Bệnh tật hiện nay dường như không phân biệt tuổi tác, có những bệnh trước kia thường xuất hiện ở người lớn tuổi thì nay lại xuất hiện ngày càng nhiều ở người trẻ. Nguyên nhân chủ yếu cho tình trạng này là lối sống không lành mạnh bao gồm:
- Lười vận động.
- Lạm dụng bia rượu.
- Hút thuốc lá, bao gồm hút thuốc chủ động và thụ động, hút thuốc lá điện tử…
- Chế độ ăn không hợp lý: dư thừa năng lượng, tiêu thụ nhiều đường, muối, thịt đỏ, thiếu rau xanh và trái cây…
Có những căn bệnh tưởng chừng chỉ gặp ở những người lớn tuổi nhưng lại đang có xu hướng "trẻ hóa". Theo ThS.BS Nguyễn Phương Anh, Giảng viên bộ môn dinh dưỡng và an toàn thực phẩm trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, dưới đây là 4 căn bệnh nguy hiểm đang "tấn công" vào người trẻ do lối sống không lành mạnh. Bạn hãy cảnh giác ngay từ hôm nay nhé.
1. Béo phì
Béo phì là tình trạng mất cân bằng năng lượng, trong đó năng lượng ăn vào lớn hơn năng lượng tiêu hao. Số năng lượng dư thừa này được cơ thể dự trữ dưới dạng mỡ. Quá nhiều mỡ dẫn đến tình trạng béo phì và gây nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.
Theo điều tra Quốc gia về yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm, tỷ lệ người trưởng thành thừa cân/béo phì là 15,6% vào năm 2015 và tiếp tục gia tăng trong những năm sau đó.
2. Tăng huyết áp
Huyết áp là áp lực của máu tác động lên thành động mạch. Huyết áp gồm có 2 chỉ số là:
Huyết áp tâm thu thể hiện ở chỉ số trên, là huyết áp khi tim co bóp.
Huyết áp tâm trương thể hiện ở chỉ số dưới, là huyết áp khi tim giãn ra.
Ví dụ huyết áp của bạn 110/70 mmHg thì huyết áp tâm thu là 110 mmHg và huyết áp tâm trương là 70 mmHg.
Tăng huyết áp là tình trạng khi huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và/ hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg. Huyết áp tăng cao là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến các biến cố tim mạch nặng bề như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận…
Trong những năm gần đây, bệnh tăng huyết áp có xu hướng tăng nhanh và trẻ hóa. Nếu như trước đây, tỉ lệ tăng huyết áp ở nhóm người có độ tuổi từ 20-40 tuổi là 4% thì nay con số này đã lên khoảng 20%.
3. Đái tháo đường type 2
Đái tháo đường là tình trạng tuyến tụy tiết không đủ insulin hoặc kháng insulin (insulin hoạt động không hiệu quả). Trong cơ thể, insulin có vai trò đưa đường glucose từ máu vào trong tế bào. Do vậy, thiếu hụt hoặc khiếm khuyết insulin làm glucose không vào trong tế bào và gây ra tăng glucose máu. Tăng glucose máu mạn tính dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như mù lòa, suy thận, nhồi máu cơ tim, đột quỵ…
Trước đây bệnh đái tháo đường type 2 ảnh hưởng chủ yếu tới người trung niên và người già, nhưng theo thời gian, tuổi khởi phát bệnh có xu hướng trẻ hóa như ở Mỹ mỗi năm có khoảng 3.700 người dưới 20 tuổi được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường type 2.
4. Ung thư
Ung thư là một trong những căn bệnh nguy hiểm và có thể dẫn đến chết người nếu không phát hiện và điều trị sớm. Trước đây, khi nói tới ung thư người ta thường nói tới độ trung niên trở lên. Tuy nhiên, hiện nay các loại bệnh ung thư nói chung đều đang trẻ hóa, đặc biệt là ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày.
Ung thư đại trực tràng là khối u ác nằm ở ruột già và đoạn nối giữa ruột già với hậu môn. Đây là một những ung thư phổ biến nhất ở cả nam và nữ. Theo thống kê của Liên hiệp Anh và 19 nước châu Âu, trong giai đoạn 2008 tới 2016, tỷ lệ mắc ung thư đại tràng ở độ tuổi 20-39 đã tăng 7,4% (tăng nhiều nhất là nhóm từ 20-29 tuổi), tỷ lệ ung thư trực tràng của cùng độ tuổi cũng tăng 1,8% mỗi năm từ năm 1990.
Tương tự ung thư dạ dày ở nước ta cũng đang có xu hướng trẻ hóa. Nếu như trước đây, bệnh thường gặp ở người trên 60 tuổi thì nay bệnh lại xuất hiện ở người chỉ mới ngoài 30 tuổi.
Sự gia tăng của nhiều bệnh lý nguy hiểm ở người trẻ tuổi nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ những thói quen sống không lành mạnh. Tuy nhiên, phần lớn mọi người đều chủ quan bởi những căn bệnh này thường diễn biến âm thầm, không gây đau đớn, mọi người vẫn sinh hoạt bình thường. Khi bệnh có biểu hiện rõ rệt thì đã diễn biến nặng và khó có thể cứu chữa được.
Để ngăn ngừa và giảm thiểu nguy cơ mắc những căn bệnh nguy hiểm ở người trẻ, các chuyên gia khuyến cáo bạn nên xây dựng và duy trì lối sống khoa học, rèn luyện những thói quen tốt như tập thể dục thường xuyên, ăn uống lành mạnh, hạn chế rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích,... Đặc biệt, bạn nên kiểm tra sức khỏe thường xuyên theo định kỳ. Đây chính là cách nhanh nhất giúp bạn phòng ngừa và phát hiện kịp thời những bất thường của cơ thể.