Lúc đương thời, võ sư Bảo Truy Phong là tay đấm lừng danh của vùng đất Quảng Ngãi, gây chấn động võ lâm bằng nhiều cuộc tỷ thí đỉnh cao ở giai đoạn thập niên 30 của thế kỷ trước. Trong số những bậc tiền bối võ thuật miền Trung, khi nhắc đến Bảo Truy Phong nhiều người vẫn kính nể và xếp ông vào hàng đầu tiên.
Được người đời đặt biệt danh là "gấu già", Bảo Truy Phong sở hữu một trong những tuyệt chiêu độc đáo ít người có được đó là cú liên hoàn 6 chỏ từng khiến người xem hoa mắt và đả bại bao cao thủ khắp xứ Đông Dương.
Cố đại võ sư Bảo Truy Phong
Theo chia sẻ của anh Phan Anh - một người nghiên cứu võ thuật tại Quảng Ngãi, vào khoảng năm 1935, làng võ miền Nam khi ấy cũng nổi lên một ngôi sao sáng có tên Dương Minh Quảng – được mệnh danh là "hùm xám". Hùm xám xưng bá trên võ đài bằng cước pháp điêu luyện, có độ sát thương cực cao mà nếu đối phương sơ suất dính đòn thì có thể trả giá bằng mạng sống.
Một người hùng bá võ lâm miền Trung, còn một người tung hoành làng võ phương Nam, vì thế viễn cảnh về cuộc chạm trán giữa hai tay đấm kiệt xuất là điều mà quần chúng yêu võ thuật mong đợi. Không nằm ngoài dự tính, giới bầu sô khi ấy nhanh chóng xúc tiến và cuộc đại chiến sớm được ấn định.
Ảnh minh họa
Trận đấu kinh điển này diễn ra khoảng một năm sau ngày Bảo Truy Phong đánh bại võ sĩ vô địch nước Pháp La Fone (năm 1934). Sức hút quá lớn của hai tên tuổi khiến những người tổ chức khi ấy phải rao quảng cáo rầm rộ trước cả 15 ngày. Vào đúng ngày diễn ra, bốn bề xung quanh sàn đấu thô sơ không còn một chỗ trống. "Gấu già" Bảo Truy Phong và "hùm xám" Dương Minh Quảng bước ra trong sự hò reo rất lớn, cuộc đấu sinh tử chính thức bắt đầu.
"Đúng như nhận định của những người trong nghề thời đó, đây là một trận đấu sát phạt khủng khiếp khi cả hai đều tung ra những chiêu sát thủ, một bên mạnh về cước, một bên thì quá nổi danh với đòn chỏ. Nhiều người đã nghĩ đến viễn cảnh một trong hai phải bỏ mạng. Đỉnh điểm của sự căng thẳng là vào giữa trận đấu khi "hùm xám" dính liên hoàn đòn của "gấu già" và bay ra khỏi sàn đấu.
Trọng tài lập tức cho tạm dừng, tưởng rằng "hùm xám" đã "out", không chiến đấu được nữa nhưng anh ta vẫn đủ sức đứng lên. Khi quay trở lại trận đấu, "hùm xám" liền có pha đáp trả bằng cách tung liên tiếp 4 cú đá mà người ta gọi đó là liên hoàn cước khiến "gấu già" choáng váng.
Hai bên tiếp tục giằng co nhau làm người xem ở dưới cũng mướt mồ hôi dõi theo không rời mắt. Có thể nói đây là trận đấu mãn nhãn xứng danh "kỳ phùng địch thủ". Đến hết thời gian mà không ai bị khuất phục, cuối cùng hai bên hòa nhau. Người ta gọi đó là may mắn vì "lưỡng hổ tranh hùng" mà trong làng võ cũng không mất một ai", anh Phan Anh chia sẻ.
Màn kịch chiến với "hùm xám" Dương Minh Quảng chỉ là một trận tiêu biểu trong vô số những lần thượng đài uy danh của "gấu già" Bảo Truy Phong. Ông tên thật là Nguyễn Tý (1911 – 2010) được người dân xứ Quảng thường gọi với tên thân mật Chín Sửu, người gốc ở xã Nghĩa Dõng, TP.Quảng Ngãi. Thực chất, tên gọi Bảo Truy Phong là sự ghép nối từ tên tuổi của hai vị sư phụ của ông có tên Thái Văn Bảo và Dương Truy Phong.
Cuộc đời của vị võ sư lừng danh là những chuyến phiêu lưu, lang bạt khắp nơi để mưu sinh và tầm sư học đạo. Từ năm 13 tuổi, ông theo người dân trong vùng sang tận Cao Miên (Campuchia) để làm phụ việc nhưng 6 năm sau thì thất bại nên đành về lại quê hương. Sau đó, ông tiếp tục vào Sài Gòn hành nghề đạp xe xích lô. Cũng từ đây mà cơ duyên đưa ông gặp gỡ, bái hai võ sư Văn Bảo và Truy Phong làm sư phụ. Nhờ đó mà Chín Sửu lĩnh hội được kỹ năng võ thuật của cả quyền anh lẫn Thiếu Lâm.
Cố võ sư Bảo Truy Phong từng đạp xích lô song song học võ (Ảnh minh họa)
Khoảng năm 1932, tức 3 năm sau khi luyện võ thành tài, võ sư Bảo Truy Phong bắt đầu dấn thân vào công cuộc đấu võ đài. Ông nhận lời của các ông bầu sô thời đó để đánh theo các "kèo" được ấn định sẵn.
"Võ sư Phong đi đánh khắp nơi từ lục tỉnh Nam Kỳ ra đến tận Nha Trang, Đà Nẵng, Huế… thậm chí sang cả Cao Miên để đấu với võ sĩ nước bạn, đụng độ cả võ sĩ Xiêm (Thái Lan). Thời đó, miền Trung từ Huế trở ra thì thịnh hành võ tự do, còn từ Đà Nẵng đổ vào thì chuộng quyền anh. Mà ông Chín thì giỏi cả hai môn đó nên ông cứ phiêu bạt khắp nơi theo sự sắp xếp của các ông bầu.
Trung bình một trận thắng thì được trả 400 đồng, thua thì 300 đồng, cá biệt có những trận đỉnh cao, gặp cao thủ thượng thặng thì số tiền có thể lên đến 1000 đồng, mà thời đó tính ra giá trị so với bây giờ thì 1 lượng vàng chỉ có khoảng 700 đồng. Nên số tiền kiếm được từ các độ đánh đài là rất nhiều.
Ngoài những trận đấu theo kiểu cáp kèo như vậy, ông Chín còn có nhiều lần liên tiếp vô địch Sài Gòn, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Vinh…".
Thời xưa, đấu quyền anh, võ tự do thời đó thường không có mũ, giáp nên vô cùng nguy hiểm. Nếu không cẩn trọng thì người võ sĩ có thể "bay nguyên hàm răng" hoặc nghiêm trọng hơn là dính các đòn chỏ, gối cướp đi sinh mạng. Dù giành nhiều chiến tích vẻ vang nhưng võ sư Bảo Truy Phong cũng đánh đổi lại nguy hiểm thường trực.
Các võ sư từ trái sang: Bảo Truy Phong, Tấn Hoành, Ngọc Cư, Tấn Huy Hường
Một trong những trận đài đáng nhớ nữa của võ sư Bảo Truy Phong chính là cuộc sát phạt quyền vương xứ Thanh để đoạt ngôi vô địch. Trận đấu này cũng được giới võ thuật truyền tai nhau rất nhiều. Giai đoạn võ sư Phong đi đấu đài, vùng đất Thanh Hóa nổi lên một võ sĩ vô địch có tên Hồng Khắc Kim cực kỳ lợi hại.
Khắc Kim sở hữu nắm đấm có sức mạnh hủy diệt có thể hạ sát một con bò mộng. Trên võ đài, võ sĩ này từng kết liễu mạng sống một đối thủ từ miền Nam ra du đấu. Nghe danh của Hồng Khắc Kim là mọi người đều khiếp đảm, võ sư Bảo Truy Phong cũng không ngoại lệ khi tỏ ra sợ hãi nhưng vì cuộc sống mưu sinh để kiếm tiền nên ông chấp nhận kèo đấu do bầu sô yêu cầu.
Trận đấu sinh tử được đem ra bình luận rất nhiều, thậm chí giới cá cược chui ngày đó xuất hiện tỷ lệ "lệch kèo" tuyệt đối đến khó tin khi cho rằng tay đấm xứ Quảng sẽ bỏ mạng trước sức mạnh của đối thủ Thanh Hóa.
"Khi bước vào thượng đài, lần đầu tiên trong đời, ông Chín Sửu phải dành tới 3 hiệp đấu chỉ để né và dò đòn của đối phương. Và khi đã bắt đủ mọi "bài", ông mới yên tâm chuyển sang thế tấn công. Đến cuối cùng, nhận thấy được sơ hở của Khắc Kim thì ông mới tung ra đòn chỏ liên hoàn như sấm khiến anh ta gục ngã xuống sàn bất tỉnh. Đòn đánh nhanh đến nỗi người xem không định hình được nó diễn ra như thế nào. Vì thế mà về sau này, giới võ lâm mới ấn tượng và gọi đó là liên hoàn 6 chỏ trứ danh của võ sư Bảo Truy Phong", anh Anh mô tả.
Ngoài ra, võ sư Bảo Truy Phong còn một trận đấu xuất thần nữa từng được đề cập đó là chiến thắng trước nhà vô địch quyền anh nước Pháp La Fone. Trận đấu đó chính là cột mốc đưa tên tuổi ông vượt xa khỏi lãnh thổ Việt Nam, vang danh khắp xứ Đông Dương đương thời.
Trên võ đài là cao thủ bất khả chiến bại, ngoài đời võ sư Bảo Truy Phong còn được biết đến là danh y chuyên chữa trị ngoại thương, xương khớp, bốc thuốc cứu người. Nhờ hiểu biết y thuật nên những năm thi đấu ông có thể tự mình chữa trị các vết thương gặp phải.
Cũng theo anh Phan Anh thì võ sư Bảo Truy Phong từng đối đầu với một tay đấm quyền tự do người Thái Lan. Người này được mô tả là sở hữu đôi chân "cứng như thép", mỗi lần tung chiêu là phần thịt đùi của đối thủ như muốn bị tét ra. Nhưng võ sư Bảo Truy Phong với kinh nghiệm về y thuật nên tự tin biết cách chịu đòn và đủ sức để gượng dậy để tung đòn hạ knock-out đối thủ.
Đại gia đình cố võ sư Bảo Truy Phong
Cố võ sư Bảo Truy Phong có người vợ tên Trương Thị Lễ (1926 – 2018), họ có với nhau tất cả 9 người con gồm 3 nam và 6 nữ. Trong đó, người con trai đầu tên Hữu Y được thừa hưởng võ nghệ từ cha và cũng từng thượng đài ở thập niên 1970.
Các đệ tử của Bảo Truy Phong trải dài khắp mọi miền đất nước, nhiều người trong số đó thành danh tiêu biểu như: Trần Cảnh, Nguyễn Vang, Nguyễn Rèn, Lê Thới, Bảy Hà, Chín Mong, Bảo Công Phương... Và đặc biệt người học trò nổi tiếng nhất phải kể đến là cố võ sư Ngô Bông – người lĩnh giáo được cả võ thuật lẫn y thuật cao minh từ sư phụ.
Khi khép lại sự nghiệp võ đài hiển hách, võ sư Bảo Truy Phong trở về quê nhà hành nghề y, chữa trị cứu giúp người đời cho đến khi tạ thế vào ngày 25/12/2010, được Nhà nước công nhận Lão thành cách mạng.