“Tạm biệt, Kai Tak, và cảm ơn”.
Đã 25 năm trôi qua kể từ khi Richard Siegel, Giám đốc Hàng không dân dụng lúc bấy giờ của Hong Kong (Trung Quốc), nói lời chào tạm biệt và tắt đèn tại Sân bay Quốc tế Kai Tak. Chấm dứt những tháng ngày phục vụ đông đảo lượng khách đi và đến, chấm dứt cả những cảnh tượng ngoạn mục mà có lẽ đã góp phần mang lại nét riêng đặc biệt, dấu ấn khó phai mờ của Kai Tak.
Một khung cảnh mang tính biểu tượng từ Sân bay Quốc tế Kai Tak - chiếc máy bay phản lực của Cathay Pacific Airways giữa các tòa nhà chung cư thuộc khu Kowloon. Nhiếp ảnh gia Daryl Chapman kể lại: "Bức ảnh này được chụp ở To Kwa Wan, ngay lối vào sân bay".
Vào ngày 6 tháng 7 năm 1998, Sân bay Quốc tế Kai Tak - trung tâm hàng không chính của Hong Kong (Trung Quốc) đóng cửa, chuyển sang Sân bay Quốc tế Hong Kong mới xây dựng, lớn hơn và lộng lẫy hơn ở Chek Lap Kok.
Sân bay Quốc tế Kai Tak được đổi tên thành Bến Du thuyền Kai Tak, bến du thuyền lớn nhất ở Hong Kong vào năm 2013.
Tuy nhiên, những kỷ niệm đẹp đẽ vẫn còn đối với những người đã có cơ hội dừng chân tại Sân bay Quốc tế Kai Tak, hoặc chỉ đơn giản là chứng kiến những cuộc hạ cánh máy bay được coi là "nguy hiểm nhất thế giới".
Kai Tak, đóng cửa từ 25 năm trước, được mệnh danh là sân bay thú vị nhưng cũng nguy hiểm nhất thế giới.
Trước khi đóng cửa vào năm 1998, sân bay Kai Tak (nơi diễn ra chuyến bay đầu tiên vào năm 1925) được coi là một trong những sân bay khó hạ cánh, cất cánh nhất trên thế giới đối với các phi công.
Vì nó nằm giữa thành phố Kowloon, với một đường băng nhô ra biển. Việc điều khiển con chim sắt khổng lồ hạ cánh xuống Kai Tak là một thử thách "dựng tóc gáy" ngay cả đối với những phi công dày dạn kinh nghiệm.
Cựu tổng giám đốc điều hành của hãng hàng không Cathay Pacific Airways và hiện là huấn luyện viên phi công, Russell Davie, có hơn 30 năm kinh nghiệm bay.
Ông xúc động khi nhớ đến Kai Tak.
“Là một phi công, tôi đánh giá nó thực sự độc đáo. Đây là sân bay lớn duy nhất trên thế giới yêu cầu phải quay 45 độ dưới độ cao 152m để thẳng hàng với đường băng, bay giữa các tòa nhà cao tầng, theo đúng nghĩa đen”, ông nói với phóng viên CNN Travel.
Daryl Chapman, một giáo viên đồng thời là nhiếp ảnh gia hàng không đến từ Anh. Ông sống ở Hong Kong từ năm 1987 và dành vô số thời gian để chụp những cảnh tuyệt vời của những chiếc máy bay lớn lao vút qua bầu trời Hong Kong.
“Kai Tak rất khác so với hầu hết các sân bay quốc tế vì nó nằm ngay trong thành phố”, Chapman nhớ lại. “Lion Rock (một ngọn đồi nổi bật ở Hồng Kông) chắn lối đi thẳng vào đường băng. Do đó máy bay phải thực hiện thao tác rẽ đặc biệt qua khu Kowloon trước khi khi hạ cánh trên đường băng 13”.
Davie nói: “Đây là một thách thức khá lớn, đặc biệt là trong điều kiện gió mạnh. Là phi công của Cathay, chúng tôi đã luyện tập rất nhiều và trở nên rất thành thạo.
“Hạ cánh ở Kai Tak là một thách thức khá lớn đối với phi công của các hãng hàng không khác, đặc biệt là trong điều kiện bay đòi hỏi khắt khe hơn, vì họ có thể chỉ đến Kai Tak mỗi năm một lần”.
Nhiếp ảnh gia Chapman cho biết ông từng xem các chuyến bay hạ cánh xuống Kai Tak trong “điều kiện khắc nghiệt”.
Ông kể: “Ở bãi đậu xe của Kai Tak, cảm giác run sợ khi nhìn máy bay hạ cánh trong cơn mưa lớn. Các phi công không thể nhìn thấy đường băng và khi hạ cánh xuống Kowloon, bạn phải nhìn thấy đường băng".
Kỷ niệm đáng sợ nhất đối với Chapman là lần hạ cánh của một chuyên cơ vận tải Air France 747-200 với trần bay (độ cao bay lớn nhất của máy bay trong những điều kiện bay nhất định) cực thấp.
“Chúng tôi có thể nghe thấy nó đang lao đến nhưng không thấy dấu hiệu của đèn hạ cánh. Trời tối. Tiếng gầm rú ngày càng to hơn. Sau đó, tôi thấy ánh sáng của đèn hiệu màu đỏ bên dưới máy bay. Nó vượt qua khúc cua, đi thẳng qua bãi đậu xe và tháp điều khiển rồi bay vòng quanh để thử lần nữa. Âm thanh ồn ào và đáng sợ. Thậm chí tôi không thể nhìn rõ hình dáng chiếc máy bay mà chỉ nghe thấy tiếng”.
Nhiếp ảnh gia Chapman cho biết thêm trước năm 1998, Kai Tak từng là sân bay chính của Hong Kong. Sân bay đã đón khoảng 30 triệu lượt khách mỗi năm, tuy nhiên tại đây từng xảy ra 12 thảm họa hàng không với 270 hành khách thiệt mạng. Có cả chiếc máy bay hạ cánh sai và lao xuống biển.
“Tôi có những kỷ niệm rất đẹp về Kai Tak”, phi công Davie nói. “Khi mới gia nhập Cathay Pacific, tôi đã dành nhiều giờ vui vẻ khi đi dạo quanh khu Kowloon mỗi khi có khách đến thăm, ngắm nhìn máy bay bay thấp trên những ngôi nhà và cửa hàng.
“Từ mặt đất, cảnh tượng ấy thực sự tuyệt vời, và cả với tầm nhìn từ một hành khách trên máy bay, đặc biệt nếu bạn ngồi ở dãy ghế bên phải”. Lộ trình yêu thích của Davie là cất cánh từ Nhật Bản hoặc Đài Loan (Trung Quốc), phía đông bắc Hong Kong.
Vào ngày 4 tháng 11 năm 1993, một phi công của hãng hàng không China Airlines đã chạy quá đường băng khi trời mưa, khiến chiếc máy bay 747-400 rơi xuống biển, may mắn tất cả 396 người trên khoang đều an toàn.
Mặc dù Sân bay Quốc tế Hong Kong lớn hơn, hiện đại hơn (khai trương vào tháng 7 năm 1998) được coi là một trong những sân bay tốt nhất trên thế giới, nhưng vẫn khó có thể làm lu mờ Kai Tak. Nó đã phục vụ các hành khách trong suốt 73 năm và trở thành một biểu tượng của thành phố, được du khách trên toàn thế giới biết đến.