gia đình anh Phong, tôi đã bất giác nghĩ ngay đến "cánh cửa thần kỳ" của Doraemon, thứ đã đưa Nobita và những người bạn của mình đến với những vùng đất mơ ước. Tôi cũng thầm ước ao cánh cửa ấy có thật, để trong phút chốc, Minh và bố em có thể đoàn tụ, để niềm vui giản đơn của con trẻ trong mùa trăng rằm không bị lãng quên như thế…
"Cánh cửa" với khả năng du hành tuyệt vời ấy chắc chắn không thể xuất hiện trong câu chuyện này, nhưng tôi cũng như bạn vẫn có quyền tin vào những giấc mơ bởi một phép màu khác đã xảy ra, một cuộc điện thoại mang theo tấm vé "thần kỳ" đã đổ chuông ở nhà anh Phong, vào một buổi chiều đầy gió tháng 9.
"Lúc ấy chị đang làm bếp, mà bất ngờ không tin vào tai mình. Không thể nghĩ đơn vị thuê anh Phong thi công công trình lại tặng cho 3 mẹ con tấm vé ra Hà Nội gặp ba. Chị đã tự nhủ, đó là một quà Trung thu quá tuyệt vời nhưng mình người lớn, nhiều khi lại e dè trước những cơ hội hơn trẻ con, nên chưa nhận lời. Đến khi hai bé về, các con thích và bảo mẹ nhận lời ngay. Các bạn ấy vui lắm, vì được gặp ba, được ra Hà Nội hưởng không khí Trung thu, và vì Vincom còn cử hai bạn thỏ khổng lồ đến đón đi nữa!", chị Thiên Hương – vợ anh Phong thổ lộ về phép màu đặc biệt dành cho gia đình chị với niềm thích thú ẩn hiện trong đôi mắt và nụ cười răng khểnh duyên dáng.
Với tâm thế đầy chờ mong như thế, họ đã xếp lại mọi bộn bề công việc thường nhật, nắm trong tay tấm vé "thần kỳ" và làm nên một câu chuyện nhỏ giản đơn nhưng tuyệt đẹp của Trung thu…
Ở đầu kia đất nước, anh Phong đang phải dồn hết công sức để hoàn thành công trình siêu trăng trên quảng trường lớn của Vincom Royal City cho kịp tiến độ. Sống ở TP.HCM đã lâu, anh chịu được cái nóng rát mặt nhưng anh chưa thể quen nổi với tiết trời "đỏng đảnh" giao mùa, khi nắng lửa, lúc mưa rào của Hà Nội. Thế nhưng với cái tâm trong nghề, dù đôi khi phải đặt gia đình mình sang một bên, anh Phong vẫn luôn cố gắng hết sức để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Chứng kiến thành quả công trình do mình tạo ra có thể mang đến niềm vui mùa lễ hội đối với anh Phong cũng là một niềm hạnh phúc.
"Mỗi người có nhiệm vụ, công việc riêng mà. Thương vợ, thương con chứ, nhưng cũng phải hoàn thành công việc thật tốt mới thấy mãn nguyện được…", anh cười hiền khi được hỏi về những hy sinh mà mình và vợ con đã trải qua.
Mùa trăng rằm năm nay, người đàn ông ấy đã phải trải qua biết bao căng thẳng, mệt mỏi, và buổi tối hôm đó cũng không phải ngoại lệ. Khi ấy, anh stress lắm, lo đủ thứ, vì đó là một trong những đêm sự kiện đầu tiên. Bao nhiêu câu hỏi cứ quay cuồng trong đầu anh: "Liệu công trình của mình có vận hành như ý, dàn đèn có lên đẹp như mình mong muốn?". Trong một khoảnh khắc tinh thần căng thẳng đến tột cùng, anh chỉ ước được nhìn thấy gương mặt của vợ mình, dù trước khi đi làm, vợ chồng anh đang… giận nhau chút xíu. Anh cũng mong được ôm mấy đứa nhỏ, để quên đi mệt mỏi trong công việc. Có lẽ người cha ấy chưa bao giờ tưởng tượng được dường như có ông Bụt nào đó đã nghe thấy điều ước bé nhỏ của anh và biến nó thành hiện thực.
Khoảnh khắc khi bé Minh, bé Khoa và vợ anh ùa lên sân khấu, anh Phong đã không thể kìm nén được sự kinh ngạc và xúc động hiện lên trong ánh mắt mình. Họ đã dành cho nhau những cái ôm thân tình sau cả tháng xa cách, những cái ôm "gói gọn" nhớ nhung và cảm xúc dồn nén của mùa Trung thu này, và có lẽ, cả bao mùa trăng khác nữa…
Lúc ấy, tôi không thấy những giọt nước mắt, nhưng ngắm nhìn gương mặt họ, tôi biết đó là hạnh phúc. Sau phút đoàn viên nhiều cảm xúc ấy, Chí Minh lại bẽn lẽn, em kiệm lời như mọi ngày.
Em chỉ nói thế, nhưng đằng sau đôi kính lấp lóa của em, tôi thấy ánh mắt em hấp háy niềm vui con trẻ, thứ niềm vui mà khi còn tấm bé, tôi từng "nuôi dưỡng" mỗi khi chờ mẹ đi chợ về, khi phá cỗ bên bố mẹ, niềm vui mà cùng với tháng năm cũng chính tôi đôi khi đã vô tâm quên mất…
"Từ ngày hôm nay, mùa Trung thu của các con anh sẽ khác…", anh Phong đã nói như thế, sau phút giây sum họp tưởng chỉ thấy trong mơ.
Anh thổ lộ, trước đây vì xa nhà, vợ chồng anh dường như cũng đã quên mất việc truyền lại cho con tinh thần của những mùa Trung thu xưa cũ: "Anh nghĩ ở thời các con, đèn Trung thu, những đồ vật thủ công đã mai một, lại ít được sum vầy gia đình nên lẽ dĩ nhiên bé chẳng cảm nhận được gì nhiều. Nhưng có lẽ anh đã nhầm… Các con có cảm nhận được Trung thu hay không, chính là ở bố mẹ, và buổi đoàn viên, tận hưởng Trung thu bên nhau như ngày xưa ấy đâu nhất thiết phải là ở nhà, phải không em?"
Và rồi tôi chợt liên tưởng đến chính bản thân mình. Đã lâu lắm rồi, tôi quen với việc Trung thu bên bạn bè, có những đứa tôi còn chẳng biết mặt gọi tên, quen với những ồn ào náo nhiệt giữa đám đông đi chơi Trung thu mà quay đi quay lại chỉ thấy toàn cặp đôi là cặp đôi, chẳng thấy mấy gia đình. À hình như tôi đã quên thật rồi một cái tên khác của Tết Trung thu - Tết đoàn viên.
Đến khi biết đến câu chuyện của cậu bé Chí Minh và bố mình tôi mới hiểu, hóa ra, một Trung thu trọn vẹn nhất không phải một Trung thu rực rỡ đèn hoa, ồn ã nhạc trống, mà đơn giản chỉ là một Trung thu sum họp đầy đủ các thành viên trong gia đình. Khi bên bạn là cha, là mẹ, là những người bạn yêu thương nhất thì dù ở đâu, dù thế nào, không khí Tết đoàn viên vẫn ấm áp và đáng nhớ. Là tụ hội dưới mái nhà thân thuộc cùng phá cỗ trông trăng hay tay trong tay dạo phố xá, cùng nhau nặn những chiếc bánh nướng, bánh dẻo rồi cùng làm đèn ông sao, đèn kéo quân lấp lánh thì niềm hạnh phúc gia đình vẫn cứ đong đầy.
Để rồi ta nhắc nhau nghe, dù là dưới mái nhà, hay xa vạn cây số, nơi đâu có nhau, nơi ấy là nhà…
Cậu bé 10 tuổi với đôi mắt hấp háy ấy đã vượt cả ngàn km để kết nối "mối dây" tình cảm gia đình trong tháng trăng tròn rồi, còn bạn, mùa Trung thu này bạn có đoàn viên?
Cận cảnh tác phẩm của anh Phong và đồng nghiệp, đã được chứng nhận kỷ lục Đèn mặt trăng lớn nhất Việt Nam